Xã Vĩnh Thanh (huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu) vừa được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu về sản xuất vào tháng 8/2023.

Trong quá trình xây dựng xã Vĩnh Thanh theo chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, ấp Vĩnh Đông được chọn để xây dựng ấp nông thôn mới thông minh. Ấp nằm dọc đường tỉnh, đa phần người dân ở đây đều có mức sống khá. Trong đó, có 291/308 hộ xài điện thoại thông minh, máy vi tính có kết nối Internet, điều kiện tiếp cận công nghệ thông tin cao, an ninh trật tự tốt. 

Hơn thế, ấp còn có trạm thu phát sóng viễn thông, mạng 3G/4G phủ sóng và nhiều điểm sử dụng Wifi. Vì vậy, hình ảnh người dân đọc báo trên điện thoại, mua bảo hiểm y tế bằng cách chuyển khoản hay nhận thông tin về sản xuất nông nghiệp qua nhóm Zalo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật... là chuyện bình thường ở Vĩnh Thanh.

Theo quy định của tỉnh Bạc Liêu, ấp đạt chuẩn nông thôn mới thông minh phải thỏa mãn 5 nhóm tiêu chí: hạ tầng kết nối Internet, sử dụng thiết bị Internet, dịch vụ nông thôn (thanh toán không dùng tiền mặt, tỷ lệ người dân tham gia và sử dụng ứng dụng khám, chữa bệnh…), quản lý nông thôn thông minh và kết nối xã hội.

nnk 1586.jpg
Người lao động ở nông thôn thụ hưởng nhiều tiện ích từ chuyển đổi số. 

Ấp 1B của xã Phong Thạnh Tây A, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu, cũng được công nhận đạt chuẩn ấp nông thôn mới thông minh vào năm 2022. Người dân nông thôn dần quen với việc cập nhật thông tin thông qua điện thoại thông minh một cách dễ dàng. Việc mua sắm trên các sàn thương mại điện tử cũng phổ biến hơn. 

Nhiều người dân hào hứng với việc mua/gia hạn thẻ Bảo hiểm y tế bằng chuyển khoản trên app ngân hàng ở điện thoại, thay vì ra tận các đại lý. 

Theo UBND tỉnh Bạc Liêu, chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới là giải pháp và nhiệm vụ trọng tâm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Yêu cầu về mô hình ấp thông minh cho thấy mong muốn của địa phương này trong nâng cao chất lượng đời sống người dân, thu hẹp khoảng cách về chất lượng dịch vụ giữa nông thôn - thành thị. 

Đó chỉ là một trong số những nét đặc biệt của địa phương này trong nỗ lực xây dựng nông thôn mới. Năm 2023, Bạc Liêu có mức tăng trưởng kinh tế đạt 9,6%, riêng ngành nông nghiệp đạt mức tăng trưởng 5%; tỉnh có 49/49 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 17 xã nông thôn mới nâng cao, 5 xã kiểu mẫu, 2 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Bạc Liêu hiện có 143 sản phẩm OCOP đạt từ 3 đến 4 sao. Các sản phẩm OCOP phục vụ cho nhu cầu mua sắm làm quà tặng của du khách cũng là yếu tố quan trọng thúc đẩy du lịch phát triển. 

Để quảng bá, thu hút du khách, tạo nguồn lực cho phát triển, Bạc Liêu đã tổ chức Ngày hội Du lịch nông nghiệp, nông thôn và sản phẩm OCOP 2023 với nhiều hoạt động đặc sắc. 

Địa phương này xác định rõ du lịch là một trong 5 trụ cột kinh tế chính. Hàng năm, lượng du khách đến đây tăng trung bình khoảng 15%, tổng doanh thu từ du lịch tăng trung bình khoảng 20% mỗi năm. Năm 2023, Bạc Liêu đón tiếp khoảng 4,2 triệu lượt khách, với tổng doanh thu khoảng 3.850 tỷ đồng, xếp thứ 4 vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Hiện Bạc Liêu có 11 điểm du lịch tiêu biểu được Hiệp hội Du lịch đồng bằng sông Cửu Long công nhận. Do vậy, phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù, khác biệt sẽ càng giúp Bạc Liêu nâng cao thương hiệu, tạo sức hấp dẫn và khả năng cạnh tranh. Từ đó, hướng đến mục tiêu trở thành một trong những trung tâm du lịch vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Theo ông Lê Tân Cận, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bạc Liêu, việc phát triển sản phẩm OCOP có thương hiệu, theo chuỗi giá trị dựa trên thế mạnh giúp nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ và du lịch nông thôn.

Hoạt động này cũng thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững, bảo tồn các giá trị văn hóa, quản lý tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học, cảnh quan và môi trường nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu. 

Võ Thu và nhóm PV, BTV