Chủ trương, lựa chọn đúng kết hợp với cách làm phù hợp đã mang lại kết quả quan trọng cho Bạc Liêu đột phá trong giảm tỷ lệ hộ nghèo, cải thiện GRDP bình quân đầu người, tốc độ tăng trưởng....

"Cú huých" từ hội nghị Ban Chấp hành giữa nhiệm kỳ. Tại hội nghị này, cùng với đánh giá kết quả thực hiện 11 nhiệm vụ trọng tâm đã xác định từ trước, Ban Chấp hành bổ sung và chỉ đạo triển khai trúng, đúng nhiều vấn đề lớn. Cơ bản đã chọn đúng năm trụ cột phát triển kinh tế - xã hội (nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; năng lượng sạch và năng lượng tái tạo; du lịch; thương mại dịch vụ, giáo dục, y tế chất lượng cao; kinh tế biển gắn với quốc phòng an ninh).

{keywords}
Xác định tôm là ngành kinh tế mũi nhọn, do đó tỉnh Bạc Liêu từng bước xây dựng nền tảng vững chắc phát triển thành trung tâm ngành công nghiệp tôm của cả nước.

Xã Ninh Thạnh Lợi nằm trong vùng sông nước có hệ thống kênh rạch chằng chịt, cách trung tâm TP Bạc Liêu gần 70 km. Vài năm trước thôi, từ tỉnh xuống xã phải mất cả buổi đi thuyền. Chỉ đến khi đường sá thuận lợi, đồng nghĩa với sự ra đời những mô hình sản xuất nông nghiệp dần thay đổi thói quen canh tác trên vùng đất phèn.

Khai thác tiềm năng từ đất đai, hệ thống kênh rạch và chính sách đầu tư của Nhà nước, xã Ninh Thạnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu thực hiện đa dạng hóa vật nuôi, cây trồng, mô hình tôm - lúa đã phát huy hiệu quả. Hiện nay, toàn xã có hơn 5.300 ha canh tác tôm - lúa, cho năng suất bình quân 5,5 tấn lúa và 130 kg tôm/ha/vụ. Năm 2019, thu nhập bình quân là 45,8 triệu đồng/người, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,25%.

Tại xã Ninh Quới, tiêu biểu có cơ sở sản xuất trà mãng cầu của gia đình ông Lâm Quý Nghiêm, hay mô hình chăn nuôi kết hợp vườn cây, ao cá của anh Nguyễn Văn Dù ở ấp Vàm, cảm phục sự năng động, dám nghĩ, dám làm của nông dân vùng đất khó. 

Ðề án phát triển sản xuất, chăn nuôi trên địa bàn xã giai đoạn 2016 - 2020 đã hình thành nên một số mô hình hiệu quả như cải tạo vườn tạp trồng cây ăn trái, mô hình trữ cá đồng trên ruộng lúa,... nhờ đó cuộc sống của người dân Ninh Quới đang được cải thiện theo hướng làm giàu.

Tại huyện miền biển Ðông Hải, các dự án điện gió và mô hình nuôi tôm công nghệ cao đang dần thay thế nghề làm muối truyền thống. 

Xác định tôm là ngành kinh tế mũi nhọn, do đó tỉnh Bạc Liêu từng bước xây dựng nền tảng vững chắc phát triển thành trung tâm ngành công nghiệp tôm của cả nước. Các điều kiện, thủ tục đang được hoàn thiện để sớm đạt chứng nhận khu nuôi tôm an toàn sinh học theo chuẩn của Tổ chức Thú y thế giới, hướng tới xuất khẩu tôm nguyên con sang các thị trường khó tính. Toàn tỉnh đã có 12 doanh nghiệp và 324 hộ nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, tổng diện tích là 2.250 ha (tăng 2.174 ha so năm 2015). Bên cạnh đó, sản xuất tôm giống đã trở thành thế mạnh, có quy mô lớn nhất, với 212 cơ sở sản xuất, chiếm 59% lượng tôm giống cả nước.

Trong năm năm qua, Bạc Liêu ghi nhận tất cả 20 chỉ tiêu về kinh tế, xã hội đều đạt và vượt cao so dự kiến. Trong đó, năm chỉ tiêu trọng yếu đứng trong tốp 5 của khu vực đồng bằng sông Cửu Long, bao gồm: tốc độ tăng trưởng; GRDP bình quân đầu người; tổng vốn đầu tư toàn xã hội/GRDP; sản lượng thủy sản (tôm) và tỷ lệ hộ nghèo.

Bích Hạnh