Hội nghị do Sở Tư pháp - Cơ quan Thường trực Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) tỉnh Bạc Liêu tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại 7 điểm cầu cấp huyện và 64 điểm cầu cấp xã, phường, thị trấn.
Theo ông Trần Minh Đức, Phó Giám đốc Sở Tư pháp, Phó Chủ tịch Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh Bạc Liêu, hoạt động truyền thông dự thảo chính sách có vai trò, ý nghĩa sức quan trọng. Đây là nhiệm vụ quan trọng trong quá trình xây dựng và ban hành chính sách, nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, góp phần nâng cao chất lượng chính sách, thể chế, tính khả thi của văn bản quy phạm pháp luật, tạo đồng thuận xã hội đối với những chính sách, quy định pháp luật cần phải được ban hành hoặc điều chỉnh theo yêu cầu của thực tiễn cuộc sống.
Mặt khác, truyền thông chính sách cũng góp phần phát huy tinh thần dân chủ, đại đoàn kết toàn dân tộc, để người dân được hưởng thụ quyền dân chủ và thực hiện quyền giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước.
Theo chương trình hội nghị, ông Phan Hồng Nguyên, Phó Cục trưởng Cục Phổ biến giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp, đã chia sẻ nhiều thông tin hữu ích qua các chuyên đề gồm: Những vấn đề chung về truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; Kỹ năng xây dựng kế hoạch tổ chức truyền thông dự thảo chính sách; Kỹ năng tích hợp, đăng tải, khai thác thông tin nội dung dự thảo chính sách và những vấn đề liên quan trên Cổng thông tin điện tử Phổ biến giáo dục pháp luật quốc gia, các phần mềm về phổ biến giáo dục pháp luật; Kỹ năng cung cấp thông tin, tiếp nhận, xử lý thông tin góp ý và phản hồi ý kiến góp ý đối với dự thảo chính sách, giới thiệu một số hình thức truyền thông dự thảo chính sách, văn bản quy phạm pháp luật.
Ông Phan Hồng Nguyên lưu ý, để truyền thông dự thảo chính sách có hiệu quả hơn trong thời gian tới, cần phải phát huy hơn nữa vai trò của Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật các cấp trong chỉ đạo, hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc các bộ, cơ quan, tổ chức ở Trung ương, địa phương.
Cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật cần chủ động xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch truyền thông dự thảo chính sách hàng năm, trong đó xác định nội dung dự thảo chính sách cần truyền thông, hình thức truyền thông, nguồn lực bảo đảm thực hiện…; Cần tổ chức tiếp nhận, xử lý thông tin góp ý, phản hồi, phản biện xã hội của các cơ quan, tổ chức, người dân, doanh nghiệp về dự thảo chính sách để kịp thời sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.
Ngoài ra, cần tăng cường tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng truyền thông dự thảo chính sách cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên, cán bộ quản lý thông tin, báo chí ở Trung ương, địa phương; báo cáo viên pháp luật, công chức pháp chế các bộ, cơ quan, tổ chức ở trung ương, sở, ngành địa phương; tuyên truyền viên pháp luật…