Tiến sĩ bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng khoa Sốt xuất huyết, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM cho biết, trẻ dưới 6 tuổi nếu sốt cao không hạ liên tục rất dễ bị co giật. Do đó, hạ sốt là mối quan tâm đầu tiên của phụ huynh khi con mắc sốt xuất huyết hoặc các bệnh nhiễm trùng khác. 

Với sốt xuất huyết, loại thuốc an toàn để hạ sốt cho trẻ là paracetamol. Thuốc có thể ở dạng viên, gói, siro hoặc dạng đặt hậu môn nhưng liều dùng phải dựa trên cân nặng. Liều thông tường là 10-15mg/kg cân nặng/lần, lặp lại sau 4-6 giờ.

Bác sĩ Minh Tuấn lưu ý, thuốc chỉ nên sử dụng khi trẻ sốt từ 39 độ C trở lên, không dùng thường quy hay quá sớm, quá nhiều. Lý do vì virus dengue (gây bệnh sốt xuất huyết) có thể ảnh hưởng chức năng gan, bệnh dễ biến chứng suy gan. Nếu sử dụng paracetamol “dễ dãi”, gan của trẻ sẽ càng dễ bị tổn thương hơn.

Bệnh sốt xuất huyết đang vào mùa, rất nhiều ca nặng.

Tuy nhiên, nếu trẻ có tiền sử dị ứng với paracetamol, hạ sốt bằng thuốc khác có hiệu quả không? Một số thuốc như aspirin, ibuprofen cũng có tác dụng hạ sốt, giảm đau nhưng bác sĩ cảnh báo, tuyệt đối không sử dụng cho trẻ mắc sốt xuất huyết.

Bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn lý giải, trẻ sốt xuất huyết dễ bị xuất huyết tiêu hóa, chảy máu chân răng, chảy máu mũi, ra máu âm đạo… do tăng tính thấm thành mạch, giảm tiểu cầu, rối loạn đông máu.

Thuốc aspirin, ibuprofen ngoài tác dụng hạ sốt còn ức chế chức năng tiểu cầu, giảm độ tập trung tiểu cầu, làm cho tiểu cầu không còn khả năng cầm máu. Bệnh nhân sốt xuất huyết uống hai thuốc trên sẽ có nguy cơ cơ xuất huyết tiêu hóa do viêm loét dạ dày tá tràng. 

Phương án an toàn nhất lúc này là lau mát cho trẻ. Phụ huynh dùng khăn bông nhỏ nhúng nước ấm vừa phải, vắt khô và đắp trên những vùng mạch máu lớn đi qua như hai bên cổ, hai bên nách, hai bên háng của trẻ. Lau mát trên trán, lau ngực và nới rộng quần áo và nên cho trẻ uống thêm nhiều nước. 

Thông thường, khoảng 1 giờ sau khi lau mát, nhiệt độ của trẻ sẽ giảm từ 39 độ C xuống dưới 38,5 độ C. Việc lau mát có thể lặp lại sau đó nhiều lần. 

"Đây là biện pháp rất hiệu quả và an toàn", bác sĩ Tuấn khẳng định. Tuy nhiên, ông cũng bày tỏ lo ngại khi còn tồn tại quan niệm sai lầm như cạo gió, cắt lể để giải cảm, hạ sốt, chữa đau nhức mình trong dân gian. 

Vị trí cạo gió da sẽ bị trầy, đỏ bầm hoặc rỉ máu. Các vết cắt lể chảy máu có thể không cầm được vì đặc điểm của bệnh là xuất huyết. Từ đây, vi trùng xâm nhập bên ngoài vào gây nhiễm trùng máu, diễn tiến sốc nhiễm trùng. Trẻ sẽ nguy kịch vì bệnh cảnh rất nặng. 

"Tuyệt đối không cạo gió, cắt lể khi trẻ sốt xuất huyết", bác sĩ nói.

Hạ sốt đúng cách cho trẻ rất quan trọng.

Để chăm sóc trẻ sốt xuất huyết tại nhà, bác sĩ khuyên trẻ cần bù nhiều nước, ăn đồ ăn mềm, loãng dễ tiêu như cháo, súp, nước trái cây nhưng tránh các món màu nâu đỏ để phát hiện nếu xuất huyết tiêu hóa. Khuyến khích trẻ uống nhiều nước để tránh tình trạng cô đặc máu do thất thoát huyết tương.

Ông nhấn mạnh, phụ huynh cần theo dõi kỹ thời gian từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 6 của bệnh, trẻ có thể giảm sốt nhưng dễ trở nặng nhất. Nếu lúc này, trẻ chảy máu mũi, chảy máu răng, lừ đừ, đau bụng, nôn ói, đi ngoài phân đen, mệt mỏi… cần được đưa đến cơ sở y tế ngay lập tức để tránh vào sốc. Đây là khác biệt của sốt xuất huyết so với các bệnh siêu vi hay nhiễm trùng khác: giảm sốt nhưng vẫn nguy kịch.

Cũng tại bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, các bác sĩ vừa cứu sống 2 trẻ dưới 1 tuổi sốc sốt xuất huyết nặng. Hai trẻ đều bị sốt cao 3 ngày, đến ngày thứ 4 giảm sốt nhưng lừ đừ, bú kém, tay chân lạnh, môi tái nên gia đình đưa đi khám.

Các bé được chuyển cấp cứu trong tình trạng trụy tim mạch, huyết áp không đo được, gan to, chấm xuất huyết rải rác kèm máu cô đặc. Ngoài ra, trẻ còn bị suy hô hấp nặng do phù mô kẽ và tràn dịch màng phổi, màng bụng lượng nhiều được hỗ trợ bằng thông khí áp lực dương liên tục qua mũi.

Sau nhiều ngày nỗ lực điều trị, trẻ mới qua giai đoạn nguy kịch và phục hồi, xuất viện sau đó. 

Linh Giao