Chiều 15/7, một sản phụ mang thai 38 tuần được chuyển cấp cứu tới Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. Sản phụ là công dân Việt vừa từ Australia về, ở khu cách ly tập trung tỉnh Vĩnh Phúc chưa được 1 ngày thì có dấu hiệu đau bụng chuyển dạ.
Nhận được tin báo, bác sĩ Nguyễn Thị Hồng (khoa Ngoại sản) cùng 1 nữ hộ sinh, khi ấy đang trong ca trực, vội có mặt tại khu cách ly đặc biệt, Khoa Cấp cứu để theo dõi bệnh nhân.
Đêm cùng ngày, tình hình bất ngờ trở xấu, tim thai có dấu hiệu suy. Thông thường, nhịp đập tim thai chỉ dao động trong từ 120 - 160 nhịp/ phút. Tuy nhiên thời điểm đó, bác sĩ Hồng phát hiện nhịp tim thai lên tới 185-190/ phút.
Bác sĩ Nguyễn Thị Hồng - Ảnh: M.Nhật |
Báo cáo lãnh đạo bệnh viện, bác sĩ Hồng nhận chỉ định nhanh chóng tập hợp kíp mổ cấp cứu. Phòng mổ dã chiến được thành lập ngay trong khu cách ly đặc biệt. Ekip mổ có 6 người, gồm 1 bác sĩ mổ chính, 1 phụ mổ, 1 nữ hộ sinh đón em bé, 1 bác sĩ gây mê, 1 phụ mê và 1 nhân viên y tế đưa dụng cụ.
“Mọi thứ diễn ra rất gấp rút. Phòng mổ được dựng lên chỉ trong vòng vài phút”, bác sĩ Hồng nhớ lại. Đúng 23h30’, ca phẫu thuật được tiến hành.
Nhiều năm công tác trong lĩnh vực sản khoa, bác sĩ Hồng bảo, đây là ca sinh mổ đáng nhớ nhất đối với chị. Phòng mổ dã chiến “tự dựng” không có hệ thống đèn chiếu sáng phía trên, các bác sĩ phải sử dụng chiếc đèn gù vẫn dùng trong khám bệnh. Trang thiết bị gây mê cũng không đầy đủ.
Bộ quần áo bảo hộ kín mít nóng nực, thêm chiếc kính bảo hộ thỉnh thoảng bị hơi nước che mờ khiến thao tác phẫu thuật gặp rất nhiều khó khăn. Chị Hồng cho biết, không còn cách nào khác là các bác sĩ phải tập trung cao độ trong từng tình huống, từng động tác để đảm bảo an toàn nhất cho người bệnh.
Sau 40 phút, ca phẫu thuật thành công, người mẹ và bé trai đều khỏe mạnh |
Sau 40 phút, ca phẫu thuật thành công. Bé trai nặng 3.5kg chào đời khỏe mạnh trong niềm hạnh phúc lớn của đội ngũ y bác sĩ.
“Ca mổ được huy động gấp, lại trong điều kiện thiếu thốn trang thiết bị như vậy nhưng cuối cùng mẹ con sản phụ đều an toàn. Điều này khiến chúng tôi rất mừng và xúc động”, bác sĩ Hồng tâm sự.
Sau mổ, sản phụ được theo dõi kỹ các vấn đề về mạch, nhiệt độ, huyết áp, co hồi tử cung, sản dịch, vết mổ. Ngoài ra, chị cũng được đặc biệt chú trọng theo dõi về nhiệt độ, các biểu hiện ho, khó thở,… để kịp thời phát hiện bệnh Covid-19 nếu có. Người mẹ hiện luôn đeo khẩu trang khi tiếp xúc với em bé.
Mẫu xét nghiệm lần đầu của sản phụ đã âm tính với virus SARS-CoV-2, tuy nhiên để đảm bảo an toàn tuyệt đối, trong những ngày tới, kíp mổ 6 người của chị Hồng vẫn sẽ phải cách ly tại khu riêng.
Bác sĩ Hồng tâm sự, việc cách ly lần này khá bất ngờ, chị và các đồng nghiệp chưa ai kịp nói trước với gia đình. Tuy nhiên, xác định đây là trách nhiệm công việc, các anh chị không vì thế mà buồn phiền.
Thời gian sắp tới, số lượng bệnh nhân Covid-19 có thể tăng lên sau các chuyến bay đón công dân Việt về nước, bác sĩ Hồng chia sẻ, các bác sĩ vẫn luôn trong tâm thế sẵn sàng để hỗ trợ người bệnh.
Nguyễn Liên
Bệnh nhân 368: 'Về Việt Nam, tôi như được sống trở lại'
Sáng 16/7, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương công bố khỏi bệnh thêm 3 trường hợp Covid-19, nâng tổng số ca được chữa khỏi trong cả nước lên 356 trường hợp.