Mỗi ngày không đọc sách, đọc tài liệu, tôi thấy mình lạc hậu
Bác sĩ Hoàng Văn Tâm (sinh năm 1988), cựu bác sĩ nội trú Da liễu khóa 37 (2012-2015), hiện là Phó trưởng khoa Điều trị nội trú ban ngày, Bệnh viện Da liễu Trung ương; đồng thời là giảng viên bộ môn Da liễu, trường Đại học Y Hà Nội.
Chia sẻ với VietNamNet, anh cho rằng đọc sách rất quan trọng, đặc biệt với người hành nghề y và các bác sĩ có cách đọc rất khác biệt.
Cũng như những trường đào tạo y dược nói chung, ở trường Đại học Y Hà Nội, nơi bác sĩ Tâm theo học 6 năm, nổi tiếng "học thật, thi thật", đòi hỏi khả năng đọc và nhớ tài liệu rất cao.
"Tích lũy mỗi ngày, không ngừng đọc, ghi chép, bền bỉ liên tục từ năm nhất", anh chia sẻ. 6 năm đại học, hàng chục bộ môn, lượng sách cần đọc ước chừng hàng trăm cuốn, xếp chồng quá đầu người chàng sinh viên cao hơn 1,75m. Phần lớn nguồn tài liệu đến từ sách, giáo trình chính thức của trường, số còn lại do bản thân chủ động tìm kiếm.
Thi đỗ chương trình bác sĩ nội trú đã khó, theo học được 3 năm càng áp lực hơn bởi vừa học vừa thực hành khám chữa bệnh. Làm sao để lĩnh hội tốt nhất khối kiến thức đồ sộ để tự tin cứu người?
"Thế bế tắc" được khai thông khi tình cờ một lần anh nghe thầy giáo hướng dẫn chia sẻ: "Đã là bác sĩ nội trú, ngày nào cũng cần đọc ít nhất vài bài báo khoa học về chuyên ngành của mình". Anh coi đó là kim chỉ nam, là bước ngoặt lớn cho sở thích và tư duy đọc sách.
Vậy là ngoài sách chuyên ngành, hàng ngày các bác sĩ nội trú phải đọc nhiều bài báo khoa học trong nước và quốc tế bằng tiếng Anh, tiếng Pháp. Với bác sĩ Tâm, là công trình nghiên cứu về bệnh lý, phương pháp điều trị, chăm sóc, làm đẹp da liễu mới nhất, thời sự nhất.
"Khi sách giấy về y khoa vừa xuất bản, nó đã tự lỗi thời bởi ngành khoa học về sức khoẻ tự cập nhật từng ngày. Đọc sách, từ thời bác sĩ nội trú, tôi hiểu rằng không chỉ là những trang giấy, những cuốn giáo trình kinh điển, các tệp chuyên khảo dày hàng trăm trang mà còn là các bài báo khoa học uy tín”. Anh chia sẻ thêm rằng, vì không có nhiều thời gian nên bác sĩ nội trú phải tranh thủ mọi lúc mọi nơi để đọc, tự cập nhật kiến thức mới nhất về chuyên ngành của mình.
Khi trở thành bác sĩ chính thức rồi giảng viên đại học, đọc tài liệu trở thành thói quen hằng ngày. Cao điểm, có những ngày bác sĩ Tâm đọc tới hàng trăm bài báo quốc tế để phục vụ cho báo cáo khoa học, biên soạn sách, giáo trình…
"Kiến thức cập nhật liên tục, tôi luôn thấy mình thiếu sót, cần đọc nhiều hơn. Mỗi ngày không đọc sách, tài liệu, tôi thấy mình lạc hậu", anh nói.
Là giảng viên trường Đại học Y Hà Nội, Thạc sĩ Hoàng Văn Tâm khuyên sinh viên phải đọc rất nhiều sách, giáo trình, không coi nhẹ bất kỳ bộ môn nào.
Anh chọn cách gợi ý, thuyết phục sinh viên tham gia vào bài giảng nhiều hơn khi đưa ra những ca lâm sàng để khuyến khích các bạn trẻ tư duy, chẩn đoán, nắm được kiến thức một cách chủ động. Với phương pháp kết nối hiệu quả này, năm học 2021-2022, thầy Hoàng Văn Tâm được sinh viên Y5 trường Đại học Y Hà Nội bình chọn là Giảng viên được yêu thích nhất.
“Sinh viên, bác sĩ thế hệ gen Z rất giỏi. Nếu được định hướng tiếp cận kiến thức theo cách mới từ sớm thì câu chuyện tương lai ‘trò giỏi hơn thầy’ là tất yếu”, anh bộc bạch.
Y khoa là ngành đặc biệt, học nữa, đọc mãi. Nếu bác sĩ luôn bằng lòng, chấp nhận với cách thức điều trị hiện tại, không chịu khó đọc tài liệu chuyên sâu, tìm kiếm thông tin trên các bài báo khoa học mới nhất thì bản thân không chỉ "lạc hậu" mà chính bệnh nhân là người chịu thiệt thòi nhất.
Thực tế, nhiều phương pháp điều trị hiện đại trên thế giới được thầy thuốc Bệnh viện Da liễu Trung ương cập nhật, ứng dụng thành công trên hàng trăm bệnh nhân từ chính những bài báo khoa học quốc tế.
Ngoài tài liệu chuyên môn, Thạc sĩ Hoàng Văn Tâm cho rằng việc bác sĩ đọc thêm sách về tâm lý học nói chung và tâm lý y học nói riêng, cũng như tác phẩm văn học, nghệ thuật sẽ giúp ích rất nhiều trong công tác khám chữa bệnh. “Bác sĩ thấu hiểu tâm lý, xúc cảm cộng với chuyên môn khoa học vững vàng sẽ giúp bệnh nhân rất nhiều trong quá trình điều trị”.
Sách đến với con rất tự nhiên như một người bạn
Cảm hứng đọc sách không chỉ ảnh hưởng tới đồng nghiệp, sinh viên mà còn “ngấm dần” vào chính các thành viên trong gia đình Thạc sĩ Hoàng Văn Tâm.
Vợ anh là bạn cùng học bác sĩ nội trú khóa 37. Cặp vợ chồng bác sĩ da liễu này đã định hướng cho con làm quen với sách từ lúc còn rất nhỏ. Khi lớn hơn một chút, hai bé được bố mẹ chia sẻ về công việc bác sĩ để con cảm nhận được giá trị của những trang sách.
“Bình rượu mơ” của bác sĩ Tâm năm nay 7 tuổi, không ít lần được bố đưa đến hội nghị khoa học để trực tiếp xem bố và các đồng nghiệp báo cáo trước hàng trăm người. “Tôi muốn con hiểu rằng, có thể tự tin đứng thuyết trình trước hàng trăm người là kết quả của việc đọc, tra cứu tài liệu, chuẩn bị kiến thức kỹ lưỡng, nghiêm túc mỗi ngày”, anh chia sẻ.
Trong gia đình, nếu mẹ theo sát việc học hàng ngày của hai bé thì bố Tâm giúp con đọc sách ngoài chương trình và rèn luyện khả năng ngoại ngữ. Đọc sách cho nhau nghe cũng trở thành thói quen hàng ngày. Anh kể, có lần muốn thưởng cho con gái món đồ chơi con ưa thích, không ngờ bé lại xin bố được mua sách, truyện.
"Sách đến với con rất tự nhiên như một người bạn, thành sự ưu tiên lựa chọn của bé", anh nói.
Bác sĩ Hoàng Văn Tâm rất yêu thích 'cuốn sách khổng lồ' về khoa học có tên PubMed. Anh thường xuyên “ghé thăm”, tìm hiểu và chia sẻ với đồng nghiệp, sinh viên. PubMed được biết đến là nơi lưu trữ trực tuyến hàng triệu bài viết khoa học, trong đó có y sinh, do Thư viện Quốc gia về Y học của Hoa Kỳ phát triển. |