Chiều 12/12, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Chủ tịch Hội đồng thẩm định Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung chủ trì phiên họp trực tuyến lấy ý kiến thông qua Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. 

Dự thảo Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là bước cụ thể hóa quy hoạch tổng thể quốc gia, thể hiện những định hướng lớn về tổ chức không gian phát triển, mở đường tạo ra các động lực, tiềm năng phát triển mới của quốc gia, của vùng, thể hiện cụ thể trên phạm vi không gian của từng địa phương.

anh bien.jpg
Mục tiêu đến năm 2030 xây dựng vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung trở thành vùng phát triển năng động, nhanh và bền vững, mạnh về kinh tế biển.

Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung được lập trong bối cảnh Quy hoạch tổng thể quốc gia đã được phê duyệt, các quy hoạch ngành quốc gia và quy hoạch của 14 tỉnh, thành phố thuộc vùng đã được phê duyệt hoặc đang trong quá trình thẩm định, phê duyệt.

Mục tiêu quy hoạch đến năm 2030, xây dựng vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung trở thành vùng phát triển năng động, nhanh và bền vững, mạnh về kinh tế biển; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, có khả năng chống chịu cao với thiên tai, dịch bệnh và thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu; có một số trung tâm công nghiệp, dịch vụ, hợp tác quốc tế lớn của cả nước với các khu kinh tế ven biển và hệ thống đô thị ven biển đạt chuẩn quốc gia và khu vực; là cửa ngõ ra biển của vùng Tây Nguyên và nước Lào; là nơi các giá trị văn hóa, lịch sử và hệ sinh thái biển, đảo, rừng được bảo tồn và phát huy, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao.

Quy hoạch đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân của vùng đạt khoảng 7,5 - 8%. Trong đó, tốc độ tăng trưởng của tiểu vùng Bắc Trung Bộ khoảng 8,49%; tiểu vùng Trung Trung Bộ khoảng 7,73% và tiểu vùng Nam Trung Bộ khoảng 7,79%.

Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung được xây dựng trên quan điểm phát triển có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên cho các ngành kinh tế biển; tập trung vào một số địa bàn có điều kiện thuận lợi về vị trí địa lý, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, cũng như nguồn nhân lực chất lượng cao và các tiềm năng, lợi thế khác trong giai đoạn đến năm 2030; sau đó dần phát triển hài hòa bền vững, cân đối giữa các vùng, miền, địa phương.

“Quy hoạch đã xác định các ngành kinh tế có lợi thế, gắn với không gian phát triển của từng tiểu vùng và toàn vùng như lọc hóa dầu, cơ khí luyện kim, năng lượng tái tạo, du lịch, nông nghiệp, dịch vụ… trên cơ sở liên kết giữa các khu công nghiệp, khu kinh tế ven biển, các ngành kinh tế biển và hệ thống đô thị ven biển”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.

Một số chỉ tiêu kinh tế được nêu trong Quy hoạch là tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm 7,5 - 8%/năm; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 30%; kinh tế số đạt 30% tổng thu nhập sản phẩm trên địa bàn (GRDP). Hệ thống đô thị trong vùng được phát triển theo hướng đa trung tâm, gắn kết với hệ thống giao thông công cộng, khu kinh tế, khu công nghiệp…

Các khu dân cư nông thôn được tổ chức gắn với việc tái cấu trúc sản xuất nông nghiệp phù hợp với điều kiện tự nhiên, văn hóa từng tiểu vùng sinh thái, bảo đảm an toàn lâu dài, thích ứng biến đổi khí hậu. Các khu kinh tế, khu công nghiệp được phát triển theo hướng bền vững, thông minh, thân thiện với môi trường, có đầy đủ các chức năng dịch vụ hạ tầng xã hội, kỹ thuật hiện đại...

Hầu hết các ý kiến đều nhất trí và đánh giá cao với Dự thảo Quy hoạch về cách tiếp cận, phương pháp nghiên cứu, các đề xuất định hướng có nhiều điểm mới, đột phá. Sau khi thảo luận, phân tích, 100% thành viên Hội đồng thẩm định tham dự phiên họp đã nhất trí thông qua Quy hoạch nhưng phải chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện trên cơ sở ý kiến góp ý.

Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Tuy thách thức có nhiều, nhưng cơ hội cũng không ít để phát triển vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, đó là có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế biển, phát triển theo hướng xanh, tuần hoàn, sáng tạo, bền vững và bao trùm; các nhà đầu tư nước ngoài đang chuyển dịch chuỗi cung ứng tới Việt Nam; tiềm năng đón khách du lịch quốc nội và quốc tế ngày càng tăng…

Tiến Quang