Việc đầu tư dàn trải, với phân kỳ đầu tư dài và các yếu tố chủ quan khác đã trực tiếp và gián tiếp khiến chi phí đầu tư làm đường ở vành đai 1 nói riêng, địa bàn Thủ đô nói chung trở nên đắt đỏ. 

Tuyến đường vành đai 1 là tuyến đường phố chính đô thị, nằm trên trục hướng Đông - Tây thuộc khu vực trung tâm của TP. Hà Nội, với mật độ giao thông vô cùng đậm đặc, nhưng hệ thống hạ tầng lại lạc hậu, chắp vá và được phân kỳ đầu tư theo giai đoạn rất dài. Những năm qua, Hà Nội đã đầu tư mở rộng tuyến đường theo quy hoạch đoạn đê Nguyễn Khoái - Trần Khát Chân - Kim Liên - Hoàng Cầu. 

Vừa mới đây, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp TP. Hà Nội trình UBND TP thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục dài 2,2 km trên đường vành đai 1. Theo đó, tổng mức đầu tư theo chỉ giới đường đỏ đã được phê duyệt và phần mở rộng phía Bắc dự án (đoạn Hoàng Cầu - Láng Hạ) khoảng 7.779 tỷ đồng (chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB), tái định cư là hơn 6.400 tỷ đồng, chi phí xây lắp hơn 1.800 tỷ đồng) đã bao gồm phần bổ sung kinh phí dự kiến hỗ trợ trong trường hợp người dân không nhận nhà tái định cư; bổ sung đầu tư xây dựng phần mở rộng phía Bắc dự án, đoạn Hoàng Cầu - Láng Hạ. Điều này cũng có nghĩa là giá thành đoạn mới này sẽ khoảng 154 triệu USD/km đường. 

{keywords}
Các kỷ lục về "đường nhất hành tinh" lần lượt bị "xô đổ". Ảnh minh họa: Bizlive.vn

Nếu giả định phương án đang trình này được phê duyệt và không có chuyện đội giá hay trượt giá, v.v… thì ít nhất, giá thành mới cho 1 km đường  trên đoạn mới, kể cả chi phí GPMB, sẽ vẫn phá kỷ lục "đường đắt nhất hành tinh" của tuyến đường vành đai 1 đoạn Kim Liên - Ô Chợ Dừa (dài 1,1 km nhưng có tổng mức đầu tư lên tới 733 tỷ đồng) và đoạn đoạn Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu trước đó (1.767 tỉ cho 700m). 

Vẫn biết, tiền đề bù lớn hay nhỏ phụ thuộc số lượng, tính chất và diện tích nhà, đất cần GPMB phải đền bù nhân với mức tăng giá chi phí hỗ trợ, đền bù GPMB được Thành phố quy định mỗi năm theo khung chung của Chính phủ; cũng như phụ thuộc vào mức lạm phát quốc gia…  

Tuy nhiên, kể cả đã trừ đi mức độ lạm phát của Việt Nam trong khoảng 10 năm qua tối đa là 200% và mức giá đền bù nhà đất trên địa bàn Hà Nội tối đa cho khu vực dự án vành đai 1[1] thì  có thể thấy, việc đầu tư dàn trải, với phân kỳ đầu tư dài và các yếu tố chủ quan khác đã trực tiếp và gián tiếp khiến chi phí đầu tư làm đường ở vành đai 1 nói riêng, địa bàn Thủ đô nói chung trở nên đắt đỏ. 

Mặt khác, theo luật Thủ đô đang có hiệu lực, Hà Nội có cơ chế đặc thù về quy hoạch, GPMB và cơ chế tài chính cho những đoạn đường đô thị mở bằng tiền tài trợ từ Ngân sách Nhà nước. Cơ chế này cho phép dùng tiền thu được từ đấu giá quyền sử dụng đất hai bên đường mới mở trong lộ giới rộng 50 m kể từ hai bên đường, để hỗ trợ đầu tư làm đường và tăng thu hoàn vốn NSNN, kiểu “lấy mỡ nó rán nó”. Đáng tiếc là vì nhiều lý do, đến nay cơ chế này vẫn chỉ ở dạng… tiềm năng, chỉ kỳ vọng được dùng cho những dự án “mới tinh” sau này! 

Việc tiếp tục đầu tư xây dựng khép kín toàn tuyến đường vành đai 1 là cần thiết nhằm phát huy hiệu quả tuyến đường, góp phần đáp ứng nhu cầu và giải tỏa ùn tắc giao thông ở khu vực trung tâm TP. Tuy nhiên, những chi phí đắt đỏ và những bất cập trong quản lý quy hoạch và đầu tư các dự án giao thông nội đô nhiều năm qua đã, đang và sẽ là những bài học không rẻ, không thể chỉ hoàn toàn do “lỗi cơ chế”. 

Thực tế cho thấy chúng ta cần nghiên cứu vận dụng sớm hơn cơ chế tài chính đặc thù, cũng như xây dựng và thực thi các chế tài mạnh mẽ để nâng cao trách nhiệm, tăng tính minh bạch, công khai và quản lý nghiêm các quy hoạch sau phê duyệt. Bên cạnh đó là tăng cường thanh kiểm tra chất lượng các quy hoạch và bịt chặt các kẽ hở cho sự lạm dụng, trục lợi và tốn kém vì phải GPMB hai lần, góp phần cải thiện hiệu quả đầu tư cho những dự án đầu tư công, phát triển hạ tầng đô thị mới tới đây trên địa bàn Thủ đô. 

TS.Nguyễn Minh Phong

-----

[1] Năm 2005 là 30 triệu đ/m2 và hiện nay tối đa là khoảng 62 triệu đ/m2, cao gấp 2 lần.