Nhìn về hình thức, Lửa nhạt là một ấn bản gồm bài thơ dài 999 câu, tác phẩm cuối cùng trong cuộc đời của thi sĩ John Shade kèm theo lời tựa và phần bình chú, chỉ mục của nhà phê bình Charles Kinbote, một người bạn của tác giả. Mục đích để làm rõ nội hàm nằm sau bài thơ vừa có vẻ ngẫu hứng vừa được thiết kế chặt chẽ với đa tầng nghĩa.

Tất nhiên, với Vladimir Nabokov thì không chỉ đơn giản là vậy. Bài thơ, lời tựa, bình chú… của ấn bản đó kỳ thực là những hợp phần tạo nên chỉnh thể của một tác phẩm duy nhất được hình thành từ bộ óc với trí tưởng tượng và vốn kiến thức đồ sộ. Cả John Shade lẫn Charles Kinbote chỉ là hai trong số rất nhiều nhân vật xuất hiện ở thế giới có một không hai được Nabokov tạo dựng lên trong Lửa nhạt.

Thật vô cùng khó để gán cho Lửa nhạt một thể loại văn học cụ thể nào đó. Tác phẩm này dường như đã tự tạo ra một thể loại cho riêng mình, dù chưa được đặt tên chính thức.

Về khối lượng văn bản theo số lượng câu từ, Lửa nhạt chắc chắn không phải là tác phẩm dài hơi nhất trong văn nghiệp độc đáo của Nabokov. Thế nhưng, nội dung ẩn chứa trong nó là cả thế giới mênh mông, một kính vạn hoa khổng lồ, một mê cung bất tận.

Cuốn sách này thách thức bất cứ ai muốn tóm lược cốt truyện, thông điệp, ý nghĩa của nó. Với Nabokov, viết là một trò chơi mà tác giả luôn dấn thân một cách say mê. Mỗi tác phẩm là một cuộc chơi mới mà Nabokov muốn vượt qua chính mình, dùng câu từ tạo nên những tầng ý nghĩa đan xen, liên kết với nhau theo vô số mối kết nối tưởng như ngẫu hứng song hoàn toàn nằm trong chủ định của người viết. 

Nói như vậy để thấy hiểu được tác phẩm của Nabokov không dễ. Song nghiền ngẫm các sáng tác của ông là thú vui đặc sắc cho những ai thích đắm mình vào dòng ngôn từ và cảm xúc muôn hình vạn trạng được tạo ra khi câu chữ của Nabokov tác động lên bộ óc của độc giả. 

Với Lửa nhạt cũng vậy. Đừng băn khoăn, đặt nhiệm vụ cho mình phải hiểu hết những gì được viết ra. Trước hết, bạn hãy thả lỏng và nhẩn nha đọc qua tác phẩm thật kỹ lưỡng, đối chiếu giữa các câu thơ với những lời bình chú và chỉ mục tương ứng để cảm nhận hết nội dung bề ngoài của tác phẩm.

Sự đối lập giữa tâm sự trong những câu thơ của John Shade với lời bình chú nhanh chóng biến thành một tràng tự sự tùy hứng với đủ cung bậc mỉa mai, cay nghiệt của Charles Kinbote. Từ xuất phát điểm cơ bản này, tùy thuộc vào hiểu biết bạn có về thời kỳ lịch sử được đề cập tới trong tác phẩm, mỗi độc giả có thể đi xa hơn để cảm nhận không gian của Lửa nhạt.

Trái với những tác phẩm fantasy xây dựng trên một thế giới hư cấu trọn vẹn, Nabokov để Lửa nhạt diễn ra trong không gian nửa thực nửa hư, nơi thế giới hiện tại hòa làm một với xứ Zembla hư cấu. Một xứ Zembla vừa lạ lùng, vừa mang dư âm của những biến cố trong quá khứ nước Nga, quê hương Nabokov.

Do vậy khi đọc Lửa nhạt, cách tiếp cận hợp lý nhất là tâm niệm có những khi tác phẩm văn học tồn tại chỉ vì chính nó, vì tác giả muốn tạo ra một công trình bằng ngôn từ, không nhất thiết phải chuyển tải thông điệp gì. Và có những khi tác phẩm văn học là cuộc chơi đùa vui vẻ của câu chữ và ngữ nghĩa. 

Không quá quan trọng chúng ta đi xa được đến đâu trong trò chơi, miễn là nó đem lại niềm vui và hào hứng để ta bước tiếp. Với tâm thế đó, độc giả hãy sẵn sàng đón nhận những điều thú vị khi mở ra những trang sách đầu tiên...

Lê Đình Chi

Erich Fromm: Khám phá vũ trụ nội tại trong ta‘Xã hội tỉnh táo’, ‘Trốn thoát tự do’ và ‘Nghệ thuật yêu’ là ba trong số rất nhiều cuốn sách của Eric Fromm đưa ra những góc nhìn vào chỉnh thể phức tạp của thế giới tâm lý con người.