Sự cầu thả ngay trên sân khấu thì không gì có thể biện minh được

Khánh Thy - ca sĩ gây xôn xao khi quên lời trên sóng trực tiếp ngày 2/9 vừa qua.  

Hiện tượng ca sĩ hát sai lời bài hát xảy ra càng lúc càng nhiều. Có thể một bộ phận khán giả coi đó là chuyện nhỏ, vì họ không biết chính xác lời của bài hát, chỉ cần giai điệu hợp với gu của họ thế là hay. Tuy nhiên với một số người quan tâm, nhất là các nhạc sĩ, nhiều người sẽ buồn lòng vì ‘đứa con tinh thần’ của mình bị méo mó, biến dạng.

Vậy, cơ chế nào để có thể giải quyết “căn bệnh” trầm kha này khi mà nhiều ca sĩ than phiền họ gặp khó khăn trong vấn đề tiếp cận bản nhạc gốc của tác giả. Thời đại 4.0 liệu việc tiếp cận với bản gốc có quá khó khăn?

Nhạc sĩ Trần Lệ Chiến – Phó TBT tạp chí Âm nhạc Việt Nam chia sẻ quan điểm từ góc độ người làm nghề, việc tìm văn bản tác phẩm gốc trong nhiều trường hợp không dễ nhưng cũng không quá khó để tìm bản chuẩn nếu như mình biết trân trọng sức lao động của người khác và coi đó là việc làm cần thiết. 

Ca sĩ Phạm Thu Hà mỗi lần hát một tác phẩm nào đó đều tìm hiểu rất kỹ lưỡng. Điều đó thể hiện sự nghiêm túc của cô với nghề.

“Tôi nghĩ thời nào cũng thế, nghề nào cũng cần được tôn trọng và người làm nghề lại càng cần sự nghiêm khắc, cẩn trọng và tôn trọng chính bản thân mình trước khi xuất hiện trước công chúng. Đã là người của công chúng thì mọi cử chỉ, hành động, lời nói, việc làm cần phải mang những chuẩn mực nhất định. Với việc hát sai lời có thể do vô tình đã là khó chấp nhận ở một vài trường hợp, nữa là ai đó hát sửa lời mà khán giả có thể thấy rõ sự cầu thả cùng những biểu hiện của họ ngay trên sân khấu thì không gì có thể biện minh được”, nhạc sĩ Trần Lệ Chiến chia sẻ.  

“Hiện có rất nhiều đơn vị lưu trữ các tác phẩm bằng nhiều hình thức băng, đĩa, văn bản in, tư liệu như: Viện Âm nhạc, Thư viện Quốc gia, thư viện các tỉnh thành phố, các nhà xuất bản, các đơn vị sản xuất băng đĩa, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài truyền hình, Cục bản quyền, Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, Cục Nghệ thuật biểu diễn... tại các thư viện gia đình của tác giả và gia đình thân nhân của tác giả (nếu tác giả đã qua đời). Chỉ là họ - ca sĩ ấy có thật sự muốn tìm đến văn bản gốc tác phẩm hay không mà thôi”, bà Chiến khẳng định.

Tôn trọng quyền tác giả là thể hiện đẳng cấp của người nghệ sĩ

Là nhạc sĩ sáng tác, bà Chiến đặt câu hỏi: “Ca sĩ muốn thành danh nếu không có tác phẩm thì sao nhỉ? Vậy hãy biết trân trọng người sáng tạo ra tác phẩm. Tôn trọng quyền tác giả, quyền liên quan cũng là thể hiện đẳng cấp của người nghệ sĩ”. 

Nhạc sĩ Trần Lệ Chiến viện dẫn một ví dụ cụ thể. “Cách đây khoảng gần 30 năm, vào những năm 1996, khi Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) còn chưa ra đời, mỗi lần ca sĩ Ánh Tuyết nhận được show diễn ở các tỉnh từ miền Trung đổ vào Sài Gòn mà BTC mời chị hát các tác phẩm của nhạc sĩ Văn Cao, Đoàn Chuẩn, Từ Linh, Hoàng Giác.... là chị lại gọi điện nhờ tôi tới thăm nhà các tác giả và thân nhân của họ. Việc đầu tiên là thông báo về đêm diễn mà chị sẽ tham dự và thứ 2 là chị nhờ tôi chuyển một phần thù lao nhận được từ đêm diễn như món quà tri ân nhạc sĩ lúc nhạc sĩ Đoàn Chuẩn và Hoàng Giác còn sống hoặc tới thắp nhang cho nhạc sĩ Văn Cao và mang vé mời phu nhân nhạc sĩ tới dự đêm nhạc nếu ở Hà Nội”, bà Chiến kể.

Nhạc sĩ Trần Lệ Chiến cho rằng đó là sự cẩn trọng với nghề của ca sĩ Ánh Tuyết. Vậy mà giờ đây khi đã có VCPMC nhưng một bộ phận nghệ sĩ vẫn chưa ý thức trách nhiệm về vấn đề sở hữu trí tuệ. 

“Họ ngang nhiên sử dụng tác phẩm không xin phép cũng không có trách nhiệm về việc chi trả thù lao nhuận bút, thậm chí tìm cách né tránh hoặc đổ lỗi cho đơn vị tổ chức. Giờ lại có ý kiến muốn ai đó hoặc tổ chức nào đó số hoá để họ tiện lấy trên mạng về dùng. Cũng được thôi! Các bạn hãy trả tiền cho những bản nhạc có bản quyền chứ lại chỉ muốn lấy những đường link miễn phí thì việc tam sao thất bản là điều dễ hiểu.

Tôi chỉ thấy ngày xưa các nghệ sĩ học hát một tác phẩm mới, họ nghiên cứu rất kỹ ngôn ngữ để hiểu ẩn ý điều tác giả muốn nói. Họ ngắt câu, nhả chữ và ngân, luyến sao cho đúng văn phong, ngữ pháp của câu văn, đoạn văn chứ không tùy tiện ngắt câu như một số ca sĩ trẻ hiện nay. Hát chưa chuẩn cao độ, sai tiết tấu, sai lời ca, không tròn vành rõ chữ, lại còn ngắt câu sai làm cho ngôn ngữ trở nên vô nghĩa nghe thật tệ. Đôi khi họ dùng công nghệ, dùng kỹ xảo âm thanh ánh sáng và cả phối khí để khoả lấp cho những thiếu hụt ấy nhằm đánh lừa khán giả. Đó không phải là nghệ thuật và người hát không thể là nghệ sĩ đích thực”, nhạc sĩ Trần Lệ Chiến nêu quan điểm.

Ca sĩ Tăng Ngân Hà và nhạc sĩ Lưu Quang Minh.

Ca sĩ Tăng Ngân Hà – người mới đây đã cùng chồng – nhạc sĩ Lưu Quang Minh ra mắt VAB – nền tảng giúp các nghệ sĩ, các nhà sáng tạo dễ dàng kết nối, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và rút ngắn khoảng cách với công chúng chia sẻ, hát sai lời nhạc so với bản gốc thường xảy ra, nhất là các ca khúc có tuổi đời khoảng chục năm lại càng dễ có dị bản. Có nhiều nguyên nhân như: không biết nơi tra cứu, hoặc tác giả đã mất. Chính vì thế khó để liên hệ với tác giả lấy nội dung bản gốc, nhiều người tìm kiếm trên mạng, thế nên tình trạng dị bản không chỉ trong âm nhạc mà văn thơ cũng rất nhiều.

Là người làm trong nghề ở những vai trò người hát và người sáng tác nên vợ chồng Tăng Ngân Hà hiểu hơn ai hết việc bản quyền tác giả, việc cần phải hát chính xác ca từ mà nhạc sĩ sáng tác. Tăng Ngân Hà cho biết, cô ra mắt VAB là dành cho nghệ sĩ – nơi họ có thể phổ biến “đứa con tinh thần” của mình dưới nhiều hình thức khác nhau từ bản text, bản audio, các tác giả có thông tin cá nhân riêng của mình để họ có thêm một kênh tương tác trực tiếp tới nhu cầu của khách hàng – là người sử dụng sản phẩm nghệ thuật nói chung.

Theo ca sĩ Tăng Ngân Hà, để tránh được việc hát sai lời, trách nhiệm của người ca sĩ, hay người sử dụng sản phẩm sáng tạo nói chung nên tìm tới và mua quyền sử dụng, mua tác quyền, độc quyền, bản quyền,… với tác giả - người đã sáng tạo ra nó. Đó là nghĩa vụ đối với việc tôn trọng bản quyền và tôn trọng chất xám của tác giả.