Những cơ quan, tổ chức bị mất quyền, mất lợi luôn chống lại những cải cách. Còn những cơ quan, tổ chức không muốn bị mất quyền, mất lợi cũng không muốn cải cách, thay đổi; càng không muốn tạo áp lực buộc các cơ quan, cá nhân bị mất quyền lợi phải thay đổi.

9 luật, 37 vướng mắc

Trong Tờ trình gửi Thủ tướng, Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ đã chỉ ra nhiều khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong thực hiện dự án đầu tư. Theo đó, kết quả rà soát của Tổ tư vấn cho thấy, các quy định hiện hành trong 9 luật và các văn bản dưới luật đang gây ra 37 vướng mắc phổ biến đối với doanh nghiệp trong quá trình chuẩn bị và triển khai các dự án đầu tư.

Trong đó, có 6 vướng mắc do chồng chéo giữa các quy định; 16 vướng mắc do những mâu thuẫn hoặc không tương thích giữa các quy định; 8 vướng mắc do quy định không rõ ràng, thiếu cụ thể; 7 vướng mắc do quy định bất hợp lý.

Tổ tư vấn kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành rà soát các quy định nói trên và xem xét, đề xuất chỉnh sửa.

{keywords}
Cải thiện môi trường đầu tư là nỗ lực của Chính phủ.

Báo cáo chi tiết về 37 vướng mắc này do TS Nguyễn Đình Cung, thành viên tổ tư vấn và Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) thực hiện, gửi lên Thủ tướng Chính phủ.

9 luật được rà soát là Luật đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai, Luật Đấu thầu, Luật Dân sự, Luật quản lý sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại DN.

Báo cáo do CIEM thực hiện đánh giá: Khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các thủ tục đầu tư, xây dựng, đất đai,... gây nhiều phiền hà, tốn kém về thời gian và tiền bạc, làm mất cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp. Đó là một điểm trừ đáng kể của môi trường kinh doanh nước ta.

Tuy vậy, khác với cải cách, bãi bỏ các điều kiện kinh doanh hay kiểm tra chuyên ngành, cho đến nay cơ bản những điều bất hợp lý, không còn phù hợp trong lĩnh vực này chưa được bãi bỏ, chưa được đơn giản hóa,...

Một trong những nguyên nhân, theo CIEM, là do mỗi một cải cách, thay đổi đều làm một hay một số cơ quan có liên quan bị mất hoặc giảm thẩm quyền, tác động bất lợi đến quyền và lợi ích của cơ quan đó.

“Thực tế cho thấy, những cơ quan, tổ chức bị mất quyền, mất lợi luôn chống lại những cải cách. Còn những cơ quan, tổ chức không muốn bị mất quyền, mất lợi cũng không muốn cải cách, thay đổi; càng không muốn tạo áp lực buộc các cơ quan, cá nhân bị mất quyền lợi phải thay đổi”, CIEM nhấn mạnh.

Bộ ôm đồm dẫn đến ách tắc

Trong số 37 vướng mắc, CIEM phản ánh Bộ Xây dựng ôm đồm dẫn đến ách tắc, chậm trễ quá mức trong thẩm định thiết kế cơ sở dự án đầu tư.

Cụ thể, Điều 57 Luật Xây dựng 2014 quy định cơ quan chuyên môn về xây dựng theo phân cấp chủ trì thẩm định thiết kế cơ sở. Tiếp đó, Điều 10 Nghị định số 59 quy định đối với dự án đầu tư từ vốn nhà nước ngoài ngân sách, cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc Bộ Xây dựng hoặc Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành chủ trì thẩm định thiết kế cơ sở với dự án nhóm A, còn dự án từ nhóm B trở xuống do Bộ, cơ quan ngang bộ, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước quyết định đầu tư chủ trì thẩm định thiết kế cơ sở.

{keywords}
Doanh nghiệp cần được tạo điều kiện kinh doanh tốt nhất. 

Tuy vậy, trên thực tế các bộ, cơ quan ngang bộ, các tập đoàn, tổng công ty không có cơ quan chuyên môn về xây dựng. Do đó, theo phản ánh của các DN và của các đơn vị khác, việc này đều phải trình Bộ Xây dựng thẩm định thiết kế cơ sở.

“Điều đó dẫn đến dồn ứ hồ sơ, ách tắc thẩm định tại Cục quản lý hoạt động xây dựng - Bộ Xây dựng, gây tốn kém và kéo dài quá mức thời gian thực hiện chủ trương đầu tư xây dựng; làm chậm trễ, thậm chí mất cơ hội đầu tư kinh doanh của DN. Ngoài ra, bất kỳ nội dung điều chỉnh thiết kế nào trong quá trình triển khai dự án đều phải trình Bộ Xây dựng thẩm định lại, tiếp tục gây thêm khó khăn, lãng phí thời gian và tiền bạc đối với DN”, CIEM đánh giá.

Mâu thuẫn giữa thông tư và Nghị định, Nghị định với luật

Tại báo cáo về 37 vướng mắc, CIEM cũng chỉ ra mâu thuẫn giữa Nghị định 42 năm 2017 với Luật số 33 về phân cấp thẩm định dự án đầu tư đến mức không thể thực hiện được.

Nghị định 42 quy định Bộ quản lý xây dựng chuyên ngành quyết định việc phân cấp, ủy quyền cho Tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước tổ chức thẩm định dự án đầu tư xây dựng với dự án nhóm B, nhóm C,... thuộc chuyên ngành do Bộ quản lý chuyên ngành quản lý.

Theo CIEM, trong Chính phủ không có bộ có chức năng được gọi là bộ quản lý xây dựng chuyên ngành, khái niệm quen thuộc là bộ chuyên ngành. Vậy Bộ quản lý xây dựng chuyên ngành và bộ chuyên ngành khác nhau ở điểm nào? Trong các bộ chuyên ngành, thì bộ nào được gọi là bộ quản lý xây dựng chuyên ngành? Trong khi đó, Luật tổ chức chính phủ quy định bộ trưởng chỉ được phân cấp, ủy quyền cho các đơn vị trực thuộc.

“Như vậy, quy định nói trên không thể thực hiện được trên thực tế, vì Bộ Xây dựng không thể ủy quyền cho các tập đoàn, tổng công ty không trực thuộc Bộ Xây dựng”, CIEM đánh giá.

Ngoài ra, CIEM cũng chỉ ra mâu thuẫn giữa thông tư và nghị định về tính thuế, phí,... trong giá dự thầu đến mức nếu thực hiện theo thông tư thì trái với Nghị định. Đáng lưu ý là bất cập này khiến nhiều người không hiểu cơ quan quản lý nhà nước sẽ ưu tiên lựa chọn văn bản nào để áp dụng.

Lương Bằng