Tại phiên thảo luận ngày 6/1, đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng (Cần Thơ) cho biết, quy hoạch tổng thể quốc gia đặt ra mục tiêu năm 2030 sẽ đạt mức thu nhập trung bình cao, khoảng 7.500 USD/người.

Theo quy định của Liên Hợp Quốc, thu nhập trung bình đầu người trong khoảng 1.025 - 12.475 USD/người là trong nhóm trung bình. Việt Nam hiện ở nhóm thấp trong mức cao (12.475 USD). Số nước thoát khỏi thu nhập trung bình rất ít.

ĐB Nguyễn Mạnh Hùng

Đến năm 2050 đặt mục tiêu là 27.000 - 32.000 USD/người, tức trong 20 năm tới, thu nhập bình quân đầu người tăng từ 7.500 lên mức 32.000 USD. Ông Hùng bày tỏ băn khoăn về tính khả thi của mục tiêu này.

Theo ông Hùng, vượt qua bẫy trung bình đã khó, vươn lên mức cao như vậy là thách thức.

Ông cho hay, khi đặt ra mục tiêu khả thi mới tính toán được bước đi, giải pháp tiếp theo. Nếu mục tiêu không khả thi, bước đi sẽ khó khăn.

Bày tỏ sự băn khoăn về mục tiêu này, đại biểu đoàn TP Cần Thơ cho rằng, thu nhập bình quân đầu người tới 2050 tối đa 32.000 USD là mục tiêu khó khăn. 

Cho ý kiến cùng vấn đề, đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) cho rằng, cần đánh giá tính khả thi của các kịch bản và cần có các giả định về bối cảnh môi trường sẽ tác động như thế nào.

Trong thời kỳ dài, có nhiều yếu tố khó lường như chiến tranh, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, công nghệ và mô hình kinh doanh mới..., sẽ là những yếu tố đầu vào then chốt tác động đến các biến số của các kịch bản nêu ra (tác động đến lạm phát, tỷ giá, chỉ số giảm phát,…).

Đại biểu Hà Sỹ Đồng

Đại biểu tỉnh Quảng Trị phân tích, kịch bản 2 khó khả thi hơn (tăng 7%/năm cho cả giai đoạn). Đây là kịch bản trong Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2021-2030 cũ, được đưa ra đầu năm 2021 và chưa tính đến được tác động của Covid-19. Nếu muốn phấn đấu đạt được kịch bản này thì tăng trưởng giai đoạn 2025-2030 phải đạt mức 7,6-7,8%.

Ông Đồng cho rằng, cần chỉ ra mối liên hệ giữa quy hoạch tổng thể quốc gia và việc thực hiện kịch bản này thế nào, sẽ đóng vai trò cụ thể gì để tạo được những đột phá, hay góp phần tạo động lực hay tạo những trụ cột chính nào cho tăng trưởng.

Theo báo cáo Chính phủ, để đạt mục tiêu tăng trưởng 7% giai đoạn 2021-2030, Quy hoạch Tổng thể quốc gia dự kiến cần 48,3 triệu tỷ đồng, gấp hơn 3 lần so với giai đoạn 2011-2020 (khoảng 15 triệu tỷ đồng).

Trong phần trình bày tờ trình trước Quốc hội, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, 2 kịch bản tăng trưởng, phát triển được Chính phủ đưa ra tại báo cáo Quy hoạch tổng thể quốc gia. Kịch bản thấp, mục tiêu GDP bình quân đạt 7% giai đoạn 2021-2030 và GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành khoảng 7.500 USD.

Kịch bản cao, tốc độ tăng trưởng GDP đạt khoảng 6,5 - 7,5% một năm vào giai đoạn sau 2030, đến 2050. Cùng đó, thu nhập bình quân đầu người đến 2050 đạt 27.000 - 32.000 USD.

Năm 2022, GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành khoảng 95,6 triệu đồng, tương đương hơn 4.100 USD, tăng gần 400 USD so với 2021. Như vậy, mức thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam tới 2030 sẽ gấp gần 2 lần và tới năm 2050 gấp 8 lần so với thu nhập hiện nay.

Thẩm tra, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Kinh tế nhận xét kịch bản thấp là thận trọng, trong khi đòi hỏi nỗ lực phấn đấu rất cao nếu thực hiện theo kịch bản cao.

Để tránh xây dựng kịch bản tốc độ tăng trưởng cao vượt quá khả năng đáp ứng nguồn lực đầu tư, ông Thanh cho rằng, Chính phủ cần cân nhắc nghiên cứu, bổ sung kịch bản trung bình. Cơ quan thẩm tra của Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ làm rõ hơn kế hoạch thực hiện cụ thể với hai kịch bản tăng trưởng, cũng như nguồn lực để đảm bảo tính khả thi khi thực hiện.