Thoái toàn bộ vốn

CTCP Quản lý Quỹ Đầu tư FPT (FPT Capital) vừa cho biết đã bán toàn bộ 783.322 cổ phiếu TPB, tương đương 0,049% vốn điều lệ của Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) của ông Đỗ Minh Phú. Giao dịch được thực hiện bằng phương thức khớp lệnh trong khoảng thời gian từ 30/1 đến 28/2. 

Sau giao dịch, FPT Capital không còn nắm giữ cổ phần tại TPBank.

Tại TPBank có 2 người có liên quan tới tổ chức thực hiện giao dịch FPT Capital là ông Shuzo Shikata, thành viên HĐQT FPT Capital và bà Nguyễn Thị Thu Nguyệt - Tổng Giám đốc FPT Capital.

Ông Shuzo Shikata hiện là Phó Chủ tịch HĐQT TPBank. Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Thu Nguyệt là thành viên Ban kiểm soát TPBank.

Trên thực tế, FPT Capital mới mua vào cổ phiếu TPBank trong năm 2022. Cụ thể, FPT Capital đã mua 1 triệu cổ phiếu TPB và bán ra 216.678 cổ phiếu của ngân hàng này. Chốt năm 2022, FPT Capital còn nắm giữ 783.322 triệu cổ phiếu TPB.

Đây cũng chính là toàn bộ số cổ phiếu TPB mà FPT Capital đã bán ra trong khoảng thời gian từ 30/1 đến 28/2.

Sau giao dịch, FPT Capital không còn nắm giữ cổ phần tại TPBank.

Mặc dù là người có liên quan tới FPT Capital và tổ chức này mới xuất hiện ở TPBank từ năm 2022 nhưng ông Shuzo Shikata đã là Phó Chủ tịch HĐQT TPBank từ tháng 4/2018. Bà Nguyễn Thị Thu Nguyệt cũng là thành viên Ban kiểm soát TPBank từ tháng 4/2018. Cả ông Shuzo Shikata và bà Thu Nguyệt đều không nắm giữ cổ phần nào của TPBank.

Như vậy, có thể thấy, ông Shuzo Shikata và bà Nguyễn Thị Thu Nguyệt là người của FPT Capital không phải do quỹ này mua vào cổ phiếu TPB trong năm 2022.

Nhiều năm qua, TPBank có quan hệ với không ít tổ chức có liên quan tới cái tên FPT. 

Điển hình như trong năm 2022, TPBank đã thông qua nghị quyết tái cấp giữ nguyên hạn mức tín dụng và hạn mức cam kết tài chính cho một số công ty: Công ty TNHH Phần mềm FPT, Công ty TNHH Hệ thống Thông tin FPT (FIS).

TPBank cũng thông qua cấp mới cam kết thu xếp tài chính loại 1 cho CTCP Đô thị FPT Đà Nẵng; thông qua tái cấp và sửa đổi điều kiện hạn mức tín dụng cho CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT; thông qua việc cấp bảo lãnh nghĩa vụ ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án cho Công ty TNHH Phần mềm FPT - Fsoft...

Cơ cấu cổ đông TPBank: “Nhà DOJI” áp đảo

TPBank được biết đến là ngân hàng nổi lên sau khi ông Đỗ Minh Phú vào ngân hàng này (tên cũ là TienPhongBank). 

Ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch TPBank. (Ảnh: HNM)

Cách đây một thập kỷ, TienPhongBank vốn là ngân hàng gặp khó khăn, nằm trong danh sách những nhà băng yếu kém buộc phải tái cơ cấu. Đại gia đình doanh nhân Đỗ Minh Phú thành công từ kinh doanh vàng và hàng tiêu dùng phục vụ phụ nữ và trẻ em (Diana). Sau khi bán Diana, ông Phú và em trai Đỗ Anh Tú được cho là dồn sức vào lĩnh vực ngân hàng, mua 20% cổ phần TPBank.

Tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2012, ông Phú đã được bầu làm Chủ tịch HĐQT TPBank. Từ đây, ông bắt tay vào thay đổi lại bộ máy, ban điều hành và bắt tay tái cơ cấu lại toàn bộ ngân hàng này.

Giữa năm 2018, ông Phú phải rời ghế chủ tịch một loạt doanh nghiệp, trong đó có vị trí Chủ tịch CTCP Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI, để giữ vị trí cao nhất tại TPBank theo quy định của Luật Tổ chức tín dụng.

Hiện tại, không có cá nhân nào trong đại gia đình ông Đỗ Minh Phú là cổ đông lớn của TPBank.

Tới cuối năm 2022, cổ đông lớn duy nhất tại TPBank là CTCP Vàng bạc đá quý DOJI (5,93%). Đây là doanh nghiệp của nhà ông Đỗ Minh Phú. Cá nhân ông Phú không nắm giữ cổ phần nào của TPBank.

Trong khi đó, con trai của ông Phú là Đỗ Minh Đức nắm giữ 1,11% cổ phần TPBank (tương đương gần 17,6 triệu cổ phần). Con gái Đỗ Vũ Phương Anh cũng nắm giữ 1,11%. Con rể nắm giữ 29.000 cổ phần.

Em trai ông Phú là Đỗ Anh Tú nắm giữ 3,71% cổ phần TPBank (hơn 58,64 triệu cổ phần). Con gái ông Tú - Đỗ Quỳnh Anh nắm 3,07%; con trai Đỗ Minh Quân nắm 3,34%. Vợ ông Tú là Trung Thị Lâm Ngọc nắm hơn 1,4 triệu cổ phần TPBank.

Như vậy, tổng cộng gia đình ông Phú và em trai nắm giữ khoảng hơn 18% cổ phần Ngân hàng TPBank.

Một cổ đông kín tiếng khác tại TPBank và là một nhân vật cũng rất quan trọng tại ngân hàng này là ông Lê Quang Tiến. Ông Tiến là Phó Chủ tịch HĐQT và là người được ủy quyền công bố thông tin.

Ông Lê Quang Tiến có tổ chức liên quan là Công ty TNHH Đầu tư FPT (nơi ông làm Chủ tịch kiêm TGĐ). Tới cuối năm 2022, Công ty TNHH Đầu tư FPT không có cổ phần tại TPBank.

Bên cạnh đó, cổ đông tổ chức SBI VEN Holdings PTE. Ltd. (Singapore) nắm giữ 4,51% cổ phần TPBank. Đây chính là tổ chức có liên quan tới thành viên HĐQT Shuzo Shikata. FPT Capital cũng là tổ chức liên quan tới Shuzo Shikata.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Thu Nguyệt (thành viên BKS) có mặt tại 4 tổ chức liên quan có cổ phần tại TPBank, gồm: Công ty TNHH VG (nơi bà Nguyệt là Chủ tịch, VG nắm 3,84% cổ phần TPBank); Công ty TNHH JB (bà Nguyệt làm Chủ tịch và tổ chức này nắm 4,08% cổ phần TPBank); Công ty TNHH FD (bà Nguyệt là Chủ tịch, tổ chức này nắm 3,49% cổ phần TPBank); VinaCapital (bà Nguyệt là Tổng giám đốc và tổ chức này nắm 0,05% cổ phần TPBank - tính tới cuối 2022).

Trong năm 2022, TPBank báo lãi trước thuế 2022 hơn 7.800 tỷ đồng, tăng 30% so với năm trước, nhờ tăng thu từ dịch vụ và thu từ các khoản nợ đã được xóa, bù đắp bằng nguồn rủi ro.