- Hôm nay, trước Hội nghị Thượng đỉnh Biến đổi khí hậu COP21 một ngày, các cuộc thương lượng vẫn diễn ra căng thẳng để đạt được được một văn bản thỏa thuận mới mang tính sống còn.

{keywords}
Tổng thống Pháp Francois Hollande phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: VOV

Bản dự thảo thỏa thuận các bên thông qua mới nhất, được Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius- Chủ tịch COP 21 công bố lúc 15h hôm qua 9/12, theo phản ảnh của phóng viên VOV tại Paris.

So với bản dự thảo đưa ra ngày cuối tuần trước, bản ngày hôm qua đã được rút ngắn từ 48 trang xuống còn 29 trang. Và về nội dung, bản mới đã được nhiều vấn đề quan trọng, dù rằng chưa chốt được các chỉ tiêu chủ chốt.

Trong bài viết trên VietNamNet gần đây đã đề cập đến bản dự thảo với 48 trang và những trên 900 “khung hình vuông” để biểu thị các nội dung bất đồng. Nhưng giờ đây, trong bản dự thảo công bố hôm qua bởi ông Laurent Fabius các điều khoản còn bất đồng đã được cắt giảm đến 3/4. Tuy vậy, vẫn có đến 366 mục liên quan đến 47 điều khoản còn gây tranh cãi và cần phải được tiếp tục thương lượng.

Trong đó, 3 chủ đề quan trọng nhất mà 196 bên vẫn chưa tìm được tiếng nói chung và vẫn đang đàm phán căng thẳng: cách tính sự khác biệt giữa các nước phát triển và đang phát triển (còn gọi là các nước Bắc/Nam); vấn đề huy động tài chính; mức độ tham vọng của thỏa thuận cuối cùng.

Đối với vướng mắc đầu tiên, là sự khác biệt Bắc/Nam về trách nhiệm. Có một thực tế là các nước nghèo, kém phát triển (phương Nam) lại là những nước chịu thiệt hại nặng nhất của tình trạng biến đổi khí hậu trong khi các nước giàu có phương Bắc là thủ phạm chính gây hiệu ứng nhà kính nhưng lại chịu ít thiệt hại hơn.

Vì lí do đó, rất nhiều nước phương Nam đã yêu cầu các nước lớn phải gánh phần trách nhiệm lớn hơn trong các ràng buộc mà thỏa thuận mới đưa ra. Nhưng lớn hơn đến mức độ nào thì đó lại là điều mà các bên chưa thể thống nhất và lượng hóa cụ thể được bằng con số.

{keywords}
Mô hình tháp Eiffel mini đặt ở địa điểm Hội nghị COP21, Bourget, phía Nam Paris. Ảnh: BBC.

Vướng mắc thứ hai là huy động tài chính. Vấn đề này được dự báo từ trước khi khai mạc COP21 sẽ có thể là một trong số nguyên nhân dẫn đến thất bại của hội nghị này, nay đang có những bước tiến, dù còn khó khăn.

Có mặt tại Paris trong tuần thứ hai của COP21, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết nước này sẽ tăng gấp đôi đóng góp cho các chương trình trợ giúp các nước nghèo chống lại tác động của biến đổi khí hậu, với số tiền 860 triệu USD. “Chúng tôi sẽ không để các nước dễ tổn thương nhất phải đương đầu một mình với cơn bão” – ông Kerry tuyên bố.

Tuy nhiên, con số 860 triệu USD này vẫn là rất nhỏ so với mục tiêu của các nước là phải huy động được 100 tỷ USD đến năm 2020 nhằm trợ giúp các nước bị ảnh hưởng nặng nhất của biến đổi khí hậu.

Cuối cùng, chủ đề lớn gây tranh cãi nhất trong dự thảo thỏa thuận là mức độ tham vọng mà các bên đưa ra, cụ thể là ở mức tăng nhiệt độ trái đất vào thời điểm cuối thế kỷ 21 so với thời điểm tiền công nghiệp (1880).

Có 3 phương án được đưa ra cho thỏa thuận cuối: thứ nhất - giữ mức nhiệt độ trái đất tăng thêm là 2 độ C; thứ hai - dưới 2 độ C và cố gắng phấn đấu đạt mức 1,5 độ C và thứ ba - dưới 1,5 độ C. 195 nước tham gia COP 21 đã tranh cãi và chia rẽ sâu sắc trong vấn đề này.

Các nước chịu ảnh hưởng nặng nhất cho rằng mức 2 độ C là quá cao và muốn thỏa thuận mới phải đặt ra tham vọng giảm mức độ tăng nhiệt xuống 1 độ C hoặc dưới 1,5 độ C. Trong khi đó, các nước công nghiệp phát triển, thải nhiều khí CO2 ra bầu khí quyển, như Australia, Canada… lại muốn duy trì ngưỡng 1,5 độ C.

Các đại biểu từ 196 quốc gia tham gia Hội nghị Thượng đỉnh COP21 ở Paris đang cố gắng mọi cách để có thể đi đến sự thống nhất về một văn bản thỏa thuận cuối cùng trước thời điểm kết thúc Hội nghị Thượng đỉnh COP 21.

Minh Trần

TIN LIÊN QUAN