Mục đích cuối cùng của tăng trưởng kinh tế là cải thiện điều kiện và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Thực hiện các chính sách an sinh xã hội, do vậy, là nhằm bảo đảm phân phối những thành quả tăng trưởng kinh tế theo hướng bảo đảm công bằng xã hội và hài hòa lợi ích giữa các chủ thể, nhóm xã hội và tạo sự đồng thuận xã hội.

Quan điểm của Đảng và Nhà nước về an sinh xã hội

{keywords}
Mục đích cuối cùng của tăng trưởng kinh tế là cải thiện điều kiện và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.

Bảo đảm an sinh xã hội là chủ trương nhất quán và xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta trong lãnh đạo đất nước. Trong hơn 30 năm đổi mới, mặc dù đất nước còn gặp nhiều khó khăn, song chính sách an sinh xã hội luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt.

Nghị quyết số 15-NQ/TW, ngày 01-6-2012, của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI “Một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020” đã khẳng định: Tiếp tục cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người có công, bảo đảm gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư trên địa bàn. Ðến năm 2020, cơ bản bảo đảm an sinh xã hội toàn dân, bảo đảm mức tối thiểu về thu nhập, giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch và thông tin, truyền thông, góp phần từng bước nâng cao thu nhập, bảo đảm cuộc sống an toàn, bình đẳng và hạnh phúc của nhân dân.

Hiến pháp năm 2013 lần đầu tiên khẳng định quyền an sinh xã hội cơ bản cho người dân. Điều 34 quy định: “Công dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội” và Điều 59 quy định: “Nhà nước tạo bình đẳng về cơ hội để công dân thụ hưởng phúc lợi xã hội, phát triển hệ thống an sinh xã hội”.

Bộ Luật Lao động sửa đổi (năm 2012) tăng cường hỗ trợ của Nhà nước đối với người lao động yếu thế trên thị trường thông qua các chính sách hỗ trợ tạo việc làm. Luật Việc làm (năm 2013) mở rộng cơ hội cho người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp (người lao động làm việc trong các doanh nghiệp có hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên đều bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp).

{keywords}
Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi (năm 2013) mở rộng đối tượng được Nhà nước hỗ trợ tham gia bảo hiểm y tế. Ảnh minh họa.

Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi (năm 2013) mở rộng đối tượng được Nhà nước hỗ trợ tham gia bảo hiểm y tế. Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi (năm 2014) mở rộng diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động làm việc có hợp đồng từ 1 tháng trở lên; hoàn thiện chế độ bảo hiểm xã hội tự nguyện theo hướng linh hoạt và phù hợp với điều kiện về việc làm và thu nhập của người lao động trong khu vực phi chính thức; khuyến khích người lao động khu vực phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội.

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng tiếp tục khẳng định: bảo đảm an sinh xã hội là một trong các nhiệm vụ trọng tâm trong thời kỳ mới; tiếp tục hoàn thiện chính sách an sinh xã hội phù hợp với quá trình phát triển kinh tế - xã hội; mở rộng đối tượng và nâng cao hiệu quả của hệ thống an sinh xã hội tới mọi người dân, hướng tới mục tiêu thực hiện an sinh xã hội toàn dân; khuyến khích nâng cao khả năng tự bảo đảm an sinh xã hội của mỗi người dân; gắn kết chặt chẽ chính sách kinh tế với chính sách an sinh xã hội, phát triển kinh tế với nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, bảo đảm để nhân dân được hưởng thụ ngày một tốt hơn thành quả của công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước.

Một số giải pháp trong thời gian tới

Theo ông Nguyễn Trọng Đàm, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội: Để đẩy mạnh việc thực hiện chính sách an sinh xã hội, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội, trong thời gian tới, cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau đây:

Tiếp tục hoàn thiện hệ thống luật pháp theo hướng tinh gọn, giảm chồng chéo. Ưu tiên hoàn thiện chính sách đối với người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số và các vùng nghèo, đặc biệt khó khăn, tránh cào bằng, hỗ trợ theo nhu cầu và tạo động lực phấn đấu cho đối tượng thụ hưởng, khuyến khích người dân chủ động, tích cực tự an sinh. Tăng cường sự tham gia của cộng đồng, doanh nghiệp vào quá trình hoạch định chính sách.

{keywords}
Ưu tiên hoàn thiện chính sách đối với người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số và các vùng nghèo, đặc biệt khó khăn, tránh cào bằng, hỗ trợ theo nhu cầu và tạo động lực phấn đấu cho đối tượng thụ hưởng, khuyến khích người dân chủ động, tích cực tự an sinh. Ảnh minh họa: LAD

Về huy động nguồn lực, ưu tiên ngân sách trung ương để thực hiện đầy đủ và kịp thời các chính sách hỗ trợ cho các nhóm đối tượng yếu thế, đồng báo dân tộc thiểu số, dân tộc rất ít người và các vùng khó khăn nhất. Tăng cường xã hội hội hóa, tiếp tục huy động nguồn lực trong nhân dân, khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp tham gia tích cực vào công tác an sinh xã hội, bảo trợ các đối tượng yếu thế. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tranh thủ hỗ trợ về kỹ thuật và tài chính của các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, cộng đồng, doanh nghiệp và cá nhân ở nước ngoài.

Về nâng cao hiệu quả công tác quản lý, các bộ, ngành và địa phương ban hành kịp thời các văn bản hướng dẫn việc tổ chức thực hiện chính sách. Thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, đơn giản hóa các thủ tục, niêm yết công khai và hướng dẫn cụ thể cho người dân. Xã hội hóa hoạt động cung cấp dịch vụ công, tách bạch chức năng quản lý đối tượng với chức năng chi trả. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và thực hiện các quy trình nghiệp vụ; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về người có công và an sinh xã hội và bộ chỉ số an sinh xã hội.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát. Quốc hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với các đoàn thể chính trị - xã hội, đơn vị liên quan tham gia giám sát việc thực hiện các chủ trương, chính sách đối với người có công và bảo đảm an sinh xã hội; đẩy mạnh thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở và tăng cường phản biện xã hội. Hoàn thiện hệ thống theo dõi giám sát cho từng lĩnh vực, thực hiện nghiêm túc hoạt động báo cáo định kỳ, cập nhật liên tục và chính xác số liệu qua các cấp quản lý; không phê duyệt, cấp kinh phí khi không báo cáo đầy đủ, chính xác và kịp thời.

Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, vai trò, trách nhiệm của Nhà nước, doanh nghiệp và các tổ chức chính trị - xã hội. Cập nhật thông tin về chính sách và các văn bản quy phạm pháp luật qua các kênh khác nhau, bằng nhiều hình thức khác nhau.

Phổ biến giới thiệu các mô hình quản lý, các mô hình cung cấp dịch vụ hiệu quả, các gương “người tốt, việc tốt”, các mô hình giảm nghèo và an sinh xã hội..., khuyến khích các đối tượng yếu thế tự vươn lên bảo đảm an sinh, khắc phục tính ỷ lại vào sự trợ giúp của Nhà nước.

Hải Văn