Ngày 3/10, tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York (Mỹ), Ủy ban Các Vấn đề Xã hội, Nhân đạo và Văn hóa của Đại Hội đồng Liên hợp quốc Khóa 78 đã thảo luận vấn đề thúc đẩy tiến bộ của phụ nữ.
Tại phiên họp, đa số các nước nhận định việc thúc đẩy vai trò và sự tham gia của phụ nữ trên các lĩnh vực của đời sống xã hội đang có dấu hiệu thụt lùi. Phụ nữ vẫn là đối tượng chịu ảnh hưởng lớn của các khủng hoảng đan xen và đa chiều hiện nay.
Phát biểu tại phiên thảo luận, Tham tán Công sứ Lê Thị Minh Thoa, Phó Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, chia sẻ nhận định cho rằng phụ nữ ở nhiều nơi trên thế giới đang phải đối mặt với các vấn đề về sức khỏe, mất hoặc giảm thu nhập, tụt hậu về tiếp cận tri thức, các cơ hội việc làm và hội nhập, là nạn nhân của bạo lực giới.
Trong khi đó, Chuyển đổi Số và các xu thế kinh tế toàn cầu một mặt vừa là giải pháp, mặt khác đặt ra nguy cơ làm trầm trọng các tổn thương đối với phụ nữ.
Về khuyến nghị giải pháp, đại diện Việt Nam cho rằng cần thúc đẩy hợp tác quốc tế để hỗ trợ các nước thực hiện các cam kết quốc tế bảo đảm sự tham gia đầy đủ, bình đẳng và có ý nghĩa của phụ nữ và trẻ em gái trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần ngăn ngừa bạo lực và phân biệt đối xử.
Trong bối cảnh chuyển đổi số, cũng cần tập trung nâng cao chất lượng lao động nữ về kỹ năng số, thúc đẩy vai trò của phụ nữ trong phát triển nền kinh tế số. Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ và trẻ em gái phát triển sự nghiệp trong các ngành khoa học và công nghệ, bảo vệ các quyền của phụ nữ trong môi trường số.
Nhân dịp này, đại diện Việt Nam nêu bật những kết quả và thành tựu Việt Nam đạt được trong bảo đảm quyền của phụ nữ và bình đẳng giới trong hoạch định chính sách, xây dựng pháp luật và chiến lược phát triển.
Trong suốt chiều dài lịch sử, phụ nữ Việt Nam đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước ngàn năm văn hiến, tạo dựng nên truyền thống bản sắc của người Việt nói chung và truyền thống riêng của phụ nữ Việt Nam “anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”.
Tiếp nối truyền thống đó, trong xu thế hội nhập và phát triển của đất nước, phụ nữ Việt Nam tiếp tục vượt qua mọi thành kiến và thử thách, vươn lên đóng góp tích cực vào các hoạt động xã hội, duy trì ảnh hưởng của mình trên nhiều lĩnh vực như: tham gia quản lý nhà nước, tham gia xóa đói giảm nghèo, xây dựng gia đình no ấm hạnh phúc, tham gia phòng chống tệ nạn xã hội, tham gia hoạt động đối ngoại…
Ngày càng có nhiều phụ nữ Việt Nam trở thành chính trị gia, nhà khoa học nổi tiếng, nhà quản lý năng động; những lĩnh vực trước đây chỉ dành cho nam giới, phụ nữ cũng làm rất tốt. Việt Nam có tỷ lệ đại biểu quốc hội nữ và lãnh đạo nữ cao, bảo đảm việc làm cho phụ nữ, cân bằng giới trong kỹ năng số. Việt Nam khẳng định sẽ tiếp tục hợp tác với cộng đồng quốc tế nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và tiến bộ của phụ nữ.