- Có gia đình không có điều kiện cho con học tiếp, nhưng phần lớn là do các em muốn nghỉ học. Nam thì đi biển, nữ đi làm thuê, đặc biệt trong năm học mới này chỉ có 11/62 học sinh thi vào cấp THPT.

Tình trạng học sinh tốt nghiệp THCS xong không thi lên THPT mà nghỉ học ở nhà đi làm đã trở thành nỗi lo của nhà trường và chính quyền xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình.

{keywords}

Giờ thấy bạn bè đi học, Niển lại thấy hối hận vì đã bỏ học đi làm

Theo thống kê sơ bộ của UBND xã Hải Ninh, khoảng 10 năm trở lại đây, trung bình mỗi năm trên địa bàn có khoảng 70 học sinh tốt nghiệp THCS thì chỉ có 1/3 trong số đó đăng ký thi vào THPT.

Các em nghỉ học sớm với rất nhiều lí do nhưng chủ yếu là đi làm phụ giúp gia đình. Cũng có những em gia đình không có điều kiện, mặc dù nhiều em học giỏi và rất muốn đi học.

Tình trạng này diễn ra đã lâu nhưng đáng báo động nhất là năm học 2015 – 2016. “Năm học vừa rồi có hai lớp 9 với tổng cộng 62 học sinh. Trong đó chỉ có 11 học sinh đăng ký thi lên cấp 3, còn lại ở nhà đi làm”, cô giáo Bùi Thị Lài, chủ nhiệm khối lớp 9 năm học 2014-2015 Trường THCS Hải Ninh cho biết.

“Cuối năm lớp 9, thấy nhiều bạn bè trong lớp bàn nhau bỏ học nên em cũng bỏ theo, mặc dù ở nhà bố mẹ có điều kiện để em học tiếp và hoàn toàn không cấm đoán gì” - em Mai Thị Niển (sinh năm 2000), thôn Cửa Thôn, xã Hải Ninh nói.

Được biết, điểm tổng kết cuối năm lớp 9 của Niển là 7,5 - với học lực khá Niển hoàn toàn có thể tự tin thi vào Trường THPT Ninh Châu, nhưng hiện nay em đã bỏ học và đang làm giúp việc cho một gia đình ở TP Đồng Hới với mức lương 2,5 triệu đồng một tháng.

“Quyết định bỏ học là ở em, nhưng giờ thấy các bạn xúng xính áo dài trắng là em lại thấy hối hận” - Niển tiếc nuối.

Trong khi các bạn nữ nghỉ học để đi làm thuê thì các bạn nam lại đi biển đánh cá. Có những bạn tham gia đánh cá biển xa với mức lương 7-8 triệu/tháng nên cũng đồng loạt bỏ học.

Em Nguyễn Văn Thành, ở xã Hải Ninh vừa học xong lớp 9 cũng không đăng ký thi tuyển vào cấp 3. Thành cho biết, anh trai thành cũng chỉ học xong lớp 9 rồi ở nhà đi biển. “Giờ bố mẹ cũng động viên đi học nhưng em không muốn đi. Hiện em ở nhà phụ giúp bố mẹ nuôi tôm, thỉnh thoảng theo một số người dân trong xã đi biển” - Thành chia sẻ.

Nhiều học sinh vẫn muốn đi học lắm…

Người dân vùng biển và thầy cô ở đây tiếc nhất là trường hợp của em Nguyễn Thị Vui (sinh năm 2000), em là học sinh giỏi toàn diện từ tiểu học đến hết THCS, cũng là một lớp trưởng, một cán bộ đoàn đội năng nổ.

{keywords}

Vui phải nghỉ học đi làm giúp việc, mặc dù em còn rất muốn đi học

{keywords}

Gánh chè của bà Tâm không thể lo cho con gái học tiếp


Học xong lớp 9, Vui vẫn rất muốn được đi học tiếp nhưng điều kiện gia đình không cho phép, giờ em đang giúp việc ở TP Đồng Hới với mức lương 2 triệu đồng/tháng.

Những anh chị của Vui cũng không được học hành đến nơi đến chốn và đã lập gia đình nên không thể lo được cho em gái. Trò chuyện với PV, vui nói: “Em vẫn còn muốn đi học lắm, nhưng mẹ không có tiền, nhà lại cách trường gần 13km, phương tiện cũng không có mà đi”.

Được biết, năm nào em cũng đạt giải trong cuộc thi Hùng biện tiếng Anh và học rất giỏi các môn tự nhiên.

Gặp mẹ Vui, bà Nguyễn Thị Tâm (55 tuổi), bà Tâm cho biết, cuộc sống của 5 mẹ con bà phụ thuộc vào gánh chè ở chợ Cửa Thôn đã hàng chục nay. Nhưng chè cũng chỉ bán được mùa nắng, mưa xuống là chịu. Quanh nhà đất đai toàn cát nên không trồng trọt chăn nuôi gì được. Biết con học giỏi đó mà không làm gì được.

Trao đổi về vấn đề này, ông Phạm Văn Liệu, Chủ tịch UBND xã Hải Ninh cho biết, vì quá nhiều em bỏ học nên chính quyền địa phương cũng như các dòng họ trong làng đã tạo điều kiện, động viên, khuyến khích các em nhưng vẫn không có kết quả.

Còn năm nay, số học sinh vào cấp 3 giảm có thể là do bố mẹ các em nuôi tôm bị thua lỗ nặng, vay ngân hàng hàng trăm triệu đồng nên không có tiền cho con đi học.

“Mặt khác, có thể các em nhìn những anh chị đi trước, sau khi học xong CĐ, ĐH cũng về quê vì không có việc nên nhiều em không muốn làm gánh nặng gia đình”, ông Liệu nói thêm

Hải Sâm