Bảo hiểm thất nghiệp là chế độ bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi bị mất việc làm, hỗ trợ người lao động học nghề, duy trì và tìm kiếm việc làm trên cơ sở đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
Theo quy định tại Điều 43 Luật Việc làm 2013, cả người lao động và người sử dụng lao động đều có trách nhiệm tham gia loại hình bảo hiểm này.
Khi tham gia bảo hiểm thất nghiệp, người lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp; Hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm; Hỗ trợ học nghề; Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm.
Trong khi đó, người sử dụng lao động tham gia loại hình bảo hiểm này sẽ được hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm.
Chính sách Bảo hiểm thất nghiệp luôn đảm bảo nguyên tắc chia sẻ, đóng - hưởng. Đồng thời, việc triển khai thực hiện bảo hiểm thất nghiệp đảm bảo theo phương châm “3 đúng”: đúng đối tượng, đúng chế độ, đúng thời hạn.
Từ những quyền lợi trên mà hiện nay, bảo hiểm thất nghiệp thật sự trở thành điểm tựa của người lao động và người sử dụng lao động, được các ngành, các cấp và xã hội đánh giá cao. Đặc biệt, trong thời buổi kinh tế khó khăn như trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, bảo hiểm thất nghiệp được xem là phao cứu sinh giải quyết không ít khó khăn cho người lao động.
Tại Đồng Nai, chỉ sau hơn một tháng triển khai thực hiện Nghị quyết số 116/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 từ quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, tính đến ngày 16/11, Bảo hiểm xã hội tỉnh Đồng Nai đã chi trả cho gần 800 nghìn người lao động với số tiền trên 1.900 tỉ đồng.
Nhằm mục đích kịp thời hỗ trợ người lao động và đơn vị gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh và hoàn thành nhiệm vụ đã được giao, đảm bảo không bỏ sót người lao động thuộc diện thụ hưởng chính sách theo quy định, Bảo hiểm xã hội tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo các bộ phận liên quan tìm giải pháp đôn đốc số đơn vị sử dụng lao động lập danh sách đề nghị hỗ trợ gửi cơ quan Bảo hiểm xã hội để giải quyết, đảm bảo người lao động được hỗ trợ kịp thời theo quy trình thủ tục.
Còn theo Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Nai, riêng trong tháng 11 có 2.901 người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, lũy kế cả 11 tháng năm 2021, con số này là trên 40 nghìn người.
Đa số người lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp là lao động phổ thông, làm việc ở nhiều ngành nghề, lĩnh vực. Nguyên nhân thất nghiệp do doanh nghiệp phá sản, giải thể, thay đổi cơ cấu, người lao động hết hạn hợp đồng lao động, chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn, bị kỷ luật, sa thải…
Là một trong số những người lao động được nhận số tiền hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, chị Nguyễn Thị Lan (quê Bình Thuận) đang làm công nhân may tại Khu công nghiệp Biên Hòa cho biết đã tham gia bảo hiểm xã hội hơn 6 năm. Khi hai vợ chồng chị phải tạm nghỉ việc để phòng chống dịch Covid-19, cuộc sống gia đình rất khó khăn.
“Khoản tiền bảo hiểm thất nghiệp của cả hai vợ chồng đã giúp gia đình tôi chi trả được chi phí tiền trọ, sinh hoạt cho 4 người trong vài tháng nên đã vượt qua được giai đoạn vất vả nhất. Hiện tại cả hai vợ chồng chúng tôi đã đi làm lại, kinh tế đã tạm ổn hơn”.
Hỗ trợ lao động thất nghiệp học nghề
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 17/2021/QĐ-TTg quy định mức hỗ trợ học nghề đối với người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp nhằm hỗ trợ lao động thất nghiệp.
Theo quyết định này, đối với người tham gia khóa đào tạo nghề đến 3 tháng, mức hỗ trợ tính theo mức thu học phí của cơ sở đào tạo nghề nghiệp và thời gian học nghề thực tế nhưng cao nhất không quá 4,5 triệu đồng/người/khóa đào tạo.
Đối với người tham gia khóa đào tạo nghề hơn 3 tháng, mức hỗ trợ tính theo tháng, mức thu học phí và thời gian học nghề thực tế nhưng cao nhất không quá 1,5 triệu đồng/người/tháng.
Nguồn kinh phí thực hiện hỗ trợ học nghề do cơ quan bảo hiểm xã hội chi trả từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.
Bà Trần Thùy Trâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đồng Nai cho biết tính từ đầu năm đến nay, số người được tư vấn/ tiếp nhận thông tin tư vấn học nghề là 42.558 người. Tính riêng trong tháng 11, số người được tư vấn, giới thiệu việc làm là 3.400 người, số người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp được hỗ trợ học nghề là 114 người.
Trong những tháng gần đây, hoạt động hỗ trợ đào tạo nghề buộc phải dừng lại để thực hiện phòng, chống dịch Covid-19 nên người lao động không được tham gia học nghề. Tuy nhiên, từ ngày 1/12, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đồng Nai đã tiếp tục tổ chức các lớp giáo dục nghề nghiệp trở lại.
Tính cả 11 tháng của năm nay, số người nộp hồ sơ học nghề là 1.032 người. Số học viên Trung tâm trực tiếp đào tạo là 103 người, đạt 57% so với kế hoạch năm. Trong đó hàng trăm lao động tìm được việc làm mới với những ngành nghề như may mặc, tin học, lái xe, sửa chữa xe máy, điện công nghiệp…
Chị Nguyễn Thị Ngọc là lao động tự do đang ở trọ tại thành phố Biên Hòa chia sẻ các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho người thất nghiệp có thể giúp họ giải quyết tay nghề để tìm việc trong thời gian trước mắt.
“Những chính sách này cũng giúp những người lao động như tôi có thêm sự lựa chọn khi muốn chuyển đổi công việc. Do ảnh hưởng của dịch bệnh mà thời gian qua tôi chưa thể tham gia lớp đào tạo nghề ngắn hạn. Tôi sẽ sớm quyết định sẽ làm ở ngành nghề nào để tìm lớp học nghề phù hợp” – chị Ngọc cho biết.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai cho biết thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, đến nay, toàn tỉnh đã phê duyệt hơn 1.750 tỉ đồng hỗ trợ các đối tượng nêu trên, trong đó đã chi hơn 1.500 tỉ đồng. Cụ thể, Đồng Nai hỗ trợ cho gần 140.000 lao động ngừng việc với số tiền trên 170 tỉ đồng. Tỉnh hỗ trợ gần 128.000 lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương với số tiền khoảng 430 tỉ đồng; đồng thời chi gần 945 tỉ đồng hỗ trợ gần 630.000 lao động tự do. |
Phương Chi
Chuẩn bị đợt tuyển dụng lớn hướng đến lao động khu vực Tây nguyên
Ngay khi vừa hết thời gian giãn cách, Trung tâm Dịch vụ việc làm của Đồng Nai liên tục có các hoạt động làm cầu nối cho doanh nghiệp và người lao động, góp phần giúp các doanh nghiệp ở địa phương sớm khôi phục lại sản xuất.