Báo hiếu cứ phải bằng vật chất?

Lê Hương Lan (33 tuổi, quê Hà Nam), một giáo viên cấp 2 tại Hà Nội có thói quen, cứ tối nào xong việc dạy học cho các con thì lại gọi điện có hình (qua Zalo, Facebook) cho bố mẹ chỉ để hỏi han hôm nay họ ăn gì, có chuyện gì vui không. Thói quen này Lan xây dựng được 4 năm nay, từ khi bố cô bị ung thư đại tràng giai đoạn 3 tưởng chừng như ra đi ngay khi biết bệnh. May mắn, nhờ chữa trị đúng cách và tâm lý thoải mái nên bố cô sức khỏe ngày càng ổn định và “giữ” được đến nay.

Nhận thấy bố mẹ giờ như ngọn đèn trước gió, nên Lan thường xuyên về thăm nom hoặc gọi điện mỗi ngày chỉ để với mục đích “theo dõi” sức khỏe của bố mẹ, nhìn sắc mặt của bố để nắm được tình hình của bệnh và đôi khi chỉ là chuyện trò để các cụ bớt cô đơn. “Nhà có 2 chị em, nhưng em trai mình vô tâm nên mọi sự quan tâm lo lắng mình nhận tất. Có lần nó bảo, em lắp camera ở nhà để chị quan sát bố mẹ cho tiện nhé? Mình bảo không cần, để dành cho 2 cụ chút không gian riêng tư và những cuộc điện thoại hàng ngày có hình là đủ”, Lan chia sẻ.

Người Việt vốn coi đạo hiếu là đường hướng và phương châm ứng xử nhân văn; nó cũng là các chuẩn mực, thước đo giá trị đạo đức của con người. 

Cũng giống như Lan, nhưng Dương Đức Đạt (38 tuổi, Quế Võ, Bắc Ninh) thì có khác biệt đôi chút. Do khắc khẩu với bố nên dù hay gọi điện về thăm nhà nhưng anh chỉ gọi cho mẹ. Với bố, anh đưa máy cho con gọi nói chuyện với ông. Cách làm hòa của anh vừa khéo léo, vừa “bắn tin” được tình cảm của hai vợ chồng với ông bà. Mỗi lần về quê cũng vậy, anh để vợ và các con khéo léo ngồi tâm sự với ông nội và cũng từ đó kéo dần khoảng cách giữa anh với bố.

Bên cạnh câu chuyện hỏi han, khi bận bịu anh giao luôn việc gọi điện hoặc về quê thăm nom ông bà thay bố mẹ cho 2 cậu con (1 đứa lớp 9 và 1 đứa lớp 7; hai cháu đi xe bus từ Hà Nội về Bắc Ninh rất dễ dàng) mỗi khi anh cảm thấy “khó mở lời”.

Lời khuyên từ các chuyên gia tâm lý

TS Tâm lý học Mai Văn Hải cho rằng, báo hiếu có rất nhiều cách tùy thuộc vào điều kiện của mỗi người. Một số bạn trẻ đang đặt nặng vấn đề vật chất nên cứ nghĩ, phải có đồng quà, tấm bánh hoặc chí ít là chu cấp hàng tháng cho cha mẹ mới là báo hiếu. Có bạn còn tự đặt ra yêu cầu rất cao cho bản thân như phải xây dựng lại nhà cửa cho khang trang, vừa là nơi để mẹ cha sống những năm tháng cuối đời, vừa làm nơi thờ tự sau này. Có bạn còn cắt đặt cả nhiệm vụ chăm sóc mẹ cha cho từng thành viên, phân chia nghĩa vụ đóng góp tài chính và phân chia cả việc phải gọi điện hỏi han cha mẹ.

“Dù với cách nào cũng được, thậm chí chỉ bằng những cuộc điện thoại hàng ngày như bạn Lan ở trên cũng là một hình thức chăm sóc, báo hiếu mẹ cha rất có ý nghĩa mà không phải ai cũng làm được. Theo một cuộc khảo sát bỏ túi của Viện Tâm lý học hồi năm 2022, có tới 70% số bạn tuổi từ 30-45 cho biết luôn day dứt khi chưa kịp báo hiếu cha mẹ, chỉ 30% không tiếc nuối vì luôn đáp ứng mong đợi của người thân khi họ còn sống. Thực tế, vấn đề hiếu kính với cha mẹ luôn là đề tài thú vị và tâm lý người Việt Nam luôn coi trọng và tiếp thu chữ hiếu trong giáo dục nhân cách vốn là nét đẹp từ bao đời", TS Hải phân tích.

Cùng quan điểm, TS Tâm lý học Trịnh Thanh Hương, Bệnh viện Bạch Mai cũng cho rằng, trong các phẩm chất thì hiếu kính hàng đầu, người Việt vốn coi đạo hiếu là đường hướng và phương châm ứng xử nhân văn; nó cũng là các chuẩn mực, thước đo giá trị đạo đức của con người. Do vậy, việc nhiều bạn bước vào lứa tuổi trung niên có suy nghĩ chưa thể báo hiếu cha mẹ cũng là điều dễ hiểu. Được biết, trong Báo cáo nghiên cứu Thế hệ trẻ Việt Nam 2020 của Hội đồng Anh cũng nhận định, người trẻ Việt vô cùng gắn bó với gia đình khi 75% người trẻ được hỏi cho biết, gia đình là yếu tố căn bản định hình nên con người họ.

“Không có công thức nào cho việc báo hiếu mẹ cha. Sự hiếu kính cũng không thể đong đếm bằng vật chất hay sự chăm nom, nhưng đây vẫn là 2 phương thức mà người cao tuổi nói chung, các đáng sinh thành cảm nhận được. Sẽ khó nói những người con chưa thể báo hiếu mẹ cha là bất hiếu, bởi những khó khăn về tài chính như khảo sát đã chỉ ra cho thấy, 57% số người đang “lực bất tòng tâm”. Do vậy, thay vì những món quà vật chất thì các món quà tinh thần, những lời thăm hỏi động viên thường xuyên, dành thời gian nói chuyện, tâm sự với cha mẹ cũng là một cách báo hiếu đơn giản mà không phải ai cũng làm được”, TS Hương gợi ý.

Xét cho cùng, đúng như lời bài hát Mẹ tôi như gửi gắm nỗi niềm của những người con: "Mẹ ơi con đã già rồi còn ngồi nhớ mẹ khóc như trẻ con… Mẹ ơi thế giới mênh mông, mênh mông không bằng nhà mình…”. Dù bạn có thế nào đi chăng nữa, đi đâu thì cũng là nhà, nhưng đâu có mẹ/cha mới là quê hương. “Không có công thức chung, nhưng cũng đừng để đến ngày chúng ta không còn bố mẹ, thành công tuyệt vời đến mấy, trong lòng chúng ta sẽ rất trống trải. Để không phải hối tiếc, hãy biết ơn, trân trọng và nhanh chóng làm ngay những gì có thể với bố mẹ, đó chính là sự báo hiếu tốt nhất”, Lan tâm sự và gợi mở.

Ngọc Lài và nhóm PV, BTV