Xu thế mở cửa hội nhập, số lượng công dân Việt Nam ra nước ngoài ngày càng gia tăng về số lượng và thành phần. Ảnh minh họa. |
Xu thế mở cửa hội nhập, số lượng công dân Việt Nam ra nước ngoài ngày càng gia tăng về số lượng và thành phần như: du học, thực tập sinh, lao động, tham quan, du lịch, hội chợ, triển lãm, buôn bán, đầu tư, kết hôn với người nước ngoài, xuất cảnh định cư, hội nghị, hội thảo quốc tế, khu vực…
Theo số liệu thống kê của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, hiện nay có khoảng 4,5 triệu người Việt Nam định cư ở các nước và vùng lãnh thổ. Mỗi năm có hơn 100.000 công dân Việt Nam ra nước ngoài làm việc theo hợp đồng (riêng 11 tháng đầu năm 2019 có 132.802 lao động Việt Nam đi làm việc theo nhiều hình thức ở hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, hàng chục nghìn trường hợp kết hôn với người nước ngoài.
Các tiêu chí phân loại của Tổ chức Di cư quốc tế (IMO), người Việt Nam di cư ra nước ngoài về cơ bản cũng bao gồm: di cư lao động quốc tế theo hợp đồng có thời hạn ở nước ngoài; di cư học tập; di cư do kết hôn với người nước ngoài hoặc có quốc tịch nước ngoài; di cư vì được nhận làm con nuôi; di cư thông qua tệ nạn buôn bán người (bất hợp pháp).
Nhìn từ góc độ pháp luật, việc bảo hộ công dân được đặt ra khi các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam ở nước ngoài bị xâm phạm. Trách nhiệm bảo vệ công dân còn bao gồm các hoạt động giúp đỡ về mọi mặt mà Nhà nước dành cho công dân Việt Nam đang ở nước ngoài, bao gồm những hoạt động mang tính công vụ như cấp phát hộ chiếu, giấy tờ hành chính cho công dân; các hoạt động có tính chất trợ giúp như giúp đỡ về tài chính cho công dân khi họ gặp khó khăn, giúp đỡ công dân trong việc chuyển thông tin, bảo quản giấy tờ, tài sản…; thăm hỏi lãnh sự khi công dân bị bắt, bị giam, áp dụng các biện pháp cần thiết nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho công dân nước mình trên cơ sở phù hợp quy định pháp luật quốc gia sở tại hoặc luật pháp quốc tế.
Bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam ở nước ngoài nói chung và của người lao động Việt Nam ở nước ngoài nói riêng là một trong những mục tiêu hàng đầu của công tác quản lý di cư.
Nhà nước Việt Nam có chính sách nhất quán là thúc đẩy di cư hợp pháp, chống di cư trái phép, tạo điều kiện thuận lợi cho di cư trong nước và di cư quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật của nước có người Việt Nam nhập cư.
Điều 17 Hiến pháp 2013 quy định: “Công dân Việt Nam ở nước ngoài được Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam bảo hộ”. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã ban hành một hệ thống các văn bản pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội liên quan đến việc di cư của công dân Việt Nam ra nước ngoài. Tính vào thời điểm hiện tại, Việt Nam có khoảng 53 văn bản luật và dưới luật liên quan đến di cư.
Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 26/3/2004 của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài cũng nhấn mạnh: Việc bảo hộ các quyền, lợi ích hợp pháp của công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài là hết sức cần thiết, thể hiện trách nhiệm của Nhà nước đối với công dân, góp phần nâng cao vị thế chính trị, uy tín của Nhà nước Việt Nam đối với thế giới cũng như trong con mắt người Việt Nam ở nước ngoài, góp phần khuyến khích, động viên ngày càng nhiều hơn sự đóng góp của bà con Việt kiều vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ảnh minh họa. |
Việc bảo hộ quyền và lợi ích của pháp nhân và công dân Việt Nam ở nước ngoài được quy định tại hầu hết các văn bản pháp luật quan trọng của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, như: Hiến pháp năm 2013 (điều 17 khoản 3), Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 (Điều 5); Luật Cơ quan đại diện nước CHXHCN Việt Nam ở nước ngoài số 33/2009/QH12 ngày 18/06/2009 (Điều 8 và Điều 9)… Quyết định số 119/QĐ-TTg ngày 25/07/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Quỹ Bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài với 20 tỷ đồng chi cho các hoạt động ban đầu của công tác này và chỉ thị số 1737/CT-TTg về tăng cường công tác bảo hộ quyền và lợi ích chính đáng của công dân Việt Nam ra nước ngoài trong tình hình hiện nay (trong đó quy định nhiệm vụ cụ thể của các bộ, ngành hữu quan và Ủy ban nhân dân các địa phương trong công tác bảo hộ quyền và lợi ích chính đáng của công dân Việt Nam trong suốt quá trình di cư ra nước ngoài).
Trong không gian thế giới chuyển biến nhanh, khó lường như hiện nay, sự đa dạng thể hiện ở mỗi vụ việc liên quan đến từng hoàn cảnh, đối tượng khác nhau và cần có các gói giải pháp khác nhau để giải quyết. Nếu tận dụng tốt cơ hội tạo ra từ tình hình mới, công tác bảo hộ công dân sẽ đem lại thêm nhiều thành công trong nhiệm vụ bảo vệ quyền và lợi ích của công dân ta ở nước ngoài, hỗ trợ hiệu quả hơn cho công dân khi gặp phải khó khăn hoạn nạn. Điều đó cũng là mục tiêu hàng đầu của công tác quản lý di cư trong tình hình mới.
Thu Uyên tổng hợp