Trước những mong ngóng của các nhà đầu tư điện gió, điện mặt trời có dự án dở dang, không kịp vận hành thương mại để hưởng giá ưu đãi, Bộ Công Thương cho biết đang lấy ý kiến dự thảo quy định về khung giá phát điện cho các dự án thuộc dạng này. 

Thông tư này áp dụng đối với các dự án, phần dự án điện mặt trời, điện gió đã và đang triển khai đầu tư nhưng không đủ điều kiện áp dụng cơ chế giá bán điện cố định theo quy định tại Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 6/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời và Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg ngày 10/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi bổ sung một số điều của Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg ngày 29/6/2011 của Thủ tướng chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam.

Hàng chục dự án điện gió bất động sau khi lỡ hẹn hưởng giá ưu đãi. 

Khung giá phát điện áp dụng cho các nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp đàm phán (hoặc đấu thầu) xác định giá phát điện.

Bộ thông số của nhà máy điện mặt trời, nhà máy điện gió được lựa chọn để tính toán khung giá phát điện áp dụng cho nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp được xác định trên cơ sở thiết kế kỹ thuật hoặc Báo cáo nghiên cứu khả thi của các nhà máy điện mặt trời (mặt đất, nổi), nhà máy điện gió (trên bờ, trên biển) đã ký hợp đồng mua bán điện trước ngày 31/10/2021.

Giá phát điện của nhà máy điện mặt trời, điện gió sẽ bao gồm Giá cố định bình quân được xác định theo quy định tại Thông tư này cộng với Giá vận hành và bảo dưỡng cố định được xác định theo Thông tư này (đồng/kWh).

Trong đó, giá cố định bình quân là chi phí vốn đầu tư xây dựng nhà máy điện mặt trời, điện gió cở sở (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) được quy đổi đều hàng năm xác định theo quy định tại khoản 2 Điều này (đồng); Điện năng giao nhận bình quân nhiều năm của nhà máy điện mặt trời, điện gió xác định theo quy định tại Thông tư (kWh).

Chủ đầu tư các Nhà máy điện mặt trời, điện gió gió đã ký hợp đồng mua bán điện trước ngày 1/11/2021 có trách nhiệm cung cấp Thiết kế kỹ thuật hoặc Báo cáo nghiên cứu khả thi cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) kể từ khi Thông tư này được ký ban hành.

Trước thời điểm đó, EVN có trách nhiệm:

a) Đề xuất lựa chọn bộ thông số quy định tại khoản 3 Điều 3 Thông tư này trên cơ sở thiết kế kỹ thuật hoặc báo cáo nghiên cứu khả thi do chủ đầu tư đã ký hợp đồng mua bán điện trước 1/11/2021 cung cấp, phù hợp với thực tế thực hiện các hợp đồng mua bán điện và lập hồ sơ tính toán khung giá phát điện nhà máy điện theo quy định tại Điều 8 Thông tư này, trình Cục Điều tiết điện lực thẩm định;

b) Căn cứ bộ thông số nhà máy điện mặt trời, điện gió được lựa chọn, tính toán giá phát điện các nhà máy này theo quy định tại Điều 4, Điều 5, Điều 6 Thông tư này.

3. Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ tính toán giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió nêu tại điểm b khoản 2 Điều này, Cục Điều tiết điện lực có trách nhiệm kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ trình duyệt. Trường hợp cần thiết, Cục có văn bản yêu cầu EVN bổ sung sửa đổi hoặc giải trình làm rõ các nội dung trong hồ sơ.

4. Chậm nhất 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Cục Điều tiết điện lực có trách nhiệm tổ chức thẩm định khung giá phát điện các nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp do EVN Nam trình.

5. Chậm nhất 10 ngày làm việc kể từ ngày tổ chức thẩm định khung giá phát điện các nhà máy điện điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp do EVN trình, Cục Điều tiết điện lực có trách nhiệm hoàn thiện hồ sơ trình Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt khung giá phát điện và công bố trên trang thông tin điện tử của Cục.

Lương Bằng

Cánh điện gió bất động, chục nghìn tỷ phơi nắng mưa chờ cơ chếĐến nay, nhiều dự án điện gió dở dang vẫn ngóng chờ cơ chế của Chính phủ, Bộ Công Thương. Do lỡ hẹn vận hành thương mại khi giá FIT hết hiệu lực vào 31/10/2021, hàng chục nghìn tỷ đồng nằm phơi nắng mưa.