Các bác sĩ lưu ý không để quá nhiều thực phẩm trong tủ lạnh làm không khí trong tủ kém lưu thông, dẫn tới giảm tác dụng bảo quản của thiết bị.
Công việc bận rộn, không có thời gian đi chợ hay ghé siêu thị mỗi ngày, kèm thói quen tích trữ thực phẩm nên cứ nửa tháng chị Quỳnh Hoa (Hà Đông, Hà Nội) lại mua rất nhiều đồ ăn về chất đầy trong tủ lạnh.
Nhưng cuối tuần trước, một sự việc khiến chị phải thay đổi suy nghĩ "đồ tích trữ trong tủ lạnh chắc chắn an toàn", từ đó, chị bỏ thói quen "một lần đi chợ cho nửa tháng". Sau bữa cơm tối, vợ chồng chị cùng 2 con đều bị rối loạn tiêu hoá phải vào viện. Bác sĩ cho biết, nguyên nhân có thể do thức ăn sống - chín để trong tủ lạnh bị lây nhiễm chéo vi khuẩn.
Thực tế, nhiều người cho rằng tủ lạnh là nơi vi khuẩn không thể sinh sôi, phát triển, hoàn toàn yên tâm "để từ ngày này qua tháng khác". Tuy nhiên, nếu thức ăn cho vào tủ lạnh không đúng cách, bảo quản, không hợp lý vẫn có thể gây ra các bệnh về đường tiêu hóa, thậm chí bị nhiễm khuẩn, nhiễm độc khi sử dụng đồ ăn được lấy từ tủ lạnh.
Bảo quản thực phẩm an toàn
Theo Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), cần bảo quản lạnh hoặc đông lạnh các thực phẩm loại dễ ôi thiu ngay khi bạn mang về nhà. Nhiệt độ bảo quản lạnh là 5 độ C (chỉ có thể làm chậm sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh) và đông lạnh là âm 18 độ C, có thể làm ngừng sự phát triển của vi khuẩn nhưng vi khuẩn đó nếu có vẫn không bị chết. Kiểm tra các nhiệt độ này định kỳ bằng loại nhiệt kế đặc biệt dùng cho tủ lạnh.
Luôn kiểm tra nhãn mác thực phẩm để xem cách bảo quản thực phẩm và lưu ý gói thật kín các thực phẩm chuẩn bị bảo quản đông lạnh, cần để các phần còn thừa trong các dụng cụ chứa đựng kín.
- Thịt cần được bảo quản lạnh giống như khi mua và đựng trong các bao nylon kín trong 1-2 ngày, không để nước thịt chảy ra ngoài.
- Trứng cần đựng trong các khay riêng và đặt trong tủ lạnh; không đặt trứng trên cánh cửa tủ lạnh.
- Hải sản luôn được bảo quản lạnh hoặc đông lạnh cho tới khi chế biến.
- Nhiều loại thực phẩm không phải là thịt, cá, rau hoặc các sản phẩm từ sữa vẫn cần được bảo quản lạnh, nếu không có thể bị hỏng.
Các bác sĩ lưu ý không để quá nhiều thực phẩm trong tủ lạnh làm không khí trong tủ lạnh kém lưu thông dẫn tới giảm tác dụng bảo quản của tủ lạnh. Kiểm tra các dụng cụ chứa đựng thực phẩm để tránh rò rỉ. Nếu thực phẩm nghi ngờ bị ôi thiu thì cần bỏ đi.
Một dấu hiệu chắc chắn cho thấy bao gói thực phẩm bị rò rỉ là có mốc, mốc có thể phát triển ngay cả khi thực phẩm được bảo quản lạnh. Bên cạnh nguy cơ gây ngộ độc, mốc còn làm cho thực phẩm mất ngon. Hầu hết các thực phẩm bị mốc đều cần bỏ đi.
Thực phẩm sau nấu cũng phải được sử dụng và bảo quản đúng cách
Theo Tiến sĩ Nguyên, không nên để các thực phẩm đã được nấu chín ở bên ngoài quá 2 giờ. Các vi khuẩn gây bệnh phát triển ở nhiệt độ từ 5 đến 60 độ C. Nếu quá thời gian này không nên ăn thực phẩm đó vì các vi khuẩn có thể phát triển trên thực phẩm và gây bệnh.
Nếu các thực phẩm cần được ăn nóng thì ăn càng sớm càng tốt sau khi nấu, nếu phải nấu lại thì cần nấu kỹ. Các thực phẩm lạnh cần được bảo quản lạnh (trong tủ lạnh hoặc trong nước đá) cho tới khi ăn. Vấn đề này cần được đặc biệt quan tâm khi thời tiết nóng.
Các thực phẩm còn thừa sau ăn cần được bảo quản ngay trong tủ lạnh. Các miếng thịt to cần được cắt thành các miếng mỏng và đựng trong các vật dụng chứa đựng nông. Các thực phẩm có kích cỡ lớn nếu có thể thì tách ra thành các phần nhỏ hơn và bảo quản riêng rẽ trong tủ lạnh. Các thức ăn thừa được bảo quản chỉ nên sử dụng trong vòng 3 ngày.
Mẹo nhỏ để bảo quản các thức ăn ưa thích được an toàn
- Không phá đông các thực phẩm đông lạnh ở nhiệt độ phòng. Thay vào đó, bạn có thể chuyển thực phẩm từ ngăn đông lạnh sang ngăn làm lạnh và để đó 1-2 ngày, hoặc phá đông bằng cách ngâm trong nước lạnh, hoặc phá đông bằng lò vi sóng hoặc trong quá trình đun nấu. Nếu phá đông bằng lò vi sóng hoặc ngâm nước lạnh thì ngay sau đó bạn cần nấu ngay thực phẩm.
- Không nếm thử các thực phẩm nếu nghi là ôi thiu, hoặc là loại đồ hộp đã bị hở, rò rỉ, phồng hoặc rạn nứt.
2 người nhập viện nghi ngộ độc sau khi ăn nhầm con giống sam biểnSau khi ăn tối trở về nhà, 2 người đàn ông 46 tuổi ở Bà Rịa - Vũng Tàu xuất hiện triệu chứng tê buốt răng miệng, chóng mặt, đau bụng phải nhập viện cấp cứu nghi ngộ độc do ăn nhầm con giống sam biển.