Đạo lý đền ơn đáp nghĩa 

Qua hàng nghìn năm, Vu Lan báo hiếu luôn là một trong những ngày lễ có sức sống văn hóa mãnh liệt nhất trong đời sống tinh thần của mỗi người  dân Việt Nam chúng ta.

Ngay từ sớm nhiều đoàn Phật tử đã hành hương về Tây Thiên - vùng đất linh khí, cái nôi của Phật giáo Việt Nam cũng là quê hương của Quốc mẫu Tây Thiên Lăng Thị Tiêu (thuộc thời đại các vua Hùng). 

Trong truyền thống đạo lý uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây của dân tộc ta, báo hiếu, báo ân tổ tiên, ông, bà, cha, mẹ là một trong những cảm ơn quan trọng nhất trong cuộc đời mỗi con người.

Ngày lễ Vu Lan báo hiếu của Phật giáo đã trở thành ngày lễ mang đậm nét nhân văn, làm rạng rỡ đạo lý đền ơn đáp nghĩa của dân tộc.

Lễ Vu Lan xuất phát từ sự tích Bồ tát Mục Kiền Liên đại hiếu đã cứu mẹ mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ (quỷ đói). Vu Lan trở thành ngày lễ hằng năm để tưởng nhớ công ơn cha mẹ và tổ tiên nói chung, nhắc nhở mỗi người biết trân trọng những gì mình đang có, nhắc nhở bổn phận làm con phải luôn nhớ đến công ơn sinh dưỡng của cha mẹ mà làm những việc hiếu nghĩa để thể hiện tình cảm, lòng biết ơn.

Kể từ khi Phật giáo được truyền vào Việt Nam, ngày lễ Vu Lan (ngày Rằm tháng Bảy âm lịch hằng năm) đã trở thành truyền thống của tinh thần báo hiếu, báo ân, phù hợp với tinh thần tín ngưỡng thờ tổ tiên thiêng liêng của người dân Việt.

Qua hàng nghìn năm, Vu Lan báo hiếu luôn là một trong những ngày lễ có sức sống văn hóa mãnh liệt nhất trong đời sống tinh thần của mỗi người dân Việt Nam chúng ta.

Ngày nay, lễ Vu Lan không đơn thuần chỉ có ý nghĩa tôn giáo thiêng liêng mà đã trở thành “lễ hội văn hóa tình người”. Pháp hội Vu Lan còn có ý nghĩa đặc biệt sâu sắc, hướng mỗi người trở về với cội nguồn dân tộc, về với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” với tổ tiên.

Bảo tháp Mandala Tây Thiên trong tiết Vu lan tháng Bảy

Bông hồng cài áo

Đúng 8 giờ đàn lễ được khai mở bằng hồi trống Bát Nhã của Sư thầy trụ trì gióng lên âm vang trong lòng ngôi Bảo tháp thiêng. 
Một đoàn rước gồm 12 Phật tử trong lễ phục trang nghiêm thay vì đại chúng dâng Lục cúng (trầm, hoa, hương, đèn, thực phẩm, trà) lên Tam Bảo. Tất thảy cùng nương vào năng lượng nhiệm màu từ đàn pháp để sám hối mọi lỗi lầm, đồng thời gửi gắm lời nguyện cầu sức khỏe bình an cho cha mẹ ở hiện tại, thắp nén tâm hương nhớ về người đã khuất. Pháp hội dành 1 phút im lặng tưởng nhớ ơn đức đấng sinh thành.

Nghi thức bông hồng cài áo được cử hành trong âm nhạc với sự cúng dàng tiếng hát của nhóm ca sĩ phật tử Phạm Văn Trung (ca khúc Bông hồng cài áo, Hoa hồng trắng), ca sĩ Dương Minh (Lòng mẹ, Tình cha), ca sĩ Phạm Thùy Linh (Mẹ yêu). 

Rất nhiều hoa hồng đỏ, hồng nhạt và bông hồng sắc trắng được cài lên ngực áo, thêm một lần nữa nhắc nhớ người làm con dù còn trẻ hay đã già về ân đức sinh thành của mẹ cha. 

Bảy vòng nhiễu tháp vi diệu

Đại lễ Vu Lan năm nay ở Bảo tháp Tây Thiên có phần đặc biệt hơn những mùa trước. Thêm vào các nghi lễ truyền thống: đọc tụng Kinh Vu Lan bồn, khóa lễ phóng sinh, cùng dàng đèn bơ; lần đầu tiên đại chúng cùng thực hành khóa lễ Mật thừa với pháp tu trì Lục Độ Phật Mẫu Tara (Đức Phật Quan Âm Tara) và đi nhiễu theo chiều kim đồng hồ 7 vòng (hoặc 13) quanh ngôi Bảo tháp giác ngộ. 

Đại chúng dành vòng nhiễu tháp thứ 7 hướng lên Tam Bảo đem công đức thực hành chuyên cần trong ngày một lần nữa cầu nguyện tới cha mẹ hiện đời được trường thọ và an vui, các bậc tiền nhân tiên tổ và chúng sinh mẹ được giải thoát, và cuối cùng là bản thân mình cũng được năng lượng bình an, thành tựu tâm nguyện...

Chị Nguyễn Thanh từ Tp Hồ Chí Minh ra dự lễ chia sẻ: “Tôi và nhiều Phật tử tin tưởng, cảm nhận rằng với những năng lực gia trì vô cùng linh thiêng đó, với sự hội tụ của vô số các nhân duyên cát tường, tâm nguyện ngày Vu Lan của toàn thể đại chúng hôm nay đã được thành tựu viên mãn”. 

Đoàn Bổng,  Vân Anh, Phạm Bằng