Nhiều năm công tác, giảng dạy và tham gia xây dựng các chính sách liên quan đến biển, nghề cá và môi trường, Phó Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Chu Hồi hiểu khá rõ những kết quả đạt được cũng như những khó khăn, thách thức cần tiếp tục vượt qua trong hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học biển, ven biển tại Việt Nam.
Bảo tồn rùa biển Việt Nam
Ông Hồi cho biết, biển Việt Nam hiện có 5 loài rùa biển sinh sống gồm: Vích, đồi mồi, đồi mồi dứa, quản đồng và rùa da. Tất cả các loài rùa biển đều nằm trong Danh sách đỏ về các loài động thực vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng tại Việt Nam.
Ngoài hình thức khu bảo tồn biển ở cấp độ hệ sinh thái, ở nước ta cũng đã tiến hành bảo tồn nơi sinh cư tự nhiên (Habitat) của loài.
Năm 2004, Bộ Thủy sản (cũ) đã phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về bảo tồn rùa biển Việt Nam đến năm 2010, góp phần thực hiện chiến lược bảo tồn đa dạng sinh học nói chung và bảo tồn biển nói riêng.
Tháng 3/2016, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Quyết định số 811 ngày 14/3/2016 về việc phê duyệt Kế hoạch hành động bảo tồn rùa biển Việt Nam giai đoạn 2016 - 2025 với mục tiêu bảo tồn, bảo vệ hiệu quả, bền vững các quần thể rùa biển và nơi sinh cư của chúng tại Việt Nam.
Tuy nhiên, các quần thể rùa tại Việt Nam vẫn đứng trước nhiều mối nguy cơ đe dọa như: Quần thể rùa biển sinh sản tiếp tục bị suy giảm về cả số loài, số cá thể trong loài và khu vực lên đẻ; số lượng rùa biển bị đánh bắt không chủ ý ngày càng tăng; hiện tượng buôn bán, tiêu thụ rùa biển và các sản phẩm từ rùa biển bất hợp pháp vẫn còn diễn ra tại các địa phương; nơi sinh sống và kiếm ăn của rùa biển tiếp tục bị suy thoái; công tác quản lý, bảo tồn đa dạng sinh học nói chung và rùa biển nói riêng còn hạn chế…
Bảo vệ các loài nguy cấp, quý hiếm
Ông Hồi lưu ý, trong khoảng 100 loài sinh vật biển quý hiếm và có nguy cơ bị đe dọa của
nước ta đã được đưa vào Sách đỏ Việt Nam và Danh mục đỏ IUCN để yêu cầu phải có biện pháp bảo vệ, thì có 37 loài cá biển, 6 loài san hô, 5 loài da gai, 4 loài tôm rồng, 1 loài sam, 21 loài ốc, 6 loài hai mảnh vỏ, 3 loài mực. Hiện nhiều loài thủy sản quý, hiếm đang có nguy cơ bị đe dọa tuyệt chủng cao là rùa biển.
Thực hiện Nghị định số 26 ngày 8/3/2019 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản, sở nông nghiệp và phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố đã tổ chức tuyên truyền cho ngư dân; tổ chức thanh tra, kiểm tra, kiểm soát tàu cá xuất, nhập cảng cá tại các văn phòng đại diện nhằm ngăn chặn, xử lý hành vi khai thác, vận chuyển, buôn bán, nuôi nhốt các loài động vật hoang dã nguy cấp theo quy định của Công ước CITES; thường xuyên theo dõi sản lượng khai thác bốc dỡ qua cảng, đặc biệt nghiêm cấm ngư dân đưa các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm lên cảng tiêu thụ; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Ngoài rùa biển, Tổng cục Thủy sản còn triển khai xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia bảo tồn các loài cá mập, cá đuối. Để bảo tồn các loài thủy sản đặc hữu, quý, hiếm, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản cũng như công tác bảo tồn, tái tạo các loài hải sản quý hiểm, như Luật Thủy sản năm 2017.
Tuy vậy, công tác bảo tồn các loài thủy, hải sản quý, hiếm ở Việt Nam còn nhiều hạn chế, do nhận thức của người dân còn thấp, nhiều người còn chưa biết cách nhận diện loài hải sản quý, hiếm. Một số địa phương đã triển khai các dự án bảo tồn, nhân giống, nhưng mới thực hiện ở diện tích hẹp, trong khi các loài thủy sản tự nhiên thường hoạt động rộng.
Công tác cứu hộ các loài thủy, hải sản quý, hiếm cũng chưa được quan tâm thích đáng. Tình trạng người dân đánh bắt các loài thủy, hải sản quý, hiếm vẫn diễn ra tại nhiều địa phương, trong khi chế tài xử phạt việc buôn bán, sử dụng các loài thủy sản quý, hiếm chưa đủ sức răn đe.