Hiện nay, vùng đồng bằng sông Hồng có khoảng 7500 làng truyền thống có lịch sử hình thành từ hàng ngàn năm, cấu trúc ổn định phổ biến khoảng từ 400-500 năm, mới nhất là khoảng 200 năm tại vùng lấn biển Thái Bình, Ninh Bình.

W-dongngac-2.png
Một góc làng cổ Đông Ngạc, Hà Nội

PGS.TS. Phạm Hùng Cường – Đại học Xây dựng cho hay, qua khảo sát khoảng 50 làng truyền thống tiêu biểu trong vùng như Cổ Am (Hải Phòng), làng Nôm (Hưng Yên), làng Keo (Thái Bình), làng Hành Thiện (Nam Định)… trong năm 2018-2019 cho thấy các giá trị di sản trong các làng truyền thống dù đã mai một vẫn còn rất phong phú, cả về số lượng lẫn loại hình.

Nhìn chung, đó là di sản văn hóa về việc xây dựng môi trường cư trú có tính bền vững, tồn tại hàng trăm, hàng ngàn năm. Trên khía cạnh di sản vật thể đó là các giá trị: Giá trị di sản về cấu trúc không gian; giá trị di sản kiến trúc công trình công cộng và nhà ở; giá trị di sản cảnh quan, cây xanh đặc trưng; giá trị xây dựng, sử dụng vật liệu, kinh nghiệm bản địa; giá trị môi trường sinh thái, sinh thái nhân văn; giá trị tích hợp lồng ghép các giá trị văn hóa phi vật thể.

Những giá trị đó đã được khẳng định qua các nghiên cứu, quy hoạch bảo tồn tôn tạo các làng cổ ở Đường Lâm, các hoạt động công nhận, xếp hạng, bảo tồn rất nhiều Di tích lịch sử văn hóa trong vùng theo Luật Di sản văn hóa. Tuy nhiên, vẫn còn các giá trị khác của di sản chưa được nhìn nhận đầy đủ dẫn đến dễ xảy ra xung đột trong công tác bảo tồn. Đó là “Giá trị kế thừa, bổ sung trong bối cảnh đương đại”.

Những giá trị này được hình thành qua quá trình tồn tại của di sản, đặc biệt từ 1954 đến nay, dưới tác động của đời sống xã hội mới. 

PGS.TS. Phạm Hùng Cường nhấn mạnh, để bảo tồn được di sản, tất cả các giá trị đều phải được xem xét. Với hệ thống giá trị này, việc bảo tồn ” tĩnh” là rất khó khăn, vì vậy cần có phương pháp bảo tồn “thích ứng”, đó là bảo tồn tích hợp các giá trị, chuyển tiếp giá trị và bổ sung các giá trị của di sản phù hợp với bối cảnh của cuộc sống đương đại.

Phương pháp bảo tồn thích ứng rất phù hợp với mục tiêu phát triển, tạo lập không gian có bản sắc văn hóa trong quy hoạch nông thôn mới. Vì vậy, có thể vận dụng vào công tác bảo tồn các di sản làng truyền thống.

Qua nghiên cứu cũng cho thấy công tác quy hoạch nông thôn mới tác động toàn diện đến các di sản làng truyền thống bởi các công trình truyền thống vẫn là một thành tố để tạo nên cấu trúc chức năng và không gian làng.

"Sự phát triển mở rộng làng, sự bổ sung các chức năng mới theo 19 tiêu chí nông thôn mới có tác động tích cực đến di sản, di sản được bảo vệ, có nơi lại tác động xấu đến di sản với các giải pháp di dời, phá dỡ hoặc để xuống cấp đáng tiếc. Có nơi bảo tồn dạng “tĩnh”, di sản không phát huy được giá trị trong cuộc sống đương đại, sẽ khó gìn giữ lâu dài", PGS.TS. Phạm Hùng Cường nhận định.

Vĩnh Sang và nhóm PV, BTV