Bắc Giang là tỉnh miền núi với tổng dân số sinh sống trên 2 triệu người, trong đó người người dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm 14%. Vì thế, trong những năm qua công tác bảo tồn và giữ gìn bản sắc văn hóa của đồng bào DTTS luôn được địa phương chú trọng. 

Tỉnh Bắc Giang đã và đang nỗ lực triển khai thực hiện Dự án 6 Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch.

hoc tieng tay.jpg
Học sinh dân tộc Tày trường THCS Vân Sơn, huyện Sơn Động học tiếng mẹ đẻ. (Ảnh: Thu Trang) 

Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bắc Giang Vi Thanh Quyền cho biết, tổng số vốn dự án là 8.871 triệu đồng ngân sách Trung ương (vốn đầu tư phát triển 6.229 triệu đồng, vốn sự nghiệp văn hóa thông tin 2.642 triệu đồng).

Tỉnh đã giao Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, UBND các huyện thực hiện các nội dung: 

Hỗ trợ tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp di tích đối với các di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia tiêu biểu trên địa bàn huyện Yên Thế; bảo tồn các loại hình văn hóa phi vật thể tại huyện Sơn Động (gồm: lễ hội đua mảng, xã Long Sơn; lễ hội đình Vườn Hoa, xã Lệ Viễn; lễ hội đền Vua Bà, xã Vĩnh An).

Khảo sát, kiểm kê, sưu tầm, tư liệu hóa di sản văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Tày, Nùng trên địa bàn tỉnh.

Tổ chức các lớp tập huấn, truyền dạy văn hóa dân gian (Sơn Động 1 lớp; Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế, mỗi huyện 2 lớp).

Đồng thời tỉnh cũng hỗ trợ hoạt động cho các đội văn nghệ truyền thống (Sơn Động, Lục Ngạn, mỗi huyện 5 đội); hỗ trợ xây dựng tủ sách cộng đồng cho các xã thuộc các huyện: Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế và hỗ trợ nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú người DTTS. 

“Đến nay giải ngân vốn đầu tư 1.783 triệu đồng, bằng 28,6% kế hoạch; vốn sự nghiệp 2.042 triệu đồng, bằng 77,2% kế hoạch”, ông Vi Thanh Quyền thông tin. 

Được biết, mục tiêu, chỉ tiêu tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia có giá trị tiêu biểu của các dân tộc thiểu số, theo quy định phải có văn bản thỏa thuận của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch. 

Tuy nhiên, ông Quyền cho hay khi địa phương hoàn thành các thủ tục đề nghị Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch thẩm định, thỏa thuận thì bị kéo dài thời gian (chậm, muộn), gây nhiều khó khăn về tiến độ thời gian trong triển khai thực hiện giải ngân nguồn vốn; một số địa phương chưa nắm rõ các quy định về công tác đấu thầu, chỉ định thầu trong triển khai thực hiện, dẫn đến việc giải ngân nguồn vốn bị chậm, muộn.

Phần lớn lễ hội truyền thống trên địa bàn thường diễn ra vào dịp đầu năm, trong khi đó nguồn vốn được phân bổ vào dịp tháng 7/2022, nên việc triển khai thực hiện đã bị chậm lại vào dịp đầu năm 2023.