Luật Hôn nhân và Gia đình của Việt Nam (2014) chỉ rõ gia đình với các chức năng cơ bản là sinh đẻ, giáo dục, kinh tế. Tiến sĩ Trần Tuyết Ánh, Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ VH-TT&DL, cho rằng để xây dựng gia đình Việt Nam hạnh phúc trong bối cảnh hiện nay thì một trong những điều kiện tiên quyết là phải xác lập được hệ giá trị gia đình Việt Nam.

Hệ giá trị gia đình được khẳng định là một thành tố quan trọng cấu thành nên hệ giá trị quốc gia. Trong xã hội hiện đại, gia đình cần được xây dựng, bảo vệ và phát triển dựa trên 4 giá trị cốt lõi, đó là: Ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh.  

Phân tích cụ thể, PGS.TS Đặng Thị Hoa, Viện Tâm lý học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, giá trị ấm no được đo bằng chất lượng cuộc sống của gia đình với các biểu hiện về kinh tế - vật chất và thể chất, trước hết là thỏa mãn các nhu cầu ăn, mặc, ở, học hành và giải trí của các thành viên một cách tương đối đầy đủ; cho các thành viên có cơ hội phát triển về tài năng, trí tuệ, sức khỏe và khả năng đóng góp với gia đình và xã hội.

W-thachthao-giadinh
Trong xã hội hiện đại, gia đình cần được xây dựng, bảo vệ và phát triển dựa trên 4 giá trị cốt lõi, đó là: Ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh. 

Giá trị ấm no của gia đình hiện nay đang hướng đến ăn ngon, mặc đẹp, có nhà ở, chỗ ở riêng; có đủ tiện nghi sinh hoạt; thu nhập ổn định; có việc làm theo sở thích và khả năng; có phương tiện đi lại phù hợp với sở thích; khỏe mạnh, trường thọ, có tích lũy và sống trong môi trường tự nhiên, xã hội ôn hòa, không ô nhiễm.

Mọi sự phát triển của xã hội đều hướng tới sự ấm no của gia đình, hướng tới mang lại hạnh phúc cho con người. Giá trị ấm no trong thời kỳ mới đòi hỏi các chính sách, chiến lược phát triển gia đình phải đáp ứng được yêu cầu đầy đủ về vật chất, hạ tầng, cải thiện tiện nghi sinh hoạt và môi trường sống của mỗi gia đình.

Giá trị cốt lõi thứ 2 của gia đình là hạnh phúc. PGS Đặng Thị Hoa nhận định, theo quan niệm của người Việt Nam, hạnh phúc gia đình là sự yêu thương, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con cháu, kính trọng hiếu thảo với ông bà, cha mẹ; là cuộc sống đủ đầy về vật chất và tinh thần.

Giá trị hạnh phúc của gia đình được biểu hiện rõ nét thông qua các mối quan hệ giữa các thành viên, đó là sự hòa thuận, vui vẻ, đầm ấm; con cái chăm ngoan; có quan hệ với họ hàng, hàng xóm láng giềng thân thiện, vui vẻ. Cách sống có trách nhiệm, sự tin tưởng lẫn nhau giữa các thành viên, để mỗi người đều cảm nhận sự bình yên trong ngôi nhà, là những yếu tố quan trọng tạo dựng nên một gia đình hạnh phúc. 

Giá trị tiến bộ cũng là yếu tố quan trọng, thể hiện rõ dấu ấn thời kỳ hội nhập, hiện đại, được cụ thể hóa bằng sự bình đẳng trong gia đình. Mối quan hệ gia đình được vun đắp bền vững, tốt đẹp dựa trên sự phân công hợp lý và tích cực cũng như sự giúp đỡ hỗ trợ của các thành viên, qua đó phát huy tối đa các khả năng cá nhân trong xây dựng và phát triển gia đình.

Bình đẳng giữa vợ và chồng trong gia đình được thể hiện và đề cao thông qua sự trao đổi, bàn bạc, thống nhất trong phân công công việc, nuôi dạy và chăm sóc con cái, kinh tế và thu nhập, nghĩa vụ và trách nhiệm hay các hoạt động đối nội, đối ngoại. Trong mối quan hệ ông bà, cha mẹ và con cháu, giá trị bình đẳng được thể hiện ở sự lắng nghe, chia sẻ, cảm thông nhằm đạt tới sự thấu hiểu và tôn trọng.

Gia đình tiến bộ được xây dựng trên cơ sở tình yêu, sự tôn trọng và bình đẳng; được thể hiện trong việc tự do lựa chọn bạn đời, tham gia sản xuất và hưởng thụ thành quả lao động; ngăn chặn bạo lực gia đình và những bất công, mâu thuẫn giữa các thành viên.

Trong cuộc vận động xây dựng gia đình văn hóa, thực hiện nếp sống mới, các tiêu chí đều hướng đến xây dựng gia đình bình đẳng, tôn trọng, yêu thương và có cảm giác thoải mái.  

Đi cùng với tiến bộ, bình đẳng, một giá trị cốt lõi của gia đình hiện đại là văn minh. Đó là các biểu hiện của phương thức ứng xử văn hóa, sự tôn trọng, chia sẻ, thực hiện các quyền bình đẳng giữa các thành viên trong gia đình nhưng luôn đề cao giá trị đạo đức, nhân cách.

Gia đình văn minh luôn chú trọng nâng cao các giá trị giao tiếp ứng xử đạt tới mức độ văn minh; tiếp thu có chọn lọc các giá trị tiến bộ mới từ bên ngoài để bổ sung, điều chỉnh, gạn lọc các phương thức ứng xử, giao tiếp, các mối quan hệ trong gia đình...

Có thể nói, hệ giá trị gia đình chính là phần hồn cốt của gia đình, cũng chính là phần lõi của hệ giá trị quốc gia, dân tộc. Việc phát huy những yếu tố truyền thống tích cực và tiếp thu những giá trị mới sẽ làm phong phú thêm hệ giá trị gia đình Việt Nam, tăng thêm tính cố kết trong mỗi gia đình, dòng họ, cộng đồng.

Phạm Thiện và nhóm PV, BTV