Bánh chưng nhân thịt bò và cá hồi hữu cơ

Năm nay, một chuỗi thực phẩm sạch đã tung ra thị trường hai loại bánh chưng độc đáo với nhân thịt bò hữu cơ Obe. Đại diện hệ thống này cho biết, thịt bò và cá hồi đều là những thực phẩm có chứng nhận hữu cơ USDA và EU, vì thế, khi ăn, thực khách sẽ cảm nhận được vị ngọt, đậm đà tự nhiên. 

Do làm từ nguyên liệu hữu cơ nên giá thành của những loại bánh chưng này khá cao. Theo đó, bánh chưng thịt bò Obe có giá 259.000 đồng/chiếc nặng 1,1 kg. Cùng trọng lượng đó, bánh chưng nhân cá hồi hữu cơ lại có giá 299.000 đồng/chiếc.

{keywords}
Bánh chưng nhân thịt bò Obe (Ảnh: Organic Food)

Bánh chưng nhân thịt cua Cà Mau

Cũng nhằm phục vụ người tiêu dùng những loại bánh chưng "độc, lạ", năm nay, một doanh nghiệp cho ra mắt thị trường dòng bánh chưng nhân thịt cua Cà Mau độc đáo. Giá bán lẻ của một chiếc bánh chưng nhân thịt cua là 199.000 đồng.

{keywords}
Thịt cua Cà Mau lần đầu được sử dụng làm nhân bánh chưng (Ảnh: Vua Cua)

Đại diện doanh nghiệp này chia sẻ, đây là lần đầu tiên thịt cua Cà Mau được sử dụng làm nhân bánh chưng Tết nhưng sức mua sản phẩm này đang khá tốt. Điểm đặc biệt của bánh chưng thương hiệu Vua Cua là được làm từ nếp nương Điện Biên cao cấp kết hợp cùng nhân thịt cua đặc trưng Cà Mau chính hiệu.

Bánh chưng nhân cá kho làng Vũ Đại

Bánh chưng nhân cá kho làng Vũ Đại mới xuất hiện trên thị trường khoảng 2 năm trở lại đây, thu hút người tiêu dùng nhờ hương vị độc đáo.

{keywords}
Bánh chưng nhân cá kho (Ảnh: Phụ Nữ Việt Nam)

Vị cá nhạt chứ không mặn như kiểu kho truyền thống, thịt cá mềm nhừ, kết hợp với thịt lợn và đỗ xanh đậm đà lạ miệng nhưng rất dễ ăn. Khi cắt ra thì bánh có lớp vỏ đủ dày, phần nhân phong phú gồm đỗ xanh, thịt ba chỉ mỡ và cá kho. Bánh chưng nhân cá kho có giá 80.000 đồng/chiếc.

Bánh chưng nhân cá suối

Bánh chưng nhân cá bống suối là món ăn truyền thống độc đáo của người Thái ở miền Tây Thanh Hóa. Theo An Ninh Thế Giới, cách làm bánh chưng nhân cá suối cổ truyền có khá nhiều công đoạn. Nhân bánh là cá bống suối muối chua và một gia vị không thể thiếu: rau thì là. Sau khi gói ghém kỹ, bánh chưng sẽ được cho vào nồi tiếp tục đồ lần thứ hai, đến khi chín kỹ.

Bánh chưng của người Thái xứ Thanh cần đồ xôi nếp đến 2 lần chứ không nấu dền nhiều giờ như người miền xuôi.

{keywords}
Bánh chưng nhân cá chua được người Thái ưa thích (Ảnh: An Ninh Thế Giới)

Loại bánh chưng này có mùi rất thơm, dẻo ngon hơn xôi nhưng lại không ngấy ngán như bánh chưng miền xuôi. Nhân bánh rất chắc, không còn mùi tanh của cá.

Bánh chưng đen

Bánh chưng đen là đặc sản mừng năm mới của người Tày ở huyện Bắc Sơn (Lạng Sơn). Loại bánh chưng này có nhiều nét khác biệt so với bánh chưng xanh. Bánh chưng đen thường được gói dài chứ không phải vuông như bánh chưng xanh.

{keywords}
Bánh chưng đen (Ảnh: Người Lao Động)

Để gói bánh chưng đen chuẩn, ngon, người Tày phải lấy gạo nếp trồng ở nương cao, đỗ xanh bóc vỏ và đặc biệt phải có tro đen đốt từ thân cây núc nác hoặc rơm nếp. Gạo nếp được đãi sạch rồi trộn với tro đen. Gạo, đỗ được thêm gia vị, sau đó đem gói với nhân là thịt heo ba chỉ. Gói bánh chưng đen cũng là loại lá dong quen thuộc.

Người Tày làm bánh chưng đen để thờ cúng ông bà, tổ tiên và dùng để thiết đãi khách ngày Tết. Bánh chưng đen được bán trên thị trường với giá khoảng 150.000 đồng/chiếc.

Bánh chưng gạo lứt

So với bánh chưng đen, món bánh chưng gạo lứt có màu sắc ưa nhìn hơn nhưng độ độc đáo cũng không hề thua kém. Món bánh này được tạo ra để bắt kịp xu hướng “ăn gạo lứt giảm cân” của nhiều chị em phụ nữ.

{keywords}
Bánh chưng gạo lứt (Ảnh: Kinh tế và Đô thị)

Cách chế biến bánh chưng gạo lứt tương tự bánh chưng truyền thống, với nhân đậu xanh, thịt ba chỉ tươi, hạt tiêu và gói bằng lá dong. Nhưng thay vì gạo nếp bình thường, vỏ bánh được làm bằng gạo lứt. Người làm có thể chọn gạo lứt đen, gạo lứt tím, đỏ hoặc kết hợp với nhau theo tỷ lệ nhất định.

Dù bánh chưng gạo lứt được bán với giá khá đắt, khoảng 55.000-100.000 đồng/cái nhưng vẫn được đông đảo chị em tìm mua.

Bánh chưng thảo dược

Bánh chưng thảo dược là món ăn truyền thống của người Mường ở Yên Lập, tỉnh Phú Thọ. Báo Dân Việt cho hay, nguyên liệu để làm bánh chưng thảo dược được người Mường chọn lựa kỹ càng gồm có lá dong, gạo nếp Mỹ Lung, đỗ xanh, thịt nhiều mỡ thái mỏng, ướp với gia vị và hạt tiêu.

Đặc biệt, để tạo màu đen cho bánh, người Mường Yên Lập lấy lá gùn, lá gai, lá cầm trên rừng phơi qua rồi đem đốt, giã mịn như bột, hòa vào nước trộn lẫn với gạo nếp, đảo đều cho đến khi gạo quyện với bột than thành màu đen.

{keywords}
Bánh chưng dược liệu (Ảnh: Dân Việt)

Theo người dân nơi đây, các loại lá cây rừng để làm bánh chưng thảo dược không chỉ tạo cho chiếc bánh một hương vị riêng, màu sắc độc đáo, mà còn có tác dụng thanh nhiệt. Bánh chưng thảo dược giờ đây trở thành món ẩm thực độc đáo với nhiều du khách trong nước và nước ngoài mỗi khi đến với các bản Mường ở Yên Lập.

Hạnh Nguyên (Tổng hợp)

Làng gói bánh chưng nhanh như "chớp", chưa đầy 30 giây xong một cái

Làng gói bánh chưng nhanh như "chớp", chưa đầy 30 giây xong một cái

Không cần dùng đến khuôn, người dân ở làng bánh chưng Tranh Khúc (Thanh Trì, Hà Nội) chỉ mất chưa đến 30 giây để xong một chiếc bánh, một người thợ có thể gói đến 2000 chiếc bánh/ ngày.