Cách đây khoảng 2 năm, nhiều người nghĩ TikTok là mạng xã hội rất “nhảm nhí” khi xuất hiện hàng loạt các video ngắn với nội dung vô bổ.
Song, cũng trên nền mạng xã hội TikTok, nhiều bạn trẻ đã kể câu chuyện đầy chân thực và gần gũi về các loại nông sản, đặc sản vùng miền, về cuộc sống ở làng quê… thông qua những đoạn video ngắn. Từ đó, nông sản không chỉ được quảng bá theo cách thức đầy mới mẻ mà còn tiếp cận được lượng khách khủng.
Hot TikToker Chảo Thị Yến ở xã Nậm Chạc (Bát Xát, Lào Cai) trước kia từng nghĩ việc livestream bán hàng sẽ khiến giá trị bản thân đi xuống. Yến rất ngại khi mọi người nói thạc sĩ du học nước ngoài về cũng chỉ livestream, bán hàng online… Nhưng rồi cô nhận thấy livestream là một nghề được xã hội đón nhận.
Cứ thế, hàng ngày cô lại quay video quảng bá về ẩm thực, văn hóa, phong tục tập quán… của người dân bản địa quê mình rồi chia sẻ lên mạng xã hội. Những video giới thiệu về sản vật quê hương của Yến mang lại hiệu quả lớn cả về mặt hình ảnh lẫn giá trị kinh tế, tạo sinh kế cho cộng đồng.
Lê Thị Trang với tên trên mạng xã hội “Trang ở Đắk Lắk” cũng bắt đầu khám phá nền tảng TikTok khi dịch Covid-19 bùng phát. Cô quay và chia sẻ những video chất lượng về cuộc sống tại vùng quê, truyền cảm hứng cho các bạn trẻ về nghề nông và vẻ đẹp tự nhiên độc đáo tại Đắk Lắk. Đồng thời, cô giúp nhiều người hiểu rõ kiến thức về cây trồng và cách chế biến nông sản.
Kênh TikTok “Trang ở Đắk Lắk” có gần 1 triệu người theo dõi và hơn 22,6 triệu lượt thích. Thông qua nền tảng mạng xã hội, cô giúp người nông dân bán được nông sản, góp phần quảng bá và nâng cao giá trị nông sản, mang lại lợi ích cho người nông dân.
Làm video ngắn quảng bá nông sản, livestream bán các sản phẩm này trên nền tảng TikTok trở thành xu hướng của bạn trẻ hiện nay. Một số TikToker còn đi khắp các tỉnh dạy người nông dân livestream bán hàng, hướng dẫn bà con cách kể câu chuyện về nông sản để người tiêu dùng hiểu và tin dùng sản phẩm.
“Bán hàng trên các nền tảng số đang là mảnh đất màu mỡ. Ở nước ta có rất nhiều nông sản ngon, sản phẩm OCOP nổi tiếng nhưng không được quảng bá rộng rãi, người tiêu dùng cũng chưa hiểu nhiều về câu chuyện làm ra các sản phẩm này. Bởi vậy, mình đi các tỉnh để mở các lớp dạy livestream miễn phí, giúp bà con tự quảng bá và bán các sản phẩm của mình trên chợ online”, TikToker Trần Phương Dung chia sẻ.
Điều đáng nói, các TikToker đang bắt tay với người nông dân để đưa nông sản lên TikTok Shop - chợ thương mại điện tử mới ở nước ta.
Cuối tháng 6 vừa qua, các TikToker đã có mặt tại Bắc Giang để thực hiện chiến dịch truyền thông hashtag "Hello Bắc Giang" và "Bắc Giang đa sắc”, nhằm quảng bá du lịch, nông sản của tỉnh. Hơn 30 triệu người theo dõi các video về Bắc Giang khoảng thời gian này.
Sau các phiên livestream, gần 50 tấn vải thiều, một lượng lớn thịt trâu gác bếp, mì Chũ và các sản phẩm OCOP khác của Bắc Giang đã được chốt bán.
Không chỉ ở Bắc Giang, năm nay Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ NN-PTNT) cũng phối hợp với TikTok mở “Chợ phiên OCOP 4.0” tại nhiều tỉnh thành. Ở đó, các nhà sáng tạo nội dung sẽ quảng bá sản phẩm OCOP địa phương thông qua những video ngắn, đồng thời thực hiện livestream bán hàng trên nền tảng TikTok…
Theo chủ trương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, TikTok với vai trò đối tác chiến lược đã không ngừng đưa ra những sáng kiến mới nhằm xúc tiến thương mại nông thôn, tạo động lực tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu.
Thông qua dự án này, TikTok đặt mục tiêu cải thiện sinh kế của 20.000 nông dân địa phương, người dân thuộc các làng nghề thủ công và các doanh nghiệp nhỏ trải dài trên khắp 63 tỉnh thành của Việt Nam, đồng thời góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống địa phương và thúc đẩy du lịch trên các vùng miền.
Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, không có sức mạnh nào bằng sức mạnh của chuyển đổi số. Chúng ta cần tiếp cận tốt hơn với thị trường trong nước thông qua các kênh thương mại điện tử, bán hàng trực tuyến trên các nền tảng mạng xã hội tương tác.
Các bạn trẻ thường dành nhiều thời gian cho mạng xã hội, nhanh nhạy với công nghệ số. Thế nên, nhà nông, doanh nghiệp… cần tính tới chuyện hợp tác để quảng bá và bán nông sản trên các nền tảng mạng xã hội một cách chuyên nghiệp hơn.
Bộ trưởng dẫn chứng, tỉnh Bắc Giang đã chủ động kết nối nhiều hình thức đa dạng, mới lạ, thu hút sự tham gia của các nhà sáng tạo nội dung đến từ nhiều vùng miền khác nhau, để xúc tiến tiêu thụ vải thiều trên nền tảng TikTok.
Theo ông, đây là “những chiếc cầu” để người nông dân chủ động nâng cấp, cập nhật, mở những con đường khác đưa nông sản ra thị trường, chứ không chỉ là những phương cách truyền thống lâu nay.
“Song song với việc chuyển nông sản đến với chợ, đến thị trường, thì giờ đây, nhiều nơi đang chủ động, mạnh dạn đưa chợ, đưa thị trường, mời người tiêu dùng, mời du khách về với vườn ruộng của mình”, Bộ trưởng Hoan nhìn nhận.