Chủ tịch HĐQT CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAG) Đoàn Nguyên Đức (Bầu Đức) vừa thông báo đăng ký chuyển nhượng 35 triệu đơn vị theo phương thức thỏa thuận từ ngày 13/11 đến 12/12 để làm tài sản bảo đảm tái cơ cấu khoản vay.

Quyết định này được đưa ra chưa đầy 2 tuần sau khi ông Đoàn Nguyên Đức chi khoảng 240 tỷ đồng mua thỏa thuận 50 triệu cổ phiếu Hoàng Anh Gia Lai để tăng tỷ lệ sở hữu tại doanh nghiệp của mình.

Như vậy, nếu Bầu Đức bán thành công 35 triệu cổ phiếu HAG thì sở hữu tại HAG sẽ giảm từ 377 triệu cổ phiếu (tương đương 40,62%) xuống còn 342 triệu cổ phiếu (tương đương 36,85%).

Cổ phiếu HAG giảm liên tục 5 phiên gần đây từ mức 4.620 đồng xuống còn 4.470 đồng/cp như hiện tại.

Mặc dù đã tái cấu mạnh mẽ thông qua việc bán nhiều tài sản từ bất động sản, thủy điện cho tới mía đường,... nhưng Hoàng Anh Gia Lai của Bầu Đức vẫn còn nhiều khó khăn.

Doan h thu của HAGL gần đây có xu hướng tăng nhưng lỗ ròng nhiều quý. Lũy kế 9 tháng, HAG lỗ hợp nhất trước thuế hơn 701 tỷ đồng. Trong năm 2020, HAG đặt kế hoạch doanh thu thuần ở mức 5.082 tỷ đồng và lỗ hợp nhất trước thuế 356 tỷ đồng, thấp hơn so với mức lỗ 1,809 tỷ đồng của năm 2019.

{keywords}
Doanh  nghiệp của Bầu Đức còn nhiều khó khăn.

HAGL tiếp tục bị công ty kiểm toán đưa ra ý kiến kiểm toán ngoại trừ liên quan đến các khoản phải thu ngắn hạn và dài hạn tồn từ 2017 cho tới nay. Một điểm cũng đáng lưu ý là nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn với số tiền lên tới gần 1.400 tỷ đồng. Cổ phiếu HAG tiếp tục nằm trong diện cảnh báo.

Sau 10 năm thua lỗ và bán tài sản trả nợ, Bầu Đức vẫn có khối tài sản cá nhân lớn, thuộc nhóm siêu giàu với khoảng 1.800 tỷ đồng nhưng chưa vực dậy được doanh nghiệp của mình.

Ông Đoàn Nguyên Đức từng là người giàu nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong 2 năm 2008-2009, với tài sản khi đó khoảng 6.200 tỷ đồng. Vị trí giàu nhất từ 2010 tới giờ thuộc về tỷ phú Phạm Nhật Vượng.

Trong một thập kỷ qua, các doanh nghiệp của Bầu Đức gặp rất nhiều khó khăn do đầu tư dàn trải trên nhiều lĩnh vực. Cú đảo chiều từ bất động sản và thủy điện sang lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có trồng cây cao su đã không được như kỳ vọng. Giá cao su giảm mạnh khiến những tính toán của Bầu Đức không trở thành hiện thực.

Những dự án nuôi bò, trồng mía, trồng ớt... lấy ngắn nuôi dài cũng không có kết quả như mong muốn. Ông Đức đã bán mảng trồng mía cho Thành Thành Công của nhà ông Đặng Văn Thành.

Hiện HAGL tập trung vào mảng chủ lực là cây ăn trái với sự hỗ trợ từ một cổ đông lớn mới là Thaco của tỷ phú Trần Bá Dương. Bầu Đức tham vọng xây dựng một đế chế nông nghiệp ở khu vực Đông Nam Á.

Sự ổn định tương đối trở lại của HAGL giúp giá cổ phiếu HAG hồi phục. Bên cạnh đó, Bầu Đức vẫn còn giữ lại được vườn cao su rộng lớn lên tới hơn 30 nghìn hecta, dự kiến sẽ được khai thác toàn bộ vào 2022.

Tham vọng cuối của Bầu Đức giờ là mảng nông nghiệp. HAGL Agrico (HNG) sau thời gian tái cấu trúc cùng với sự tham gia của Thaco của ông Trần Bá Dương gần đây cũng đã nhận được tín hiệu tích cực.

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), đầu giờ sáng 12/11, chỉ số VN-Index tăng nhẹ và đang ở trên ngưỡng 950 điểm.

Nhiều công ty chứng khoán có các dự báo thận trọng.

Theo BVSC, VN-Index dự báo sẽ tăng điểm nhẹ với diễn biến giằng co, tăng giảm đan xen trong phiên 12/11. Về xu hướng tổng thể, BVSC vẫn duy trì quan điểm cho rằng, chỉ số sẽ hình thành các nhịp tăng giảm trong vùng 900-910 điểm cho đến vùng 970-990 điểm để tạo nền giá tích lũy mới trong ngắn hạn. Biến động tích cực của thị trường chứng khoán thế giới sẽ hỗ trợ cho đà đi lên của thị trường. Nhà đầu tư cũng sẽ bắt đầu hướng sự chú ý nhiều hơn đến các thông tin về kết quả kinh doanh quý 4 và cả năm 2020 của các doanh nghiệp niêm yết.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 11/11, VN-Index tăng 0,32 điểm lên 952,22 điểm; HNX-Index tăng 0,45 điểm lên 141,82 điểm. Upcom-Index tăng 0,87 điểm lên 65,03 điểm. Thanh khoản đạt 8,6 nghìn tỷ đồng.

V. Hà