Ai đến Tam Kỳ cũng đều ngờ ngàng trước căn nhà sàn cổ của người Thái vùng Tây Bắc có tuổi đời trên 200 năm được dựng ngay trên mảnh đất rộng hơn 1.200 m2 tại số 4 đường Trần Quí Cáp, Thành phố Tam Kỳ. Chủ nhân căn nhà cổ vô giá này là ông Trương Quốc Sỹ.
“Căn nhà ni tui mua lại của một tay chuyên buôn nhà cổ ở vùng Tây bắc cách đây 8 năm với giá 200 triệu đồng, sau đó đưa về tu bổ phục hồi nguyên trạng tại thời điểm đó hơn 1,6 tỷ đồng và dựng tại Quảng Ninh, rồi về Hà Tình. Do công việc làm ăn nên tui chuyển vô Quảng Nam dựng cách đây hơn 3 năm”, ông Sỹ kể.
Nhà sàn cổ 200 tuổi và tảng đá quý 14 tấn. |
Theo ông Sỹ, trong cuộc đời bôn ba làm ăn nơi xứ người có hai thứ mà ông luôn luôn mang theo bên mình khi đến vùng đất mới là căn nhà sàn cổ của người Thái vùng Tây Bắc và tảng đá Ô ban mã não nặng 14 tấn có giá hơn 7,5 tỷ đồng.
Mỗi khi đến miền đất mới để làm ăn, việc đầu tiên là ông thuê thợ dỡ căn nhà cổ người Thái vùng Tây Bắc bằng gỗ đỏ quí hiếm xếp lên xe đưa theo dựng làm văn phòng công ty. Việc thứ hai là tìm xe cẩu hạng nặng cẩu lên xe tảng đá quí 14 tấn đặt trước cổng.
“Đây là hai thứ mà tui quí nhất trên đời trở thành vô giá. Nhiều người thích căn nhà cổ và tảng đá đã đến năn nỉ mua lại nhưng tất cả tui đều lắc đầu", ông Sỹ kể.
Căn nhà sàn cổ người Thái vùng Tây Bắc của ông Sỹ rộng hơn 100 m2 gồm ba gian 2 chái kiến trúc theo lối nhà sàn truyền thống của người Thái. Tất cả đều làm bằng gỗ đỏ quí hiếm, mái lợp ngói đỏ, phía dưới mái ngói được lát gỗ đỏ và sàn cũng được lát bằng gỗ.
|
Vẫn kiến trúc truyền thống nhà sàn người Thái vùng Tây Bắc, nhưng theo ông Sỹ, đây là căn nhà của một người có địa vị và giàu có xây cách đây hơn 200 năm, đến nay vẫn còn nguyên vẹn. Một số hư hỏng ở một số cây cột chính trong nhà cũng đã được ông Sỹ phục chế nguyên trạng.
Nơi căn nhà sàn cổ này ông Sỹ dùng làm văn phòng công ty. “Điều đặc biệt là mùa hè thì mát không cần phải bật điều hòa, còn mua đông thì ấm áp mặc dù các cửa vẫn được mở để thông thoáng khí”, ông Sỹ cho biết.
Nội thất trong căn nhà sàn cổ này rất đơn sơ, đáng quý nhất là bộ bàn ghế Đồng Kỵ được làm bằng gỗ Cẩm Lai quí hiếm đã lên nước thời gian, mà như lời ông Sỹ kể là bộ bàn ghế mà ông trân quí bởi đến bây giờ có tiền chưa chắc mua được.
Hỏi chuyện về tảng đá quí, ông Sỹ bảo đó là loại đá quí Ô ban mã não chỉ có ở mỏ đá huyện Đắk Min tỉnh Đắk Nông. “Đây là tảng đá nặng 14 tấn tui mua lại của một người dân chuyên khai thác đá quí vào năm 2009, với giá 2,5 tỷ đồng. Đây là tảng đá quí hiếm được Bộ VH-TT&DL cấp bằng công nhận Đá cảnh quí hiếm của Việt Nam, sau khi ông đưa tảng đá ra triển lãm tại Hà Nội nhân kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long".
Đưa tay chỉ tảng đá quí được đặt trước cổng công ty, ông Sỹ kể, viên đá này nặng 14 tấn, được xếp hạng thứ 10 các viên đá cảnh quí hiếm của Việt Nam. Hiện có một tảng đá quí nặng 45 tấn trị giá hơn 45 tỷ đồng của một đại gia ở Phù Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Đại gia này được giới chơi đá cảnh trong cả nước tôn là “đại ca” của làng đá cảnh, với tổng giá trị tài sản từ đá lên đến hơn 200 tỷ đồng
“Hôm tôi đưa tảng đá quí này ra Hà Nội triển lãm, đã có nhiều đại gia thích quá đến năn nỉ tôi để lại với giá 7,5 tỷ đồng. Nhưng tôi từ chối”, ông Sỹ khẳng định.
Ngay dưới tầng trệt căn nhà sàn cổ người Thái của ông Sỷ cơ man nào là những tảng đá cảnh quí hiếm và đồ gỗ toàn loại “khủng” có giá từ vài trăm triệu đến tiền tỷ. Tuy nhiên, theo ông Sỹ khẳng định, với người mê chơi đá cảnh và đồ gỗ thì tất cả những thứ sưu tầm được như ông đều vô giá, cho dù có nhiều tiền nếu không có duyên thì chưa chắc được.
“Ngay căn nhà sàn cổ người Thái và tảng đá cảnh quí hiếm nhờ có duyên nên tui mới sở hữu được. Đây là những vật thuộc dạng không mua - bán - đổi - cho”, ông Sỹ nói.
Vũ Trung