Bệnh nhi là bé H.A.D, quê ở Hải Dương. Chiều mùng 3 Tết, khi đang ở nhà ngoại tại Hải Phòng, bé đột nhiên bị tiêu chảy, gia đình tự chạy ra hiệu gần nhà mua thuốc cho bé uống.
Tuy nhiên, sau uống 4 giờ, bé lịm dần, được gia đình đưa vào khoa Thần kinh, Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng, với chẩn đoán hôn mê nghi viêm não.
Nói với bác sĩ, mẹ bé cho biết con trai vừa uống thuốc Loperamid - loại thuốc cầm tiêu chảy cấm dùng cho trẻ nhỏ dưới 6 tuổi. Bác sĩ cho hay bệnh nhi nếu cấp cứu muộn một vài giờ có thể ngưng thở, đe dọa tính mạng.
Bé được chuyển ngay sang Khoa Hồi sức tích cực và chống độc, được rửa dạ dày, truyền dịch, người tiêm thuốc giải độc. Hai tiếng sau, bệnh nhi tỉnh táo trở lại.
Tiêu chảy là bệnh đường tiêu hóa rất thường gặp và thường có thể tự khỏi sau khoảng 5 đến 7 ngày. Với trẻ nhỏ, bệnh có thể trở nên nghiêm trọng nếu không được bù nước và điều trị kịp thời.
Theo các bác sĩ khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Nhi Trung ương, tiêu chảy là tình trạng trẻ đi ngoài từ 3 lần trở lên trong ngày và phân nhiều nước. Tiêu chảy có thể gây ra tình trạng mất nước nghiêm trọng, đe dọa tính mạng chỉ trong thời gian ngắn. Cần cho trẻ đi khám bác sĩ nếu thấy trẻ có dấu hiệu mệt mỏi, đau đầu, buồn ngủ, tiểu ít, khô miệng và khô da.
Đối với trẻ bị tiêu chảy, vấn đề đầu tiên và quan trọng nhất là phải bồi phụ lại lượng nước đã mất do trẻ đi vệ sinh nhiều lần. Phương pháp bù bằng đường miệng là tốt nhất, trong đó, dung dịch muối đường (Oresol) là loại dung dịch được dùng phổ biến nhất, lưu ý cha mẹ cần pha đúng tỷ lệ theo hướng dẫn.
Trẻ bị tiêu chảy, khát nước thì cho trẻ uống theo nhu cầu, khi khát. Sau mỗi lần trẻ đi vệ sinh, cần cho uống thêm một cốc dung dịch trên. Nếu trẻ bị nôn thì cho bé uống ít một và tăng số lần lên.
Khi có những triệu chứng nặng của bệnh, gia đình nên đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được các bác sĩ theo dõi và kê đơn thuốc tiêu chảy với liều lượng phù hợp. Bởi môt số thuốc làm giảm triệu chứng thường được dùng cho người lớn nhưng không phù hợp, thậm chí gây nguy hiểm đối với trẻ em.