UBND tỉnh Bến Tre vừa ban hành Kế hoạch triển khai Nghị quyết số 48-NQ/TW của Chính phủ về Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường (BVMT) biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, với mục tiêu đưa Bến Tre trở thành một trong những tỉnh phát triển mạnh và bền vững về kinh tế biển, trọng tâm là phát triển năng lượng tái tạo, thủy sản và du lịch.
Đẩy mạnh nuôi biển và khai thác xa bờ
Theo đó, tỉnh Bến Tre ưu tiên phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển (hay còn gọi là nuôi biển), khai thác thủy sản xa bờ, bảo tồn nguồn lợi thủy sản; đồng thời tập trung hoàn thiện cơ chế chính sách, đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân trong sản xuất, nuôi trồng thủy hải sản; ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thân thiện môi trường, thích ứng với biến đồi khí hậu (BĐKH); đẩy mạnh phát triển khai thác, đánh bắt hải sản xa bờ; xây dựng, thiết lập cơ chế, chính sách quản lý khai thác thủy sản gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản, BVMT biển.
Với nuôi biển, Bến Tre định hướng đi theo mô hình nuôi công nghiệp, xa bờ có ứng ứng dụng công nghệ cao, an toàn sinh học và thân thiện với môi trường. Cụ thể, Bến Tre phấn đấu đến năm 2030 giá trị sản phẩm đạt 450 triệu đồng/ha; diện tích nuôi biển đạt 42.000 ha, sản lượng đạt 136.000 tấn. Trong đó, diện tích vùng nuôi và sản xuất giống thủy sản ứng dụng công nghệ cao là 5.100 ha; 100% diện tích nuôi tập trung thâm canh các đối tượng nuôi chủ lực đạt chứng nhận VietGap hoặc chứng nhận tương đương.
Triển khai thực hiện Đề án số 02 của Tỉnh ủy Bến Tre về Phát triển du lịch tỉnh Bến Tre đến năm 2030. Dự kiến đến năm 2025, tổng thu từ hoạt động du lịch trên địa bàn 03 huyện biển tăng bình quân 25%/năm; chiếm khoảng 20% doanh thu du lịch của cả tỉnh. Đến năm 2030, doanh thu từ du lịch 03 huyện biển chiếm từ 30% doanh thu du lịch của cả tỉnh. Đồng thời, Tỉnh Bến Tre cũng khuyến khích, huy động nguồn lực xã hội cho đầu tư phát hạ tầng, dịch vụ du lịch 03 huyện ven biển; và phát triển nguồn nhân lực du lịch đáp ứng điều kiện thực tế tại địa phương, có chính sách, chương trình hỗ trợ người dân tại địa phương khi tham gia.
Với khai thác xa bờ, mặc dù Bến Tre có định hướng nâng công suất các đội tàu đánh bắt nhưng sẽ giảm dần số lượng tàu cá và có định hướng chuyển dần sang nuôi trồng. Cụ thể, tỉnh Bến Tre sẽ tập trung xây dựng và triển khai các chương trình, đề án và các giải pháp thúc đẩy hoạt động nuôi biển, khai thác thuỷ sản bền vững và các công nghệ chế biến sâu sản phẩm thuỷ sản; bảo tồn biển, phục hồi, bảo vệ và phát triển bền vững nguồn lợi thuỷ sản, hệ sinh thái biển, ven biển, để đóng góp vào tăng trưởng phát triển kinh tế biển của địa phương.
Tổ chức triển khai Đề án nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ định hướng công tác quản lý tài nguyên, môi trường biển và triển khai các hoạt động khoa học và công nghệ đối với các ngành nghề kinh tế biển; thực hiện các chính sách về phát triển năng lượng mới, năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả cho phát triển kinh tế biển; phát triển các ngành công nghiệp ven biển có trọng tâm, trọng điểm và thân thiện với môi trường.
Năm 2030 – phấn đấu 100% rác thải nhựa tại bãi biển được xử lý
Đáng chú ý, trong Kế hoạch này, BVMT biển được Bến Tre rất chú trọng trong đó đến năm 2030, phấn đấu 100% rác thải nhựa tại các bãi biển của địa phương sẽ được xử lý.
Cụ thể, Bến Tre sẽ thực hiện định kỳ công tác điều tra, thống kê, phân loại quan trắc và đánh giá các loại hình ô nhiễm, tình trạng ô nhiễm, nguồn gây ô nhiễm môi trường biển; đẩy mạnh điều tra, đánh giá sức chịu tải môi trường, xác định cấp độ rủi ro ô nhiễm môi trường biển phục vụ phát triển kinh tế biển; phân vùng rủi ro và lập bản đồ phân vùng rủi ro ô nhiễm môi trường biển của tỉnh.
Đến năm 2025, hoàn thành lập bản đồ phân vùng rủi ro ô nhiễm và đánh giá sức chịu tải môi trường tại một số vùng rủi ro ô nhiễm cao trên vùng biển Bến Tre. Đến năm 2030, tỷ lệ thu hồi, xử lý rác thải nhựa tại các bãi biển, khu du lịch biển và khu bảo tồn biển đạt 100%; hệ thống quan trắc, giám sát tổng hợp của tỉnh được hoàn thiện, hoạt động hiệu quả và được kết nối và tích hợp dữ liệu với hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên, môi trường biển quốc gia.
Đồng thời, tỉnh Bến Tre phát triển và nhân rộng các mô hình du lịch bền vững, du lịch cộng đồng trên biển và vùng ven biển, đẩy mạnh phát triển tuyến du lịch sinh thái biển trên địa bàn; tập trung đầu tư hạ tầng phát triển du lịch 3 huyện ven biển; đầu tư phát triển mạnh du lịch, cải tạo, phát triển không gian biển gắn với hình thành các khu đô thị thương mại - du lịch biển; phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch ven biển với khai thác, bảo vệ và phát triển hệ sinh thái tự nhiên, di sản văn hóa, di tích lịch sử- văn hóa tâm linh; liên kết hình thành các tuyến du lịch giữa Bến Tre với các tỉnh trong khu vực ĐBSCL với các tỉnh, thành phố lớn trong cả nước.