Thủ tướng Chính phủ đã lập một ban chỉ đạo để xử lý dứt điểm những tồn tại, yếu kém ở 12 dự án, nhà máy lớn của các doanh nghiệp nhà nước đang bị thua lỗ nặng.

Đây là quyết định cần thiết, vì càng để kéo dài, thiệt hại sẽ càng lớn. Tuy nhiên, một vấn đề quan trọng cũng cần phải  làm rõ để tránh lặp lại những sai lầm ở những dự án khác là chỉ ra nguyên nhân khiến các dự án lớn này thất bại.

Không khó để nhận diện những căn bệnh “chết người” mà các dự án đã mắc phải và đáng lo ngại hơn là những mầm bệnh đó cũng đang tồn tại ở nhiều dự án đầu tư khác, cũng bằng tiền nhà nước.

Vấn đề trước tiên phải kể đến vấn nạn đội vốn đầu tư và chậm tiến độ, mà tiêu biểu là ở các dự án gang thép Thái Nguyên mở rộng giai đoạn 2, nhà máy bột giấy Phương Nam, đạm Ninh Bình... Việc thực hiện bị kéo dài, vốn đầu tư bị đội lên rất lớn không chỉ làm mất đi cơ hội kinh doanh mà còn làm cho các tính toán về hiệu quả tại thời điểm quyết định đầu tư trở thành ảo.

{keywords}

Dự án xơ sợi Đình Vũ - một trong những "dự án ngàn tỉ đang bị thua lỗ. Ảnh:TL

Vấn đề tiếp theo là dường như các chủ đầu tư vô tình hay cố ý đã bỏ ngoài tai cảnh báo rủi ro của chuyên gia về thị trường, chất lượng, năng lực điều hành. Đó là sai lầm của nhà máy đóng tàu Dung Quất hay nói rộng ra là của ngành đóng tàu nói chung, của đạm Ninh Bình, dự án mở rộng đạm Hà Bắc, bột giấy Phương Nam...

Có thể nói, đây là những dự án đã được dự báo thất bại ngay tại thời điểm quyết định đầu tư, do các yếu tố bất lợi về thị trường và khả năng cạnh tranh, mà có lẽ chỉ những “ông chủ” nhà nước mới dám mạo hiểm. Ngay với hai dự án sản xuất DAP của tập đoàn Hóa chất, ngay từ đầu cũng đã có không ít ý kiến không thuận do chất lượng nguồn nguyên liệu apatit trong nước không thích hợp để sản xuất ra loại DAP có chất lượng tốt.

Bên cạnh đó, cũng phải nói đến sự kém cỏi về công tác dự báo thị trường. Ở thời điểm hình thành các dự án đạm Ninh Bình, Hà Bắc và xơ sợi Đình Vũ, mặt bằng giá phân đạm, giá xơ, sợi của thế giới khá cao, nhưng khi các nhà máy bắt đầu hoạt động thì giá cả lao dốc, xuống thấp hơn cả giá thành sản xuất. Nhưng điều đáng nói là ngay tại đỉnh điểm cũng có không ít thông tin dự báo xấu về giá cả do nguồn cung trên thị trường thế giới lúc ấy đang tăng quá nhanh.

Ngoài ra, không thể không nhắc đến những rủi ro do thay đổi chính sách. Nếu xăng E5 được sử dụng bắt buộc tại 7 tỉnh, thành phố đầu tiên vào đầu tháng 12-2014 và áp dụng trong cả nước một năm sau đó theo đúng lộ trình sử dụng nhiên liệu sinh học đã được ban hành vào năm 2012, thì tình thế của dự án ethanol Dung Quất và hai dự án ethanol khác của tập đoàn Dầu khí có thể đã khác.

Tóm lại, thất bại của 12 dự án ngàn tỉ và có thể là nhiều dự án sử dụng tiền nhà nước khác là do đại diện chủ đầu tư của nhà nước tỏ ra quá dễ dãi và thiếu sự thận trọng cần thiết khi ra quyết định đầu tư. Điều này sẽ khó xảy ra với các ông chủ tư nhân khi mà đồng tiền gắn liền với khúc ruột của họ. Ở đây chúng ta không loại trừ khả năng có những dự án được quyết định không hoàn toàn dựa trên yếu tố hiệu quả, mà vì một lý do khác. Nếu việc này xảy ra thì mọi con số tính toán về hiệu quả để xin phê duyệt dự án chỉ mang tính hình thức và thất bại sẽ là kết cục có thể nhìn thấy trước.

Theo TBKTSG