Đây là nội dung trong Thông tư 14 quy định trình tự, thủ tục xây dựng giá gói thầu mua sắm hàng hóa và cung cấp dịch vụ thuộc lĩnh vực trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế công lập. Văn bản vừa được Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Đức Luận ký ban hành, có hiệu lực từ tháng 7 đến hết năm 2023, thể chế hóa Nghị quyết 30 của Chính phủ.

 3 phương pháp lựa chọn để xác định giá gói thầu

Theo nội dung Thông tư, khi xây dựng giá gói thầu mua sắm hàng hóa và cung cấp dịch vụ thuộc lĩnh vực trang thiết bị y tế, chủ đầu tư xác định giá gói thầu theo một trong các phương pháp:

- Thu thập báo giá do các cơ sở kinh doanh hàng hóa, dịch vụ  thuộc lĩnh vực trang thiết bị y tế cung cấp

- Khảo sát giá trúng thầu của hàng hóa, dịch vụ tương tự trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia

- Kết quả thẩm định giá của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, doanh nghiệp thẩm định giá.

Đặc biệt, theo Bộ Y tế, khi áp dụng phương pháp xác định giá gói thầu, phương pháp được sử dụng đầu tiên là phương pháp thu thập báo giá.

"Trường hợp chủ đầu tư sử dụng từ 2 phương pháp xác định giá gói thầu trở lên thì có thể được lựa chọn giá cao nhất, phù hợp với khả năng tài chính và yêu cầu chuyên môn", Thông tư 14 nêu rõ.

Điều này được kỳ vọng sẽ khắc phục được tình trạng các cơ sở y tế phải mua trang thiết bị theo giá rẻ nhất nhưng không đáp ứng yêu cầu chuyên môn trong khám bệnh, chữa bệnh.

Nguyên nhân nhiều máy CT ở Bệnh viện Chợ Rẫy từng phải "đắp chiếu" là do không đủ 3 báo giá để xây dựng giá đấu thầu. Ảnh: Thế Sơn

Bệnh viện được lấy báo giá trực tiếp từ nhà cung cấp khi nào?

Đối với việc xây dựng giá gói thầu trang thiết bị y tế và linh kiện, phụ kiện, vật tư thay thế sử dụng cho trang thiết bị y tế, phương pháp xây dựng giá tương tự với hàng hóa và cung cấp dịch vụ. 

Nếu xây dựng giá gói thầu theo báo giá của nhà cung cấp, Bộ Y tế hướng dẫn, căn cứ vào số báo giá nhận được, kể cả trường hợp chỉ nhận được 1-2 báo giá, chủ đầu tư sẽ quyết định theo một trong các phương thức sau:

 - Tự quyết định lựa chọn giá gói thầu

- Giao hội đồng thực hiện việc xem xét, lựa chọn giá để trình chủ đầu tư xem xét, quyết định.

Trường hợp có từ 2 báo giá trở lên thì có thể được lựa chọn báo giá cao nhất, phù hợp với khả năng tài chính và yêu cầu chuyên môn.

Trường hợp để bảo đảm tính tương thích về công nghệ, bản quyền hoặc cần triển khai ngay theo quy định của Luật Đấu thầu, chủ đầu tư được phép gửi trực tiếp yêu cầu báo giá đến nhà cung cấp.

Ví dụ, khi lập giá gói thầu mua test, kit xét nghiệm của máy xét nghiệm hãng A, chủ đầu tư được quyền lấy báo giá từ hãng A hoặc nhà cung cấp được hãng A này chỉ định, ủy quyền.

Các bệnh viện từng rất "đau đầu" vì quy định trong xây dựng giá gói thầu theo Thông tư 68 của Bộ Tài chính. Theo đó, bệnh viện có thể căn cứ vào nhiều tài liệu như tham khảo "3 báo giá" trong 90 ngày gần nhất, kết quả thẩm định giá, tham khảo giá các gói thầu tương tự trong tối đa 90 ngày... Trong số này, thẩm định giá từng là căn cứ được các bệnh viện sử dụng nhiều nhất để xác định giá gói thầu trang thiết bị, vật tư, thuốc.

Sau những vi phạm của các công ty, nhân viên thẩm định, các cơ sở y tế chuyển sang hình thức "3 báo giá" để xây dựng gói thầu. Tại nhiều nơi, đây là hình thức được lựa chọn để xây dựng giá cho 70-80% các gói thầu. Tuy nhiên, một số bất cập phát sinh từ cách làm này, khiến nhiều gói thầu không thể xây dựng được giá.

Khi Nghị quyết 30 của Chính phủ ban hành hồi tháng 3, nhiều vị lãnh đạo bày tỏ "rất tâm đắc" là không còn yêu cầu các cơ sở y tế cần phải có đủ "3 báo giá" khi xây dựng giá đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế; được lấy báo giá trực tiếp từ nhà phân phối khi mua máy độc quyền...

Chủ đầu tư không phải chịu trách nhiệm về kết quả thẩm định giá

Theo Thông tư 14, đối với phương pháp xây dựng giá theo kết quả thẩm định giá, Bộ Y tế quy định chủ đầu tư thực hiện lựa chọn đơn vị thẩm định giá, được sử dụng kết quả do cơ quan thẩm định giá cung cấp để xây dựng giá gói thầu và không phải chịu trách nhiệm về kết quả thẩm định giá do đơn vị thẩm định giá cung cấp.