Suốt tuần qua, thông tin về một bà chủ khách sạn căng băng rôn bêu riếu cán bộ công quyền được đăng tải liên tục trên các báo chính thống và mạng xã hội.
Đây không phải là trường hợp đầu tiên vì bức xúc mà người dân căng băng rôn, khẩu hiệu để tố cáo, khiếu nại điều gì đó. Trước đó từng có nhiều người căng băng rôn, biểu ngữ tại các dự án bất động sản để phản đối việc chủ dự án quá chậm tiến độ đã cam kết hoặc lừa đảo, thu tiền của khách hàng rồi bỏ trốn..., thậm chí có trường hợp mang quan tài, thi thể người mất diễu phố để phản đối và yêu cầu xử lý nghiêm minh kẻ gây tội ác…
Hiến pháp và pháp luật đã quy định các quyền con người, quyền công dân rất cụ thể nhưng mọi người chỉ được làm những gì pháp luật không cấm. Mọi người có quyền khiếu nại, tố cáo theo luật định, theo các trình tự hành chính hoặc khởi kiện ra tòa án theo thủ tục tố tụng dân sự; tố cáo hành vi vi phạm pháp luật theo trình tự tố tụng hình sự. Chứ nếu ai cũng tùy tiện căng băng rôn, vác quan tài diễu nơi công cộng thì còn gì là nếp sống văn hóa, trật tự công cộng nữa. Hoặc ai nấy đều cho mình cái quyền xúc xiểm, bôi nhọ người khác trước chốn đông người viện lẽ đã bị người đó hà hiếp, xâm hại quyền lợi… mà sự thật chưa rõ thế nào thì còn gì là cách hành xử đàng hoàng, văn minh nữa.
Vậy nên bất kể lý do gì thì các hành vi nêu trên cũng đều là sai, không thể chấp nhận và tùy mức độ có thể là vi phạm pháp luật. Nếu nhẹ thì bị nhắc nhở, nặng hơn bị xử phạt hành chính (theo Nghị định 167/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình). Nếu nghiêm trọng hơn, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác hoặc bịa đặt, vu khống thì có thể bị khởi tố hình sự về các tội làm nhục người khác (Điều 121 BLHS), hoặc tội vu khống (Điều 122 BLHS). Riêng với trường hợp cụ thể của bà chủ khách sạn nêu trên, hành vi tấn công cán bộ công an còn có dấu hiệu của tội chống người thi hành công vụ mà cơ quan công an địa phương đang xem xét để có thể xử lý đúng theo quy định.
Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến lưu ý trở lại: Không phải vô cớ mà bà chủ khách sạn hay những người có sự phẫn nộ tương tự đã có hành vi manh động. Đơn cử là bà chủ khách sạn cũng đã khiếu nại khi cho rằng quyền lợi của mình bị xâm hại nhưng rồi kết quả xử lý chưa thỏa đáng như bà mong muốn. Có thể chính quyền đã xử lý đúng nhưng bà chưa thấy tâm phục. Cũng có thể là chính quyền đã xử lý chưa hoàn toàn đúng nên bà không thể chấp nhận. Trong cả hai tình huống này, nếu những người có quyền hạn cố gắng đối thoại, giải thích, phân tích hoặc nếu cần là xem xét, xử lý lại để có sự thống nhất, tạo cho những thường dân như bà niềm tin về sự khách quan, công bằng thì rất có thể đã không có sự phản ứng gay gắt.
Dẫu không mong muốn nhưng các xung đột vẫn thường xảy ra trong cuộc sống nên điều quan trọng là các cá nhân phải có hành vi đúng chuẩn mực đạo lý và pháp lý. Cách giải quyết mâu thuẫn hữu hiệu không phải là tự xử gây hại cho người khác mà phải là nhờ đến cơ quan bảo vệ pháp luật. Chỉ có thế thì mình mới không tự “giết” mình với việc không được số đông ủng hộ và còn có thể bị pháp luật trừng trị.
Theo PLO