Tăng cường quyền lợi BHYT cho người tham gia
Tại Hội nghị, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh nhấn mạnh, một trong những thành tựu quan trọng trong công tác tổ chức thực hiện chính sách BHYT là tỷ lệ người dân tham gia BHYT ở nước ta có sự tăng trưởng vượt bậc qua các năm. Nếu như năm 2009, 2015 độ bao phủ BHYT lần lượt đạt 57% và 74,7% dân số thì đến hết năm 2021, độ bao phủ đã đạt khoảng 91% dân số.
Cùng với đó, trung bình hằng năm, có hơn 100 triệu lượt người khám chữa bệnh BHYT được đảm bảo quyền lợi. Năm 2020-2021 do tác động của dịch Covid-19, quỹ BHYT đã cùng ngân sách nhà nước góp phần không nhỏ trong công tác khắc phục hậu quả và phòng chống dịch Covid-19, tiếp tục khẳng định vai trò trụ cột của chính sách BHYT trong hệ thống an sinh xã hội quốc gia.
6 tháng đầu năm 2022, BHXH Việt Nam tiếp tục bám sát sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; tăng cường phối hợp với các cơ quan, tổ chức và cấp ủy, chính quyền các cấp, trong đó có sự đồng hành tích cực của các cơ quan thông tấn, báo chí… Toàn ngành đã chủ động, quyết tâm, phấn đấu hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, tiếp tục đảm bảo kịp thời, đầy đủ các quyền lợi an sinh cho người tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT, BHTN.
Kết quả, ước tính đến hết tháng 6/2022 có: trên 17,1 triệu người tham gia BHXH đạt 33,87% lực lượng lao động trong độ tuổi, tăng 6,16% so với cùng kỳ năm 2021 (trong đó, số người tham gia BHXH tự nguyện đạt gần 1,5 triệu người); gần 14 triệu người tham gia BHTN đạt 27,55% lực lượng lao động trong độ tuổi, tăng 5,13% so với cùng kỳ năm 2021; trên 86,8 triệu người tham gia BHYT đạt tỷ lệ bao phủ 88,99% dân số.
Với mục tiêu luôn đặt quyền và lợi ích của người tham gia BHXH, BHYT, BHTN lên hàng đầu, nắm bắt và bám sát tình hình thực tiễn, ngành BHXH Việt Nam đã luôn chủ động và tích cực phối hợp cùng với các Bộ, ban, ngành liên quan, kịp thời có những giải pháp tích cực trong việc tạo điều kiện và hỗ trợ tối đa cho người tham gia thụ hưởng các chính sách BHXH, BHYT, BHTN.
Những quyền lợi mà chính sách BHYT mang lại cho người dân, ông Lê Văn Phúc- Trưởng Ban Thực hiện Chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) cho biết: Về danh mục thuốc thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT, hiện tại nước ta đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu điều trị, tạo điều kiện cho người tham gia BHYT được tiếp cận được các thuốc mới phù hợp với các hướng dẫn chẩn đoán và điều trị của Bộ Y tế, giải quyết được các vướng mắc trong thanh toán thuốc BHYT.
Cụ thể, chúng ta đang có hai danh mục thuốc (danh mục thuốc hóa dược; sinh phẩm thuốc phóng xạ và chất đánh dấu được ban hành kèm theo Thông tư số 30/2018/TT-BYT ngày 30/10/2018 của Bộ Y tế) thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT. Hai danh mục này bao gồm 1.030 thuốc hóa dược, sinh phẩm và 59 thuốc phóng xạ và chất đánh dấu.
Trong đó có 136 hoạt chất/thuốc được quy định điều kiện chỉ định ưu tiên trong một số trường hợp; 25 hoạt chất được quy định tỷ lệ thanh toán (30%, 50%, 60%, 70%) và 31 hoạt chất được quy định cả điều kiện chỉ định và tỷ lệ thanh toán. Đây chủ yếu là các hoạt chất thuộc nhóm thuốc có giá thành cao, chi phí lớn hoặc thuốc thế hệ mới cần được sử dụng theo hướng dẫn chẩn đoán và điều trị để đảm bảo tính chi phí hiệu quản, mặt khác thuộc nhóm thuốc đã có nhiều hoạt chất khác có tác dụng tương tự được quỹ BHYT thanh toán 100%.
Thông tin thêm về một số một số khó khăn để hoàn thành mục tiêu BHYT toàn dân, ông Trần Quốc Túy- Phó Trưởng Ban Quản lý Thu- Sổ Thẻ (BHXH Việt Nam) cho biết, Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ và người dân sinh sống tại huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định số 353/2022/QĐ-TTg ngày 15/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ đã làm sụt giảm đáng kể số người tham gia BHYT. Trong số đó có khoảng 3,1 triệu người (có khoảng 2,1 triệu người là đồng bào dân tộc thiểu số giảm) không được ngân sách nhà nước mua thẻ BHYT.
Ứng dụng CNTT hiệu quả công tác quản lý Qũy BHYT
Tại hội nghị, ông Nguyễn Tất Thao- Phó Giám đốc Trung tâm Giám định BHYT và Thanh toán đa tuyến Khu vực phía Bắc đã chia sẻ một trong những thành công ứng dụng CNTT mang lại lợi ích cho cả người bệnh, cơ sở khám chữa bệnh và cơ quan BHXH là Hệ thống thông tin giám định BHYT. Từ tháng 1/2017 Hệ thống được hoàn thiện và chính thức triển khai thực hiện công tác giám định điện tử, đến nay đã mang lại rất nhiều hiệu quả trong công tác quản lý quỹ BHYT, bao gồm: Cổng Tiếp nhận dữ liệu; Phần mềm giám định BHYT; Phần mềm Giám sát KCB BHYT; Phần mềm Quản lý thuốc.
Cụ thể, cổng Tiếp nhận dữ liệu đã kết nối, thực hiện liên thông dữ liệu giữa cơ quan BHXH với 12.380 cơ sở KCB từ tuyến xã đến Trung ương trên toàn quốc, được bổ sung chức năng cấp mã thẻ BHYT tạm, tra cứu thông tin thẻ BHYT theo mã số BHXH trên ứng dụng VssID, ứng dụng VNEID/CCCD gắn chíp, chức năng đề nghị cấp mã tạm vật tư y tế...
Ông Nguyễn Hoàng Phương- Phó Giám đốc Trung tâm CNTT (BHXH Việt Nam) cho biết, sau 5 tháng thí điểm sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID để đi KCB BHYT thay cho thẻ BHYT giấy, được sự thống nhất của Bộ Y tế, từ 01/6/2021 hình thức này đã được triển khai trên toàn quốc. Tính đến hết tháng 6/2022, trên toàn quốc đã có trên 26,2 triệu tài khoản giao dịch điện tử cá nhân được đăng ký, phê duyệt (dùng để đăng nhập sử dụng ứng dụng VssID), trong đó có 673.755 người với 1.212.145 lượt sử dụng thẻ BHYT trên ứng dụng VssID để khám chữa bệnh BHYT.
Thúy Ngà