Lật giở lịch sử và đầy kỳ bí khi biết câu chuyện liêu trai: hồ Tây chính là lăng mộ chôn xác cáo chín đuôi.

TIN BÀI KHÁC


Theo sách Lĩnh Nam chích quái, thành Thăng Long xưa hiệu là Long Biên, hồi thượng cổ không có người ở. Vua Thái Tổ nhà Lý chèo thuyền ở bến sông Nhĩ Hà, có hai con rồng dẫn thuyền đi, cho nên đặt tên là Thăng Long, rồi đóng đô ở đấy. Xưa ở phía tây thành có hòn núi đá nhỏ, phía đông gối lên sông Lô Giang. Trong hang, dưới chân núi, có con cáo trắng chín đuôi sống hơn ngàn năm, có thể hóa thành yêu quái, thành người hoặc thành quỉ đi khắp nhân gian. Thời đó, dưới chân núi Tản Viên, người Mán chôn gỗ kết cỏ làm nhà. Trên núi có vị thần rất linh thiêng, người Mán thường thờ phụng. Thần dạy người Mán trồng lúa, dệt vải làm áo trắng mà mặc cho nên gọi là Bạch Y Man (Mán áo trắng).


Hồ Tây chính là lăng mộ chôn xác cáo chín đuôi. Ảnh: Vnphoto

Con cáo chín đuôi biến thành người áo trắng nhập vào giữa đám dân Mán, cùng ca hát rồi dụ dỗ trai gái trốn vào trong hang núi. Người Mán rất khổ sở. Long Quân bèn ra lệnh cho lục bộ thủy phủ dâng nước lên công phá hang đá. Cáo chín đuôi bỏ chạy, quân thủy phủ đuổi theo, phá hang bắt cáo mà nuốt ăn. Nơi này trở thành một cái vũng sâu gọi là đầm Xác cáo, tức Tây Hồ ngày nay. Sau lập miếu, tức Kim Ngưu Tự để trấn áp yêu quái. Cánh đồng phía Tây Hồ rất bằng phẳng, dân địa phương trồng trọt làm ăn, nay gọi là Hồ Đỗng (hang cáo). Đất ở đây cao ráo, dân làm nhà mà ở, nay gọi là Hồ Thôn (thôn Cáo). Chỗ hang cáo xưa, nay gọi là Lỗ Khước Thôn.

Vậy, hồ Tây chính là là lăng mộ chôn xác cáo chín đuôi? Mang huyền thoại này đi hỏi những người dân sống lâu năm ở khu vực xuang quanh hồ thì được bác Văn (ở phố Trần Vũ) cho biết: "Gia đình tôi có 3 đời sống ở nơi này. Truyền thuyết về hồ Tây thì có rất nhiều, nào là hồ Trâu vàng, đầm Xác cáo, hồ Dâm đàn... Về huyền thoại cáo chín đuôi, tôi được nghe rằng, trước đây, vùng đất này là rừng núi hết sức hoang vu, ít người qua lại. Lúc đó, trên một ngọn núi giữa vùng có một con cáo chín đuôi. Nhờ hàng ngàn năm tu luyện, cáo đã thành tinh, phép thuật hết sức lợi hại...".

Và có vẻ như khơi đúng mạch, bác Văn ngược về quá khứ, cứ kể như mình là người chứng kiến sự việc: Con cáo chín đuôi lúc biến thành cô gái xinh đẹp, lôi dụ các chàng trai; lúc lại thành chàng thanh niên tuấn tú đi tán tỉnh thôn nữ; khi lại là quỷ dữ dọa người đến khiếp sợ... Nó làm thế là vì muốn bắt được càng nhiều người đưa về hang sâu để ăn thịt dần...

Trong khi đó, vẫn là câu hỏi về cáo chín đuôi ở hồ Tây, cụ Thanh, 70 tuổi, sống ở đê Yên Phụ, lại kể: Vì con hồ tinh có pháp thuật cao cường và mưu mô quỷ quyệt, nên dân chúng không còn cách nào khác, bèn họp cả làng thắp hương cầu khấn lên trời cao, xin Ngọc Hoàng ra tay cứu giúp. Động lòng thương hại, Ngọc Hoàng sai thần Huyền Thiên hạ giáng dùng phép thuật giết chết hồ tinh... Khi Huyền Thiên thực thi pháp thuật đánh nhau với hồ tinh thì trời đất tối mù, đất đá lở tung, cây cối bật gốc. Hai bên quần nhau mãi đến khi hồ tinh bị Huyền Thiên cắt đứt chín đuôi và dẫm nát dưới chân, thì bỗng dưng... vùng đất sụt xuống dưới sâu. Ngọc Hoàng phòng xa khả năng hồ tinh sống lại, nên hạ lệnh cho thần Mưa đổ nước xuống ngâm vĩnh viễn xác cáo. Từ đó, vùng nước mới này được gọi là đầm Xác cáo.

Trong cuốn sách viết về hồ Tây, cũng như trên nhiều phương tiện truyền thông, nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc nhận xét: Hồ Tây là hồ thuộc loại linh thiêng nhất Việt Nam. Không chỉ ông mà trong tâm thức nhiều người Hà Nội, hồ Tây đã và đang được tin như là long mạch lớn nhất của thủ đô cổ kính. Theo ông Phúc, cái tên xưa nhất của hồ Tây là đầm Xác cáo và truyền thuyết gắn liền với công đức của Lạc Long Quân giúp người dân có cuộc sống yên bình, mà không bị loài yêu tinh quấy phá. Thần đã truy đuổi con cáo vào tận hang và sau đó, cho nước ngập hang làm chết cáo...

(Theo Đất Việt)