Thế hệ 9X trở về trước hầu hết đều biết Cây thùy dương - bài nhạc Nga kinh điển không kém Chiều Matxcơva, Đôi bờ, Kachiusa, Triệu đóa hồng, Thời thanh niên sôi nổi...

Sự thật thú vị, loài cây được đề cập trong bản gốc không phải thùy dương. Khi phổ biến ở nhiều quốc gia, mỗi phiên bản lại viết về một loài cây khác nhau.

Cây thanh lương trà vùng Ural

Bản gốc của Cây thùy dương Cây thanh lương trà vùng Ural được sáng tác bởi nhạc sĩ, NSND Evgeny Pavlovich Rodygin và nhà thơ, nhà báo Mikhail Pilipenko. 

Tại Nga, cây thanh lương trà mọc phổ biến, gắn liền với cảnh sắc thiên nhiên và đóng vai trò quan trọng trong văn hóa quốc gia này. Theo tín ngưỡng cổ xưa, loài cây được tin rằng có sức mạnh xua đuổi tà ma và bảo vệ con người trong chiến tranh.

Vẻ đẹp của cây thanh lương trà thay đổi màu lá theo mùa, hoa màu trắng rất thơm, quả có màu đỏ, hồng, vàng… khơi gợi nhiều cảm hứng cho người nghệ sĩ, đi vào lịch sử nghệ thuật Nga.

z5172029206476 b1d75ade395335aa78946121f53a39c5.jpg
Cây thanh lương trà. 

Năm 1953, Rodygin khi đó 28 tuổi, đến thăm nhà thơ Elena Khorinskaya vô tình đọc mấy câu chép trên một mảnh giấy liền ấn tượng mạnh. Ông xin bà phổ nhạc nhưng bị từ chối.

Do ám ảnh, nhạc sĩ vẫn tìm mua số báo Công dân Ural đăng bài thơ để sáng tác, lấy tứ câu "Cây thanh lương trà yêu mến đứng trên triền dốc" cho phần điệp khúc. 

Dù vậy, bài hát bị lãnh đạo Đoàn ca nhạc dân tộc Ural từ chối biểu diễn. Mùa thu năm đó, khi đoàn chuẩn bị lưu diễn Rumani, hội đồng phê duyệt nhạc mục của chương trình yêu cầu bổ sung một bài nhẹ nhàng, trữ tình. Nhờ vậy, Cây thanh lương trà vùng Ural có cơ hội lên sân khấu.

Lúc này, Rodygin nhận thấy lời thơ của Elena quá riêng tư, không phù hợp tiếp cận đại chúng nên tìm đến Mikhail Pilipenko - nhà thơ, tổng biên tập một tờ báo địa phương - viết lời mới.

'Cây thanh lương trà vùng Ural' - Đoàn ca nhạc dân tộc Ural

Bài hát gồm 5 lời với giai điệu lặp lại. Lời điệp khúc giống nhau: Ôi, cây thanh lương trà lá xoăn/ Với những bông hoa trắng/ Ôi, thanh lương trà mến yêu/ Vì sao em buồn thế?

Nội dung xoay quanh tâm sự của một cô gái vùng Ural được 2 chàng trai là công nhân và thợ rèn theo đuổi. Trong cô, họ đều điển trai, tốt bụng và dũng cảm. Mỗi lần 'quay cuồng với trái tim bối rối', cô gái lại đến bên cây thanh lương trà tỉ tê nỗi lòng.

Bài hát còn khắc họa thiên nhiên đẹp đẽ vùng Ural với những con sông, triền dốc, cánh chim hạc và hàng cây thanh lương trà hoa trắng, trái đỏ rung rinh trong gió. 

Tháng 11 cùng năm, bài hát Cây thanh lương trà vùng Ural lần đầu ra mắt khán giả, thu về thành công ngoài tưởng tượng. Điệu valse của ca khúc vang khắp nước Nga, các bản ghi âm được phát hành số lượng lớn vẫn bán sạch.

Bản đầu tiên do các nghệ sĩ Đoàn ca nhạc dân tộc Ural trình diễn với tiếng đàn balalaika, accordion réo rắt và lối luyến láy đặc trưng trở thành kinh điển. Vì thế dù tác giả xác định, bài hát vẫn được xem là dân ca đặc trưng vùng Ural cũng như tiêu biểu cho thể loại đồng dao ở Nga.

hawthorn 3649643 1920.jpg
Cây sơn tra hay táo gai. 

Cây sơn tra, táo gai và lê hạt

Phiên bản tiếng Trung của Cây thanh lương trà vùng UralCây sơn tra. Điểm thú vị, thanh lương trà (sorbus aucuparia) và sơn tra hay táo gai, lê hạt (crataegus monogyna) là 2 loài khác biệt có nhiều điểm tương đồng, dễ gây nhầm lẫn.

Theo chuyên trang Gardens Illustrated, chúng có quả mọng khá giống nhau từ hình dáng đến màu sắc nên thường được phân biệt bằng hình dáng và kích cỡ lá. 

Bài Cây sơn tra gần như là tác phẩm chuyển ngữ của Cây thanh lương trà vùng Ural, vẫn xoay quanh tâm sự của cô gái được 2 chàng trai theo đuổi. Điểm khác biệt duy nhất là sự 'thu gọn' từ 5 xuống 3 lời.

Bài Cây sơn tra lần đầu xuất hiện khoảng đầu thập niên 1980 qua tiếng hát của ca sĩ kỳ cựu Trịnh Quân. Năm 1994, tác phẩm xuất hiện trong album nhạc Nga Chiều Moscow do đội hợp xướng thuộc Nhạc đoàn Trung ương Trung Quốc thu âm. Thành viên nổi tiếng nhất đội là ca sĩ Tưởng Đại Vi - người thể hiện bài Đường chúng ta đi và nhiều ca khúc trong bộ phim truyền hình nổi tiếng Tây du ký bản 1986.

img 1708430860449 1708430871636 image repair 1708430994075.jpg
Một cảnh trong phim "Chuyện tình cây táo gai".

Song phải đến năm 2010, bài Cây sơn tra mới phổ biến toàn Trung Quốc sau khi bộ phim Chuyện tình cây táo gai của đạo diễn Trương Nghệ Mưu ra rạp. 

Cây sơn tra là một trong những bài hát được Trương Nghệ Mưu chọn sử dụng cho phần âm nhạc của bộ phim nổi tiếng.

Giai điệu da diết cùng chuyện tình thuần khiết, bi thương của hai nhân vật Kiến Tân - Tịnh Thu gây sốt, lưu dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả bản xứ. Cặp diễn viên chính Đậu Kiêu và Châu Đông Vũ từng hát live nhạc phẩm tại một chương trình của đài Bắc Kinh.

Năm 2018, tập 8 cuộc thi Thanh nhập nhân tâm (Super Vocal) lên sóng, màn trình diễn hòa quyện, ăn ý của 3 nam ca sĩ Châu Thâm, Vương Tích và Lưu Bân Hào giúp bài Cây sơn tra một lần nữa tạo hiện tượng. Video các phiên bản tam ca khác như Châu Thâm, Vương Tích và Trương Siêu hay Cao Thiên Hạc, Trương Siêu và Giả Phàm đều đạt lượt xem cao.

'Cây sơn tra' - Châu Thâm, Vương Tích và Lưu Bân Hào

Cây thùy dương?

Bài Cây thanh lương trà vùng Ural phổ biến tại Việt Nam với tên Cây thùy dương. Tác phẩm nhạc Nga lời Việt từng là chủ đề tranh luận trong giới chuyên môn lẫn người yêu nhạc.

Phiên bản vỏn vẹn 1 lời, diễn đạt mơ hồ tâm trạng của người khi yêu. Việc đổi cây thanh lương trà thành thùy dương hoàn toàn đánh mất tinh thần trong tác phẩm gốc.

Phần lời sử dụng vài câu từ của bản gốc nhưng có phần vụng về như "tiếng tàu đêm chập chờn đi về xa phía chân trời" (còn có phiên bản phổ biến là "tiếng đàn đêm chập chùng bay về xa phía chân trời").

Câu "Này cành thùy dương yêu mến/ biết chăng em vì cớ sao buồn?" gây khó hiểu khi thể hiện góc nhìn của người nam. Trong bản gốc, cô gái xem cây thanh lương trà như một người bạn để giãi bày nỗi lòng nên gọi nó là "em/mi/ngươi". Cũng vì tâm tư nặng trĩu, cô nhìn cây cũng tưởng như đang sầu não, bèn hỏi: "Vì sao em buồn thế?".

'Cây thùy dương' - Bảo Yến và Nhã Phương

Theo nhiều người yêu nhạc, tác giả phần lời Việt đã nhầm lẫn chi tiết này. Ngoài ra, việc đổi cây thanh lương trà thành thùy dương được cho là để thuận âm, dễ hát.

Bài Cây thùy dương được yêu thích bởi nhiều thế hệ khán giả Việt qua giọng ca của cặp danh ca Bảo Yến - Nhã Phương, Hải Yến, Tuyết Hoa, Yên Hà...

Đến ngày nay, bài nhạc Nga Cây thanh lương trà vùng Ural còn nguyên sức lan tỏa. Theo tờ Oblgazeta của Nga, những năm cuối đời, nhạc sĩ Evgeny Pavlovich Rodygin vẫn nhận tiền bản quyền ca khúc này từ 22 quốc gia như Trung Quốc, Thụy sĩ, Thụy điển, Na Uy, Phần Lan, Ba Lan, Pháp, Đan Mạch, Malaysia... và Việt Nam.