Cuộc sống cơ cực

Tiểu Quyên (SN 1985) xuất thân trong một gia đình nghèo ở Hồ Bắc, Trung Quốc. Nhưng bố mẹ luôn khuyến khích và đầu tư cho cô học đến nơi đến chốn. “Tôi không muốn con gái tầm thường cả đời, dù nghèo nhưng chúng tôi vẫn cố gắng đáp ứng mọi yêu cầu học tập của Tiểu Quyên”, bố mẹ cô trải lòng. 

Từ nhỏ, cô có thành tích học tập nổi bật, luôn nằm trong top đầu lớp. Vượt qua nghịch cảnh, Tiểu Quyên chăm chỉ học với mong muốn thoát nghèo. Năm 2003, cô tham gia kỳ thi Cao khảo (ĐH) và đỗ vào Trường ĐH Nông nghiệp Hoa Trung ở Vũ Hán. Với thành tích này, Tiểu Quyên là người duy nhất trong làng đỗ ĐH lúc bấy giờ. 

Sinh viên Trung Quốc đối mặt với làn sóng thất nghiệp gia tăng. Ảnh: Xinhua

Điều này, khiến bố mẹ Tiểu Quyên tự hào về con gái. Từ đứa trẻ xuất thân ở vùng nông thôn nghèo cô có thể đỗ ĐH.

Ý thức được gia cảnh khó khăn, vào ĐH Tiểu Quyên đi làm thêm để trang trải chi phí sinh hoạt. Cô làm đủ nghề, từ phát tờ rơi đến bưng bê bát đĩa, gia sư. Tiểu Quyên tin với sự nỗ lực của bản thân, ra trường sẽ tìm được công việc phù hợp và thay đổi số phận.

Bên cạnh việc đi làm, Tiểu Quyên vẫn cố gắng học tập chăm chỉ để nhận được học bổng. Điều này, góp phần giảm bớt gánh nặng kinh tế cho gia đình cô.

Tuy nhiên, theo thời gian, các vấn đề bắt đầu nảy sinh khi bạn bè dành năm nhất và năm 2 ĐH để trải nghiệm cuộc sống. Mỗi lần đi chơi, bạn bè rủ nhưng Tiểu Quyên thường từ chối vì không có tiền.

Về sau, bạn bè không rủ Tiểu Quyên đi chơi. Hơn nữa, vì mặc cảm nhà nghèo, cô tự ti luôn tránh xa mọi người. Tiểu Quyên trở nên ít nói, không giao tiếp với bạn bè. Tình trạng kéo dài đến khi Tiểu Quyên tốt nghiệp ĐH. 

Tốt nghiệp bằng giỏi nhưng không tìm được việc

Năm 2007, Tiểu Quyên ra trường bằng giỏi. Cô hy vọng, tìm được công việc với mức lương ổn định. Vì lý do gia đình, Tiểu Quyên không học thạc sĩ, quyết định gia nhập thị trường lao động. 

Tuy nhiên, chuyên ngành học không phổ biến nên cô gặp khó khăn khi tìm việc. Tiểu Quyên không có nhiều sự lựa chọn, nên đã tìm việc trái ngành trái nghề. 

Dù cố gắng nộp hồ sơ ở nhiều công ty, nhưng Tiểu Quyên không được nhận vào làm. Điều khiến cô bị các công ty từ chối, do thiếu tự tin và không biết cách giao tiếp. 

Sau nhiều cuộc phỏng vấn không thành công, Tiểu Quyên bắt đầu hoảng loạn. Là niềm hy vọng duy nhất của gia đình nên bố mẹ đặt nhiều kỳ vọng vào cô sẽ thành đạt và kiếm được nhiều tiền. Áp lực này, khiến Tiểu Quyên bị ảnh hưởng tâm lý nặng nề.

Do đó, cô đã dối bố mẹ bản thân vẫn ổn. Tiểu Quyên rơi vào tình trạng ‘ngàn cân treo tóc’ không có tiền sinh hoạt nhưng không dám xin bố mẹ. Áp lực khiến cô liên tục mắc sai lầm trong cuộc sống. 

Trước buổi phỏng vấn, Tiểu Quyên sơ ý nên làm mất giấy tờ cá nhân. Sự việc là ‘giọt nước tràn ly’ khiến cô suy sụp. Không có công việc ổn định, Tiểu Quyên tìm việc bán thời gian ở quán cà phê, nhưng vì mất giấy tờ nên không thể tham gia phỏng vấn. 

Nhặt rác suốt 12 năm, sống qua ngày

Sau thời gian dài thất nghiệp, Tiểu Quyên quyết định bỏ đến Vũ Hán, sống lang thang. Vì tuyệt vọng, cô cắt đứt liên lạc với gia đình, đi nhặt rác và bán phế liệu kiếm sống qua ngày.

Ở quê, bố mẹ lo lắng cho Tiểu Quyên, ròng rã suốt 12 năm, họ đi tìm con gái ở mọi nơi. Thậm chí, để có chi phí đi tìm cô, bố mẹ phải bán đi căn nhà.

12 năm, họ sống trong sự dằn vặt, tự trách móc bản thân vì quá kỳ vọng, gây áp lực cho con gái. Có lúc, vì tuyệt vọng bố mẹ nghĩ Tiểu Quyên đã qua đời.

Đến năm 2019, nhờ sự giúp đỡ của cảnh sát, gia đình Tiểu Quyên đoàn tụ. Cô được cảnh sát tìm thấy trong bộ dạng thảm thương, quần áo rách, đầu tóc bù xù, tay xách túi ni lông, đang tìm kiếm rác tại tòa nhà xây dựng ở quận Hồng Sơn, TP Vũ Hán. 

Sau khi được cảnh sát hỏi, Tiểu Quyên ấp úng trả lời đi nhặt đồ phế liệu và không làm gì phạm pháp. Khi được yêu cầu xuất trình chứng minh thư, Tiểu Quyên không có. Thấy người phụ nữ quen mặt, cảnh sát đưa về đồn và phát hiện cô đang được bố mẹ tìm.

Nhận được cuộc gọi từ cảnh sát, bố mẹ đến Vũ Hán trong đêm gặp Tiểu Quyên. Cuộc gặp gỡ của họ chìm trong nước mắt và lời xin lỗi muộn màng.

Bố mẹ Tiểu Quyên thừa nhận đã tạo áp lực cho con. Họ biết, Tiểu Quyên có tính hướng nội, nhạy cảm, nhưng vì cuộc sống khó khăn mong muốn thoát nghèo, nên vô tình ép con vào đường cùng.

Ở tuổi gần 40, sau 12 năm cắt đứt liên lạc với gia đình, Tiểu Quyên đã về nhà. Với sự đồng hành của gia đình, tình trạng của Tiểu Quyên đã cải thiện. Cô không còn hoảng sợ, có thể giao tiếp bình thường người thân. Bên cạnh việc, bố mẹ thừa nhận sai trong quá trình giáo dục con, Tiểu Quyên cũng nhận thấy bản thân sai. Cô cho biết, sau vấp ngã sẽ cố gắng làm việc chăm chỉ, lấy can đảm đối mặt với cuộc sống thực tại một cách tích cực. Từ đó đến nay, gia đình không đề cập nhiều với truyền thông về câu chuyện của nữ sinh.

Trường hợp của Tiểu Quyên khiến nhiều người trẻ phải suy ngẫm. Thực tế nhiều sinh viên vừa mới ra trường "chân ướt chân ráo" gặp khó khăn khi tìm kiếm việc làm là điều không hiếm. Có rất nhiều người dù đã ra trường vài năm nhưng vẫn phải chật vật với câu chuyện tìm kiếm việc làm, không kiếm được việc làm phù hợp. Lí do nằm ở chỗ họ vẫn còn quá ít kinh nghiệm, thiếu hổng nhiều kỹ năng cần thiết cho công việc. 

Trung Quốc lần đầu tiên công bố số liệu về tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (độ tuổi 16-24) vào năm 2018. Từ mức 11,2% tháng 1/2018, tỷ lệ thất nghiệp giới trẻ trong tháng 4/2023 đã đạt mức kỷ lục 20,4%. Có nghĩa là cứ 5 người trẻ lại có 1 người không có việc.

Nếu so với tỷ lệ thất nghiệp thanh niên tại Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản (độ tuổi 15-24) lần lượt là 6,5%; 6,5%; 4,7%, con số tại Trung Quốc đang cao gấp 3 - 4 lần.

Theo số liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, trong 3 năm từ 2019 - 2022, số lượng lao động tại Trung Quốc đã giảm hơn 41 triệu người, phản ánh tác động của đại dịch Covid-19 đối với nền kinh tế, cũng như tình trạng già hóa dân số của nước này. Số lượng lao động giảm, nhưng tỉ lệ thất nghiệp ở thanh niên vẫn gia tăng. 

Xu hướng thất nghiệp của giới trẻ dự báo sẽ chưa giảm, đặc biệt trong bối cảnh thị trường lao động Trung Quốc đón con số kỷ lục 11,6 triệu sinh viên ra trường năm 2023. Thông thường, tỷ lệ này cao vọt từ đầu năm cho đến tháng 7 khi hàng loạt học sinh, sinh viên tốt nghiệp ra trường tìm việc làm.

Theo Sohu