Đòn đánh “giải phẫu” kết hợp bộ binh tham chiến

Trước cuộc chiến, Mỹ đã mở một chiến dịch tuyên truyền rầm rộ ở trong, ngoài nước về “sự cần thiết phải lật đổ Saddam Hussein” như là “mối đe doạ hàng đầu” đối với lợi ích và an ninh nước Mỹ; do Iraq chế tạo, tàng trữ vũ khí giết người hàng loạt, tiếp tay, huấn luyện và cung cấp đất thánh cho tổ chức khủng bố al Qaeda...Qua đó, nhằm tạo dựng sự đồng thuận trong công chúng Mỹ và vận động quốc tế ủng hộ Mỹ.

Do một số nước vùng Vịnh không cho phép Mỹ sử dụng lãnh thổ của họ làm bàn đạp tiến công, nên Mỹ phải chuyển quân và vũ khí trang bị đến 10 căn cứ của Mỹ trong khu vực, cùng 6 tàu sân bay và một lực lượng hải quân đáng kể ở Địa Trung Hải và Biển Đỏ.

{keywords}
Lính Mỹ trên đường tới Iraq. Ảnh: AP

Quân đội Mỹ còn thuê nhiều tàu vận tải loại lớn để chuyên chở binh lực được nhanh và nhiều. Đặc biệt, để chuẩn bị tiến công Iraq, lần đầu tiên Mỹ triển khai máy bay tàng hình B-2 ngoài lãnh thổ nước Mỹ - đến căn cứ trên đảo Diego  Garcia.

Mỹ cũng tập trung nuôi dưỡng và khai thác các tổ chức chống lại chính quyền Baghdad, trong đó nổi lên là tổ chức vũ trang người Kurd li khai. Điều này tạo những lợi thế nhất định cho Mỹ khi Iraq bị hở sườn ở phía bắc.

Mở đầu cuộc chiến, Mỹ cũng sử dụng đòn tiến công đường không, nhưng khác với các cuộc chiến tranh trước đó, đây là đòn tiến công chính xác, mang tính “giải phẫu” để thực hiện chiến thuật “tìm diệt lãnh đạo”. Đòn không kích mở màn này được tiến hành sớm hơn dự kiến do nhờ tin tình báo mà Mỹ biết chính xác nơi ông Saddam Hussein và 14 nhà lãnh đạo khác đang trú ẩn.

Mỹ đã tung lực lượng bộ binh vào tham chiến ngay sau ngày không kích đầu tiên để buộc Iraq bộc lộ lực lượng, rồi dùng các đòn tiến công đường không để tiêu diệt nhằm giảm mối đe doạ của Iraq đối với lực lượng mặt đất.

Để đối phó với lối đánh du kích và hạn chế tác chiến đô thị, quân Mỹ áp dụng chiến thuật bao vây, chia cắt các thành phố; không cố đánh chiếm ngay các khu vực lớn mà chỉ sử dụng các trục đường chính, thực hiện đánh lướt các vùng phụ cận để tiến công thẳng vào Trung tâm.

Ngay từ trước khi gây chiến, Mỹ đã liên tục huy động các phương tiện tiến hành chiến tranh tâm lý trên mọi lĩnh vực. Đặc biệt, rải gần 44 triệu tờ truyền đơn có nội dung tuyên truyền, kích động, đe doạ, bôi nhọ chế độ Hussein, kêu gọi người dân nổi dậy chống chế độ. Hoạt động tuyên truyền, đưa tin cũng được Mỹ hết sức chú trọng trong quá trình thực hành tác chiến.

Với sự chuẩn bị kĩ càng, sự tham gia của hàng trăm nghìn quân và với các loại vũ khí hiện đại, quân Mỹ nhanh chóng làm chủ chiến trường. Chỉ sau vài tuần lễ, các đơn vị Mỹ đã tiến vào thủ đô Baghdad, sau đó chiếm toàn bộ lãnh thổ Iraq, lật đổ chính quyền Saddam Hussein một cách chóng vánh. Ngày 1/5/2003, Tổng thống Mỹ Bush (con) tuyên bố chấm dứt cuộc chiến. Ngày 13/12/2003, ông Saddam Hussein bị bắt giữ ở ngoại ô thành phố quê nhà Tikrit.

Iraq thất bại do tinh thần chiến đấu kém

Trong cuộc chiến này, đối thủ của Mỹ là một nước nhỏ đã bị kiệt quệ về mọi mặt do thất bại trong chiến tranh năm 1991 và hơn 10 năm cấm vận. Tuy có khoảng 424.000 quân thường trực, 600.000 quân dự bị động viên, nhưng các lực lượng Iraq hầu hết không được trang bị và huấn luyện chu đáo.

Lực lượng nòng cốt là Vệ binh cộng hoà được trang bị tương đối đầy đủ, nhưng lại được huấn luyện để thanh sát nội bộ và bảo vệ Hussein là chính chứ không phải để  chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Chưa kể, có tới 50% số quân của Iraq là người Shiite,  bộ tộc không mấy trung thành với Baghdad.

Iraq thất bại còn do lơ là trong công tác chuẩn bị cho chiến tranh. Các công trình phòng ngự được xây dựng hết sức sơ sài. Quân đội Iraq thiếu tính chủ động chiến lược, luôn bị động để cho đối phương tiến công. Các hệ thống cầu cống, đường giao thông... không hề bị phá huỷ để ngăn chặn bước tiến công của đối phương.

Tuy đã trang bị vũ khí cho 7 triệu người nhưng Iraq không tổ chức được chiến tranh nhân dân, chưa hình thành được cục diện cả nước đánh địch. Tinh thần chiến đấu của quân đội và người dân còn nhiều hạn chế, không ít trường hợp binh sỹ Iraq ra hàng Liên quân, còn dân chúng thì chào đón quân Mỹ-Anh. Về đối ngoại, Iraq đã đánh mất đi nhiều sự ủng hộ của quốc tế, đặc biệt là từ các quốc gia láng giềng.

Về phía Mỹ, cái giá mà họ phải trả cho cuộc chiến là quá lớn: ít nhất 4.415 lính Mỹ thiệt mạng, hàng chục nghìn lính Mỹ bị thương, cùng sự thương vong của hàng nghìn binh lính các nước khác cùng Mỹ tham chiến.

Về chi phí, ban đầu chính quyền Tổng thống Mỹ G. W. Bush ước tính chi khoảng 50 tỷ USD, nhưng thực tế, số tiền mà Mỹ chi cho cuộc chiến này đã lên tới 900 tỷ USD, chưa kể số tiền 14 tỷ USD của Anh. Ngoài ra, Mỹ còn phải chi một khoản tiền tương đương hoặc lớn hơn để đền bù cho những người bị thương tổn về thể chất và tinh thần do cuộc chiến gây ra.

Ngoài ra, sự can thiệp vào Iraq đã phần nào khiến cho Mỹ sao nhãng cuộc chiến chống khủng bố tại Afghanistan, dẫn tới kéo dài cuộc chiến và không đạt hiệu quả như mong muốn.

Nguyên Phong

Bí mật về cơ quan tình báo thâm niên nhất nước Mỹ

Bí mật về cơ quan tình báo thâm niên nhất nước Mỹ

Tình báo hải quân Mỹ (NI) được thành lập ngày 23/3/1882, là cơ quan tình báo có thâm niên hoạt động lâu nhất nước Mỹ.

Nước hưởng lợi nhất ở hội nghị Washington sau Thế chiến I

Nước hưởng lợi nhất ở hội nghị Washington sau Thế chiến I

Mục đích thật của Mỹ là tìm cách củng cố vị trí trên thế giới và ở khu vực Thái Bình Dương.