Người Khmer ở ấp Trà Tro (xã Hàm Giang, Trà Cú, Trà Vinh) có nghề chế tác đồ dùng từ tre đã phát triển nhiều đời. Từ nghề chế tác tre, gần 20 năm nay ấp lại sản sinh thêm nghề kéo xe cải tiến chở sản phẩm đi khắp vùng để bán.

Ông Thạch Chao (86 tuổi) là người già nhất trong đội kéo xe, cũng được các phu xe công nhận là người khai sinh ra nghề độc đáo này.

Gần 20 năm qua, ông Chao đã cùng đội phu xe của ấp Trà Tro kéo hàng vạn chuyến hàng nặng nề, đi hàng chục km mỗi ngày, đi khắp tỉnh Trà Vinh, sang cả Vĩnh Long, Bến Tre để bán.

Hơn 20 năm qua, có lẽ ông Chao đã kéo xe hàng đi hàng vạn km (Ảnh: Nguyễn Cường).

"Hồi những năm 2000, đồ nhựa tràn lan, đồ tre khó bán lắm. Gia đình 5 đứa con của tôi đều làm hàng tre, giường, tủ, thang, bàn ghế cứ làm ra chất đống nhưng có khi dồn mấy tháng không ai đến hỏi mua.

Lúc đó khó khăn dữ lắm, tôi mới nghĩ người ta không đến hỏi thì mình mang đi rao bán. Thế là tôi chất đồ lên xe kéo đi. Có ngày tôi đi 50km, sang tận Bến Tre, cứ vừa đi vừa rao. Đi vậy mới biết người muốn mua vẫn nhiều lắm, chuyến nào cũng bán hết, có khi người ta còn dặn thêm cái này, cái kia để chuyến sau mình mang tới", ông Chao nói.

Ông Chao kể, nhờ việc kéo hàng đi bán, chẳng mấy chốc số hàng tồn của 5 người con đều được dọn sạch, lại còn bán được giá cao. Thấy vậy, các gia đình trong ấp cũng cắt cử người theo ông Chao kéo hàng đi bán.

Mới đầu, hàng nhà nào nhà đấy tự bán, cứ làm mấy ngày đủ một xe hàng lại cắt người kéo đi. Bây giờ trong ấp có một đội hơn 10 người chuyên nghề, họ không sản xuất mà thu mua hàng của bà con rồi kéo đi bán.

Ông Chao bảo rằng mỗi ngày nếu không đi đủ 50km là chưa tìm đủ niềm vui (Ảnh: Nguyễn Cường).

Một xe hàng thường chất 2 cái giường lớn, 5 cái giường con, 2 bộ bàn ghế, cỡ chục cái thang với mấy đồ linh tinh nữa, nặng cỡ ngoài 3 tạ. Một chuyến hàng như vậy sẽ cần khoảng 5 ngày để bán hết. Mỗi chuyến hàng trung bình bán được chừng 4 triệu đồng, trong đó khoảng 1/3 là tiền lãi.

Ông Chao kể, chừng 10 năm trước ông cũng kéo xe hàng đầy như vậy. 10 năm gần đây, "vì vợ con nói nhiều" nên ông Chao chỉ chất xe hàng chừng 2 tạ, mỗi ngày chỉ đi trên - dưới 50km.

"Buổi chiều chất hàng lên xe, nửa đêm thắp hương lễ Phật, lễ gia tiên xong thì kéo hàng đi, đến sáng sẽ vừa đến nơi bán. Ở đây ai cũng đi giờ đó, vừa không phải chịu nắng, vừa có nhiều thời gian rao hàng.

Đi bao nhiêu năm, nên dọc đường toàn người quen, tôi đi đường không mấy khi mất tiền cơm, toàn được bà con cho. Nếu vài tháng không đến vùng nào đó, khi đến người ta nhắc, hỏi han dữ lắm. Nên phải đi thường, để báo với họ mình vẫn khỏe, cho họ mừng.

Đêm thì xin ghé nhà người ta ngủ. Nhưng dù thân cỡ nào thì nguyên tắc là đêm vẫn chỉ xin ngủ ngoài hiên, tuyệt đối không vô nhà, đề phòng sự hiểu lầm mới được lâu dài", ông Chao nói.

Có đôi bắp chân "cứng như đá", ông Chao không thể ngồi xếp bằng mà buộc phải duỗi thẳng chân (Ảnh: Nguyễn Cường).

Bà Sơn Thị Dê (82 tuổi), vợ ông Chao kể: "Hồi đầu thấy chồng có tuổi rồi nhưng vẫn đi cả đêm hôm, nắng mưa, đi hết nơi này đến nơi khác, tôi thương, khóc dữ lắm. Nhưng nghèo, không đi thì không có cái ăn nên phải chịu.

Dần dà, thấy ông càng đi càng khỏe ra, không bệnh tật gì, thành ra lại mừng lắm. Giờ cũng khuyên ông nghỉ, nhưng ông đâu có chịu. Ông bảo ở nhà cuồng chân, mà thật ông chỉ ở nhà 3 hôm là bắt đầu uể oải, nên lại đi nữa".

Bà Dê bảo rằng có lẽ ông Chao khỏe vì ăn uống lành mạnh, lại vận động nhiều. Ông Chao chỉ thích ăn rau, cá tự nhiên, không bao giờ tụ tập. Từ trước đến nay ông Chao chưa từng ốm, dù chỉ hắt hơi sổ mũi, nếu bị cũng chỉ vài bữa sẽ lành.

Nghỉ ở nhà ông Chao cũng phải tìm việc gì để làm, không làm sẽ cảm thấy khó chịu (Ảnh: Nguyễn Cường).

"Hơn 60 năm ở với nhau, ông chưa khi nào hút thuốc, lễ lạt cũng không trà rượu gì, chỉ uống nước suông. Ông cũng chỉ ăn cơm với rau, cá lòng tong, cá lóc đồng chứ cũng ít ăn thịt, giờ nào cũng ăn hết ba bát lớn", bà Dê nói.

Năm ngoái, ông Chao bị tai nạn, gãy 3 xương sườn, thế nhưng nằm nghỉ chưa đầy một tháng ông lại dậy kéo hàng đi bán. Bà Dê với 5 người con cản nhưng cũng không được, đành chất hàng ít lại rồi cắt cử người con cả đi cùng.

"Sau chuyến đi 5 ngày, ba không hề hấn gì, nhưng anh trai đi theo thì bảo thở không nổi. Ba là người già nhất nhà, nhưng khỏe gấp mấy lần anh em tôi, có khi còn khỏe hơn hết cả đám con cháu", chị Thạch Thị Loan (50 tuổi) con thứ tư của ông Chao chia sẻ.

Đều đã ngoài 80 tuổi nhưng vợ chồng ông Chao, bà Dê vẫn khỏe mạnh, minh mẫn (Ảnh: Nguyễn Cường).

Vừa ngồi nghe vợ con "tâng bốc", ông Chao vừa cười, tóc bạc phơ, làn da bánh mật, điệu cười giòn tan. Ông Chao dùng bàn tay vỗ vỗ vào bắp chân săn chắc bảo "cứng lắm, nên không ngồi vòng chân được, lúc nào cũng phải duỗi thẳng".

Nói về chuyện nghỉ ngơi để chiều theo ý vợ con, ông Chao bảo rằng giờ cũng không khỏe được như trước nữa, cứ kéo xe đi chừng 30 phút lại phải dừng nghỉ một lúc. "Nhưng đang đi được mà ngồi không thì khó chịu lắm, ít nhiều, xa gần gì cứ kéo, lúc nào không đi được thì dừng".   

Theo Dân trí