Liên tục tìm kiếm, đưa các giải pháp công nghệ vào nuôi trồng thủy hải sản, Na Uy đang chứng minh cách làm hiệu quả gắn với bảo vệ hệ sinh thái biển. Nhờ đó, quốc gia này dẫn đầu thế giới về nuôi và xuất khẩu cá hồi.
Ứng dụng công nghệ nuôi cá hồi
Na Uy hiện là nước xuất khẩu thủy sản lớn thứ hai thế giới. Năm 2022, quốc gia Bắc Âu này xuất khẩu 2,9 triệu tấn hải sản tới 149 thị trường, giá trị khoảng 15 tỷ USD. Trong đó, thương hiệu nổi tiếng nhất Na Uy tập trung phát triển là cá hồi Đại Tây Dương (chiếm 70% giá trị xuất khẩu thủy hải sản).
Salmon House là nhà trưng bày cá hồi có tiếng ở TP. Alta (Na Uy). Nhà khoa học Åse Østvold, Trưởng nhóm hoạt động tại nhà trưng bày, khi dẫn đoàn phóng viên từ Việt Nam đi tham quan, đã đặt tay lên sàn nhà và tiết lộ một sự thật khá thú vị.
"Nền nhà chúng ta đang đứng được làm bằng lồng nuôi cá hồi đã qua sử dụng", bà Åse Østvold nói. Theo nhà khoa học này, những lồng cá hồi theo thời gian được cải tiến rõ rệt. Chúng được gắn nhiều ứng dụng công nghệ mới, giúp các lồng cá thân thiện với môi trường.
Ứng dụng công nghệ trong nuôi cá hồi được chú trọng hàng đầu tại Na Uy, giúp giải quyết được rất nhiều vấn đề. Điển hình như hệ thống giám sát thức ăn, có thể điều chỉnh độ sâu của lồng cá để tạo ra chất lượng cá hồi tươi ngon nhất.
Bà Åse Østvold đã dành 2 giờ đồng hồ để dẫn đoàn mục sở thị khu vực đặt lồng nuôi cá hồi ở vùng biển Bắc Đại Tây Dương (TP. Alta). Vùng biển này có khí hậu lạnh quanh năm, là điều kiện lý tưởng để phát triển nghề nuôi cá hồi.
Cách đất liền khoảng 1km, nhìn từ trên cao, 6 chiếc lồng nuôi cá với công suất đến 200.000 con mỗi lồng. Cạnh đó, đơn vị nuôi trồng bố trí một thuyền giám sát và vận hành lồng nuôi.
Các lồng cá được cải tiến nhằm bắt kịp xu thế phát triển chung. Đến nay, lồng lưới có tỷ lệ 97,5% nước và 2,5% cá, giúp cá hồi có đủ không gian để bơi lội, sinh sống. Cá được tiêm phòng trong lồng ươm trước khi thả nuôi trong môi trường biển. Việc tiêm phòng nhằm đảm bảo cho cá hồi khỏe mạnh và không mang theo các mầm bệnh, ảnh hưởng đến cả lồng nuôi.
Các ống dẫn thức ăn được đưa trực tiếp vào lồng nuôi cá hồi. Thông qua hệ thống camera, đơn vị nuôi trồng theo dõi chính xác lượng thức ăn thực tế cần cung cấp. Hệ thống này giúp cá tiếp nhận đủ dinh dưỡng, không gây lãng phí và bảo vệ môi trường biển.
Trên tàu giám sát có thể trữ khoảng 450 tấn thức ăn. Các loại thức ăn được xay nhuyễn từ cá, tôm; đảm bảo tuyệt đối không gây biến đổi gen, không chứa kháng sinh và không có hóa chất cũng như hormone tăng trưởng.
Bà Åse Østvold cho hay, ngành nuôi trồng thủy sản của Na Uy được đánh giá là hiện đại hàng đầu thế giới và có tính cạnh tranh cao. Các đơn vị nuôi trồng lớn luôn dành một phần lợi nhuận để đầu tư nghiên cứu phát triển công nghệ và tìm tòi phương pháp sản xuất mới, giúp tăng sản lượng, giảm tác động tới môi trường và tăng giá trị của cá hồi.
Với kinh nghiệm 50 năm phát triển nghề nuôi cá hồi, từ nuôi cá bằng lồng gỗ đến nay Na Uy đã có loại lồng nuôi lớn và neo đậu chắc chắn, các trang trại có thể chuyển ra vùng nước sâu hơn với dòng chảy mạnh hơn. Điều đó giúp cá hồi phát triển tốt hơn và giảm chi phí sản xuất. Tất cả là nhờ cách mạng công nghệ 4.0.
Để đảm bảo hoạt động nuôi trồng cá hồi bền vững, thân thiện với môi trường, Chính phủ Na Uy quy định tất cả trang trại phải tạm dừng nuôi vài tháng sau mỗi chu kỳ. Nhờ đó, đáy biển có thời gian phục hồi. Việc giám sát sự phục hồi đáy biển được thực hiện bởi một bên thứ ba hoàn toàn độc lập.
Chú trọng chất lượng
Không chỉ giải được bài toán nuôi cá hồi bền vững, Na Uy còn ứng dụng công nghệ để nâng cao chất lượng cá hồi. Công nghệ được sử dụng để xác định chất lượng của cá hồi từ lúc nuôi trồng đến khi hoàn thiện sản phẩm và đến tận tay người tiêu dùng. Công nghệ cho phép người tiêu dùng có thể truy xuất nguồn gốc lô hàng mà họ đang sử dụng, thông qua hành lang pháp lý chặt chẽ.
Cụ thể, Chính phủ Na Uy quản lý thống nhất, chặt chẽ ngành nuôi trồng thủy sản. Tổng cục Thủy sản là đầu mối cấp phép cho các công ty xây dựng và phát triển các trang trại cá hồi trên khắp Na Uy, đảm bảo sự phát triển hài hòa.
"Các đơn vị nuôi trồng được yêu cầu giới hạn số lượng cá hồi, chỉ chiếm hơn 2% trong mỗi lồng nuôi, là minh chứng rõ nét cho việc Na Uy ưu tiên chất lượng thay vì chạy theo số lượng", ông Asbjorn Warvik Rortveit, Giám đốc khu vực Đông Nam Á của Hội đồng Hải sản Na Uy, chia sẻ.
Theo ông Asbjorn, quy trình nuôi cá hồi từ nhân giống cá con, nuôi trong lồng trên biển đều được giám sát và kiểm tra chặt chẽ, liên tục, đảm bảo khâu cuối cùng là những con cá hồi chất lượng tốt. An toàn thực phẩm được thực hiện khắt khe trong quá trình xuất khẩu cá ra thị trường thế giới.
Đại sứ Na Uy tại Việt Nam - bà Hilde Solbakken, cho rằng: "Na Uy là một quốc gia nuôi trồng và chế biến, xuất khẩu thủy sản có trách nhiệm. Sản phẩm trải qua các biện pháp kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt, đáp ứng các tiêu chuẩn cao nhất. Trong mọi công đoạn từ trang trại (biển) đến bàn ăn, sản phẩm được giám sát cẩn thận về độ tươi, hương vị và giá trị dinh dưỡng".
Việt Nam là thị trường tiềm năng
Theo ông Asbjorn Warvik Rortveit, Việt Nam là quốc gia tiềm năng và dự báo sẽ là thị trường phát triển mạnh nhất Đông Nam Á của hải sản Na Uy.
Ngoài ra, với điểm chung là quốc gia ven biển, Việt Nam và Na Uy đã và đang có những phối hợp trong việc phát triển lĩnh vực thủy hải sản. Năm 2021, các cơ quan thuộc chính phủ hai nước đã ký Ý định thư về tăng cường và phát triển hợp tác trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản trên biển.
Theo Đại sứ Việt Nam tại Na Uy Đinh Nho Hưng, mối quan hệ giữa Việt Nam và Na Uy trong lĩnh vực thủy hải sản mang tính hỗ trợ, bổ trợ cho nhau, không phải cạnh tranh.
Hai nước chia sẻ mạnh mẽ mối quan tâm chung trong việc thực hiện thành công các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc cũng như cùng nhau hợp tác, tham gia vào các nỗ lực chống biến đổi khí hậu và bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu trong bối cảnh thế giới đang chứng kiến nhiều thay đổi to lớn về kinh tế, xã hội và môi trường sống.