Một người có thể xa rời sự nghiệp vì các lý do cá nhân từ nhân sự, chứ không hẳn vì dịch bệnh. Ví dụ, người đó phải chăm sóc người nhà ốm đau; trông nom con cái những năm đầu đời; theo đuổi bằng cấp; hoặc đi du lịch khắp thế giới…
Tuy nhiên, dù từng vì lý do gì, thì bây giờ nhân sự này đã sẵn sàng quay trở lại làm việc. Là một ứng viên, họ cần trung thực về kinh nghiệm công việc, cũng như sẵn sàng cho các câu hỏi của nhà tuyển dụng, như: Vì sao bạn lại nghỉ việc một thời gian?
Trong trường hợp này, lý do nghỉ việc chưa hẳn quan trọng bằng cách nhân sự giải thích về lựa chọn của mình, hoặc cách nhân sự sử dụng thời gian cho “khoảng trống” đó. Để tránh bị “mắc kẹt” trong câu chữ, ứng viên cần bước vào cuộc phỏng vấn với tâm thế chủ động cho việc giải thích về “khoảng trống” nghề nghiệp. 6 mẹo dưới đây có thể giúp ứng viên tự tin khi đối mặt với vấn đề này.
(Nguồn hình: Freepik) |
Không chia sẻ quá đà
Nếu ứng viên chưa được chuẩn bị kỹ càng, có thể dẫn đến việc chia sẻ quá mức cần thiết. Các nhà tuyển dụng hầu như không quan tâm ứng viên đã chăm sóc gia đình, người thân vất vả như thế nào; đã khốn khổ ra sao suốt thời gian nghỉ việc; có trải nghiệm du lịch như thế nào…
Nếu lý do từng nghỉ việc do tai nạn hoặc khủng hoảng tâm lý, ứng viên nên tiết chế chia sẻ sâu về vấn đề này. Đặc biệt, không nên vừa trả lời vừa khóc. Bởi những điều đó có thể làm cuộc phỏng vấn trở nên khó xử giữa 2 bên.
Giải thích vừa đủ
Không chia sẻ quá mức không có nghĩa là đáp lại bằng sự bí ẩn, hay lờ đi mối sự quan tâm của người phỏng vấn. Thay vào đó, ứng viên có thể giải thích đơn giản như: tạm dừng công việc để dành thời gian cho con cái; cho bản thân khoảng thời gian nghỉ ngơi sau nhiều năm chịu áp lực cao trong ngành; có quá ít sự lựa chọn do nhà neo người; tình hình kinh doanh toàn ngành bị ảnh hưởng…
Nhận được câu trả lời vừa đủ cho thấy ứng viên không có gì phải che giấu, trốn tránh, sẽ giúp nhà tuyển dụng cảm thấy yên tâm. Điều quan trọng là ứng viên cần phân biệt giữa giải thích và biện minh khi nói về những vấn đề này.
Nhấn mạnh những kỹ năng mới
Ứng viên nên đề cập đến các công việc tình nguyện, các lớp học, chứng chỉ, hội thảo… mà họ đã tham dự trong khoảng thời gian nghỉ việc. Khi các điều trên chưa phù hợp với vị trí ứng tuyển, ứng viên có thể nói về một kỹ năng mềm mới họ đã học được.
Các kỹ năng mềm có thể bao gồm: giao tiếp, đàm phán, khả năng thích nghi, giải quyết vấn đề, và kỹ năng quan sát… Ứng viên nên đưa ra những ví dụ và tình huống có cơ sở cho thấy họ đã học được cách giao tiếp hiệu quả, hoặc tự động thích nghi với các tình huống bất ngờ.
Việc ứng viên thể hiện tiếp tục phát triển bản thân trong khoảng thời gian nghỉ việc là điều đáng trân trọng, nên làm nổi bật điều đó.
Giải thích về thời gian quay lại làm việc
Ứng viên nên nói lý do ngắn gọn về việc chọn thời điểm hiện tại để quay trở lại công việc. Ứng viên cần cho nhà tuyển dụng biết họ đã hoàn thành những việc cần làm trong thời gian nghỉ, giờ họ đã sẵn sàng và hăng hái trở lại làm việc.
(Nguồn hình: Freepik) |
Hãy tự tin
Ứng viên cần tự tin 100% vào bản thân. Nếu ứng viên để lộ sự do dự, người phỏng vấn cũng sẽ cảm thấy không chắc chắn. Đồng thời, ứng viên không nên hạ thấp những gì họ đã làm trong thời gian nghỉ. Bởi dù lý do là gì, nó đều chính đáng với ứng viên khi đưa ra quyết định. Ứng viên cần giải thích rõ ràng và tự tin về điều này cho người phỏng vấn.
Khéo léo “chuyển kênh”
Khi người phỏng vấn hỏi đi hỏi lại vấn đề này, ứng viên có thể giải thích lại, nhưng không phải nói về nó nhiều hơn 1 hoặc 2 phút. Ứng viên có thể nhắc lại nguyên nhân thật đơn giản, nhấn mạnh những kết quả tích cực nhờ quyết định đó, và cho biết vì sao lại sẵn sàng phấn đấu vì sự nghiệp lần nữa.
Khi khoảng thời gian nghỉ việc ngắn hơn nhiều so với mức độ kinh nghiệm ứng viên thực sự có, điều này không thể định nghĩa năng lực của ứng viên hay những giá trị ứng viên có thể mang lại cho công ty. Ứng viên nên khéo léo chuyển sang nói về các thế mạnh, kinh nghiệm trước đây và tất cả những thành tích mà họ đã đạt được.
(Nguồn: CareerBuilder)