Ninh Bình muốn đưa chuyển đổi số vào dự thảo văn kiện, tuy nhiên lúc đầu lúng túng không biết phải làm thế nào và đưa chuyển đổi số vào với liều lượng thế nào. Rất may trong quá trình nghiên cứu có Quyết định 749 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, đặc biệt là từ ngày 12/7/2020, Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ TT&TT về làm việc với Ninh Bình.
Ninh Bình được Bộ TT&TT chọn làm tỉnh thí điểm và hướng dẫn. Nhờ vậy, chúng tôi đã quyết định chọn 1 xã và thậm chí là làm nhanh để lấy tư liệu, thông tin đưa vào xây dựng nghị quyết đảng bộ tỉnh.
Việc chúng tôi chọn 1 xã làm thí điểm xuất phát từ nhận thức cho rằng chuyển đổi số là một việc làm mới và rất khó, do vậy cần phải làm thí điểm để việc thí điểm vừa ở một diện hẹp, mang tính chất trực tiếp, nhưng lại phải toàn diện tất cả các vấn đề và hướng tới người dân.
Với xã Yên Hòa mà chúng tôi chọn, đây là xã có hơn 2.300 hộ dân với 7.557 nhân khẩu, tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại thông minh là 70%. Đây là những thông số cơ bản, đáp ứng yêu cầu cho việc thí điểm và sau này sẽ được nhân rộng.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà - Bí thư tỉnh Ninh Bình nói về chuyển đổi số cấp xã. Ảnh: Trọng Đạt |
Ninh Bình đã làm gì và kết quả như thế nào?
Với quan điểm lấy người dân làm trung tâm, chúng tôi tập trung chuyển đổi số trong các hoạt động đời sống hàng ngày, đem đến các tiện ích thiết thực cho người dân, làm sao để người dân thấy cần phải làm, muốn làm và có thể làm được để chuyển đổi số.
Cụ thể là, để nhân dân chung tay phòng chống dịch Covid-19, chúng tôi đã cài đặt 1.300 ứng dụng Bluezone trên điênj thoại. Muốn người dân sử dụng dịch vụ y tế chất lượng, không mất thời gian, chúng tôi triển khai ứng dụng phần mềm khám chữa bệnh từ xa và 1.100 ứng dụng Medicin và khoảng 1.500 các thành viên tham gia nhóm Yên Hòa bác sĩ trả lời, đến nay có khoảng 1.700 lượt câu hỏi đã được bác sĩ tư vấn.
Trong các trường học, chúng tôi đã triển khai sổ liên lạc điện tử, phần mềm quản lý thư viện, phần mềm tuyển sinh đầu cấp và hệ thống thanh toán không tiền mặt. Chúng tôi hỗ trợ người dân tiếp cận thương mại điện tử thông qua việc đưa một số sản phẩm như cá chạch sây khô, trạch chiên, chuối tây sấy dẹt lên mạng, nhờ vậy sản lượng bán hàng của người dân tăng 4, 5 lần, thu nhập của hội viên hợp tác xã đang từ 1,5-2t tăng lên khoảng 5t/tháng.
Với ứng dụng công dân số, tại ứng dụng này, người dân được phổ biến giáo dục pháp luật, tra cứu thủ tục hành chính, nộp hồ sơ, phản ánh kiến nghị, tố giác tội phạm. Với ứng dụng này, đến hết tháng 1/2021, chúng tôi sẽ cài đặt cho khoảng 2.000 hộ dân, chiếm khoảng 87% số hộ dân trong xã.
Chúng tôi cũng đã lắp đặt 48 camera an ninh hỗ trợ tích cực công tác đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn. Đã thiết laoaj kênh thông tin giao tiếp giữa lãnh đạo xã và nhân dân thông qua hệ thống tin nhắn, đã gửi tin nhắn cảnh báo dịch bệnh, lịch sản xuất, vận động quyên góp. 100% cán bộ xã đã được cấp chứng thư số và ký văn bản điện tử. Đến nay, không còn tình trạng in văn bản để báo cáo lãnh đạo.
Chúng tôi cũng đã triển khai hệ thống thanh toán điện tử thông qua chuyển khoản ngân hàng, xây dựng mã bưu chính viễn thông cho 100% cơ quan hộ gia đình trên địa bàn xã thông qua bản đồ số gắn liền với việc phát triển thương mại điện tử và triển khai phần mềm truyền thanh thông minh sử dụng trí tuệ nhân tạo.
Bên cạnh những kết quả cụ thể trên, một kết quả to lớn có ý nghĩa sâu sắc mà Nình Bình thu được từ việc chuyển đổi số của Yên Hòa là cấp ủy, chính quyền, nhân dân Ninh Bình tự tin hơn, có đường hướng hơn và quyết liệt hơn trong lãnh đạo, chỉ đạo để đề ra giải pháp chuyển đổi số trong thời gian tới.
Bằng chứng là, từ tiếng súng ban đầu như đã nói ở trên, đến nay, trong nghị quyết đại hội đảng bộ tỉnh Ninh Bình đã xác định xây dựng chính quyền điện tử chuyển đổi số là một trong 3 khâu đột phá của nhiệm kỳ tới.
Chúng tôi cũng đã xác định chuyển đổi số sẽ là nghị quyết đầu tiên của ban chấp hành đảng bộ khóa mới, dự kiến sẽ ban hành trong Quý 1 năm 2021. Việc này đã được khẳng định trong chương trình hành động thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ tỉnh.
Hiện nay, chúng tôi đang tập trung chỉ đạo để xây dựng xã hội số trên cơ sở ứng dụng tại các ngành y tế, giáo dục, giao thông và kinh tế số tại các ngành du lịch, công nghiệp, công thương.
Xuất phát từ quyết tâm như vậy, ngay trong dự toán ngân sách năm 2021, Ninh Bình đã dành tỷ lệ 1,5% ngân sách để thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số. Tỷ lệ này đưa ra số ngân sách gấp khoảng 10 lần so với những năm trước.
Thông qua câu chuyện ở Yên Hòa, chúng tôi thấy có một số bài học được rút ra.
Thứ nhất, công nghệ, kinh phí là điều quan trọng nhưng không phải là quyết định. Tại xã Yên Hòa, tổng kinh phí để thực hiện hoạt động vừa rồi là khoảng 200 triệu đồng. Chúng tôi cho rằng mấu chốt quyết định là phải tìm ra bài toán hỗ trợ các dịch vụ, tiện ích cho người dân. Nói cách khác, phải lấy nhân dân làm trung tâm, khi đó, các công việc, các hoạt động triển khai sẽ được đón nhận và lan tỏa. Đến nay, ở Yên Hòa, chuyển đổi số đã trở thành nhu cầu tự thân của nhân dân trong xã. Có một thực tế là khi người dân đã ứng dụng các tiện ích của chuyển đổi số, họ hoàn toàn không muốn quay lại thói quen cũ nữa.
Bài học thứ 2 là phải có quyết tâm chính trị cao, vai trò của đội ngũ cán bộ rất quan trọng. Chúng tôi cũng xây dựng kế hoạch để nhân rộng mô hình của xã Yên Hòa. Qua rà soát, ban đầu sẽ chỉ khoảng 50% số xã có thể đáp ứng dược yêu cầu triển khai mô hình này.
Thời gian đầu khi thực hiện, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Người dân không dễ dàng tin, đưa điện thoại để chúng tôi cài đặt các app. Trình độ ứng dụng CNTT của cán bộ thôn, xóm còn hạn chế, vì vậy phải có quyết tâm rất cao, cán bộ thôn, xóm, đoàn thể phải đi giải thích, tổ chức các lớp tập huấn cán bộ từng tuần, giám sát công việc mới có thể hóa giải những khó khăn đó.
Câu chuyện của Yên Hòa là minh chứng để thấy cách thức từ chủ trương đưa vào thực tiện, đồng thời từ thực tiễn rút kinh nghiệm để các chủ trương đúng hơn, lớn hơn. Đây là quá trình biện chứng 2 mặt của một vấn đề.
Chúng tôi rất tin tưởng chuyển đổi số sẽ giúp thuận lợi hơn trong quá trình đánh giá, sử dụng cán bộ. Khi các số liệu rõ ràng minh bạch hơn, khi đó rất thuận lợi cho nhân dân thực hiện vai trò giám sát của mình, từ đó góp phần quan trọng vào công tác xây dựng đảng. Các số liệu sẽ là căn cứ quan trọng để xây dựng, triển khai các chủ trương, đường hướng khoa học hơn.
Thông qua chuyển đổi số, chúng tôi thấy sẽ thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tăng năng suất lao động, tạo động lực mới cho sự phát triển.
Từ thực tiễn ở Ninh Bình, chúng tôi xin đề xuất với Bộ TT&TT 2 vấn đề.
Thứ nhất, cần có sự hỗ trợ của Bộ TT&TT về vấn đề đào tạo nguồn nhân lực cho công cuộc chuyển đổi số. Điều này cần sự tham gia của cả hệ thống chính trị. Từ thực tiễn của cấp xã, có rất nhiều việc đang thuộc về trách nhiệm của huyện, của tỉnh.
Rõ ràng, nhân dân của chúng ta đã trở thành những công dân số rồi. Trong khi đó, nếu lãnh đạo chưa trở thành lãnh đạo số sẽ không đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. Vì vậy, cần có các chương trình đào tạo, bồi dưỡng một cách tổng thể.
Đề xuất thứ 2 là bộ cần nghiên cứu khung tiêu chí chuyển đổi số cấp xã, huyện, tỉnh, qua đó để triển khai sâu rộng trên địa bàn toàn quốc.
Chúc mừng ngành TT&TT đã có rất nhiều thành tích xuất sắc trong năm 2020, nhất là trong xây dựng chính phủ điện tử và chương trình chuyển đổi số quốc gia.