Đề dẫn tại hội nghị, lãnh đạo Tổng cục Thủy sản báo cáo, Việt Nam là một quốc gia biển, với 3.260km đường bờ biển; 12 huyện/thành phố đảo nên có nhiều tiềm năng, lợi thế từ biển. Việt Nam cũng được thiên nhiên ưu đãi khi nằm trong vùng có tính đa dạng sinh học (ĐDSH) khá cao, xếp thứ 16 trong số các quốc gia có ĐDSH cao nhất trên thế giới với khoảng hơn 11.000 loài sinh vật đã được phát hiện.
Các loài này cư trú trong hơn 20 kiểu hệ sinh thái điển hình, có năng suất sinh học cao và quyết định toàn bộ năng suất sơ cấp của toàn vùng biển. Và để quản lý các hệ sinh thái này, Việt Nam đang có 6 Ban quản lý riêng biệt về khu bảo tồn biển cùng với 5 Ban quản lý Vườn quốc gia có biển. Tuy nhiên, các Ban quản lý này có những hình thức tổ chức khác nhau và chưa đáp ứng được nhu cầu quản lý.
Thậm chí, theo ông Lê Trần Nguyên Hùng, Vụ trưởng Vụ Bảo tồn và Phát triển nguồn lợi thủy sản (Tổng cục Thủy sản), dù được Chính phủ đầu tư nhưng công tác quản lý các khu bảo tồn biển, ven biển của Việt Nam đang tồn tại nhiều bất cập. Cụ thể, nhiều khu bảo tồn hiện nay vẫn trong tình trạng “4 không”: Không tiền, không có người quản lý, không phương tiện giám sát và không có thẩm quyền (không có tư cách pháp nhân để khai thác).
Thực trạng này đã kéo dài nhiều năm tuy nhiên vẫn chưa được quan tâm, xử lý dứt điểm. Điều này dẫn đến một số bất cập nhưng có những nơi chưa đủ chức năng xử lý vi phạm, có những nơi còn chưa đủ thẩm quyền để tham mưu về công tác bảo tồn biển. Do đó, tại hội nghị các đại biểu đã bàn sâu những giải pháp hướng tới việc thực hiện hiệu quả Nghị quyết 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 về chiến lược phát triển triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đứng ở góc độ địa phương, ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, Thanh Hoá có 1 Khu bảo tồn biển Quốc gia Hòn Mê với diện tích 6.700 ha, trong đó có 6.200 ha là mặt biển. Xác định kinh tế biển là mũi nhọn của địa phương, do đó với tiềm năng lớn về nuôi trồng thuỷ sản với đầy đủ loại hình nuôi từ nước mặn, nước lợ đến nước ngọt nên Thanh Hóa cũng rất quan tâm tới vấn đề phát triển kinh tế và bảo tồn biển.
“Tuy nhiên, công tác bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản hiện nay đôi lúc vẫn mắc vào mâu thuẫn giữa phát triển kinh tế và bảo tồn biển… Chính phủ, các nhà khoa học, doanh nghiệp tham dự hội nghị cần tìm ra pháp đồng bộ về cơ chế, chính sách và các quy định pháp luật trong công tác quản lý khu bảo tồn biển, ven biển, thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển. Tạo hành lang pháp lý minh bạch, để các địa phương như Thanh Hóa có thể vừa bảo tồn biển, vừa phát triển kinh tế bền vững”, ông Giang kiến nghị.
Thông cảm và thấu hiểu được với khó khăn của các địa phương, ông Lê Trần Nguyên Hùng cho rằng, hệ thống pháp luật về bảo tồn biển, đa dạng sinh học khá đầy đủ, nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý bảo tồn biển hiệu quả, bền vững. Do đó kiến nghị của các địa phương cần được sớm tháo gỡ, ví dụ chính sách về việc thu phí tham quan tại các khu bảo tồn, chia sẻ doanh thu từ các hoạt động du lịch trong khu bảo tồn cho các ban quản lý khu bảo tồn, chính sách nuôi biển trong các khu bảo tồn...
Ghi nhận các ý kiến này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá, khu bảo tồn biển giữ vai trò hết sức quan trọng trong việc duy trì, bảo tồn ĐDSH biển, bảo tồn các hệ sinh thái biển; bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, nét đẹp tự nhiên của biển; bảo tồn các loài thủy sản có giá trị khoa học, kinh tế; bảo vệ các dải đất ven biển, ven đảo chống xói lở bờ biển. Những điều đó góp phần quan trọng trong ứng phó biến đổi khí hậu, giảm nhẹ rủi ro do thiên tai đối với vùng ven bờ, ven đảo.
Theo đó, thời gian tới Bộ sẽ tham mưu cho Chính phủ ban hành các chính sách để các khu bảo tồn biển có tác dụng làm hài hòa giữa phát triển kinh tế-xã hội với bảo vệ môi trường biển, tạo ra không gian xanh cho ngành du lịch biển và một số ngành kinh tế khác phát triển, đóng góp chung vào mục tiêu phát triển bền vững ngành kinh tế biển như mục tiêu mà Đảng và Nhà nước đã đề ra.