Nhận định xu thế thời tiết từ nay đến ngày 20/8, Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia cho hay, tại Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có khả năng xuất hiện từ 2-3 đợt mưa giông, tập trung trong thời kỳ cuối tháng 7 và đầu tháng 8.
Khoảng từ ngày 23/7 tại Bắc Bộ xảy ra nắng nóng, tập trung ở khu vực trung du và đồng bằng Bắc Bộ; ở khu vực Bắc và Trung Trung Bộ tiếp tục xảy ra nắng nóng trên diện rộng, nắng nóng gay gắt vẫn xảy ra ở các tỉnh vùng núi Bắc và Trung Trung Bộ.
Miền Bắc còn xuất hiện nhiều đợt nắng nóng |
Các đợt nắng nóng còn xảy ra trong tháng 8 ở khu vực Bắc, Trung Trung Bộ và đầu tháng 8 ở vùng đồng bằng Bắc Bộ nhưng không gay gắt.
Mười ngày đầu tháng 8, mưa có xu hướng gia tăng trên toàn quốc.
Nhiệt độ trung bình trong một tháng tới hầu khắp các khu vực của cả nước đều cao hơn so với trung bình nhiều năm (TBNN) từ 0,5-1 độ.
Lượng mưa trên cả nước phổ biến xấp xỉ so với TBNN; khu vực Đông Bắc Bắc Bộ và các tỉnh Nam Bộ ở mức xấp xỉ trên so với TBNN cùng thời kỳ.
Xoáy thuận nhiệt đới có khả năng xuất hiện trên khu vực Biển Đông trong nửa đầu tháng 8.
Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia cho biết thêm, từ nay đến tháng 1/2021 có khả năng xuất hiện khoảng 9-11 cơn bão và ATNĐ hoạt động trên khu vực Biển Đông, trong đó có khoảng 5-6 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta, tập trung nhiều ở khu vực Trung Bộ và phía Nam trong những tháng cuối năm 2020.
Tình trạng khô hạn thiếu nước có khả năng lan rộng tại Trung Bộ
Về tình hình thuỷ văn từ nay đến cuối năm, tại Bắc Bộ nguồn nước từ tháng 8 tiếp tục thiếu hụt so với TBNN từ 30-40%, hạ lưu sông Lô và sông Hồng từ 40-70%.
Đỉnh lũ năm 2020 trên các sông phổ biến ở mức BĐ1-BĐ2, cao hơn năm 2019, trên sông Thao, sông Hoàng Long và các sông suối nhỏ từ BĐ2-BĐ3. Mực nước hạ lưu sông Hồng tại Hà Nội và hạ lưu sông Thái Bình ở mức dưới BĐ1. Lũ quét, sạt lở đất có nguy cơ cao xảy ra tại khu vực vùng núi, đặc biệt khu vực Tây Bắc và Việt Bắc.
Nửa cuối tháng 7 đến tháng 8, trên các sông từ Thanh Hóa đến Quảng Bình và khu vực Tây Nguyên có khả năng xuất hiện 2-3 đợt lũ vừa và nhỏ, đỉnh lũ có khả năng ở mức BĐ1-BĐ2, trên một số sông suối nhỏ có khả năng lên trên BĐ2; mực nước các sông khác ở Trung Bộ biến đổi chậm.
Lượng dòng chảy trên các sông phổ biến ở mức thiếu hụt từ 30-65% so với TBNN, một số sông thiếu hụt trên 70%; trên một số sông có khả năng xuất hiện mực nước thấp nhất trong chuỗi số liệu quan trắc.
Trong thời gian này tình trạng khô hạn thiếu nước, xâm nhập mặn có khả năng lan rộng tại các tỉnh ven biển Trung Bộ ở mức tương đương mùa khô năm 2019, đặc biệt nghiêm trọng hơn ở ngoài vùng cấp nước của các công trình thuỷ lợi các tỉnh từ Quảng Trị đến Ninh Thuận.
Đỉnh lũ năm 2020, trên các sông ở khu vực Trung Bộ và Bắc Tây Nguyên có khả năng ở mức cao hơn năm 2019.
Lũ trên sông Mê Kông đến muộn, từ cuối tháng 7 đến tháng 10, tổng lượng dòng chảy trên các trạm thượng nguồn Mê Kông có khả năng thiếu hụt so với TBNN từ 15-30%.
Đỉnh lũ năm 2020, ở đầu nguồn sông Cửu Long có khả năng ở mức BĐ1 - BĐ2, và có thể xuất hiện vào cuối tháng 9. Khả năng xuất hiện lũ lớn là không nhiều, tuy nhiên nguy cơ lũ lên nhanh hơn bình thường do mưa lớn trong thời gian ngắn có thể gây tác động tiêu cực đến vùng ĐBSCL.
Thành phố Hà Giang chìm trong biển nước, 2 mẹ con bị vùi chết
Mưa lớn trong nhiều ngày gây ra sạt lở đất làm tê liệt nhà máy thủy điện Thái An, thành phố Hà Giang ngập sâu, 2 người chết do bị vùi lấp.
Hương Quỳnh
"Bạn đọc có khúc mắc, bày tỏ quan điểm hay cần truyền thông tham gia giải quyết các vấn đề cá nhân, cộng đồng...hãy liên lạc với chúng tôi theo địa chỉ email banxahoi@vietnamnet.vn . Mọi thắc mắc, kiến nghị, đề xuất đều được xem xét hỗ trợ trong thời gian sớm nhất. Trân trọng!" |