“Việt Nam nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, có đường bờ biển trải dài hơn 3.000 km với 28 tỉnh, thành phố ven biển, vì vậy tiềm năng phát triển năng lượng gió tại Việt Nam vô cùng lớn”, đó là đánh giá của ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương tại hội thảo “Phát triển điện gió ngoài khơi vì tương lai năng lượng sạch của Việt Nam” do Ban Kinh tế trung ương và Hội đồng năng lượng gió toàn cầu tổ chức ngày 16/12.
Điện gió ngoài khơi là lĩnh vực rất mới mẻ ở Việt Nam |
Đối với điện gió ngoài khơi, hiện đã có 35 dự án đang nghiên cứu và triển khai với tổng công suất dự kiến lên đến 60.000MW, điều này cho thấy tiềm năng điện gió ngoài khơi của chúng ta là rất lớn, hoàn toàn đảm bảo đáp ứng nhu cầu điện năng trong tương lai.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương, đến nay, điện gió ngoài khơi vẫn được coi là lĩnh vực mới ở Việt Nam; việc thể chế hóa, cụ thể hóa chỉ đạo yêu cầu “xây dựng các chính sách hỗ trợ và cơ chế đột phá cho phát triển điện gió ngoài khơi gắn với triển khai thực hiện Chiến lược biển Việt Nam” nêu tại Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị của các cấp, các ngành còn chậm.
Ông Đặng Hoàng An, Thứ trưởng Bộ Công Thương chia sẻ: Điện gió nói chung và điện gió ngoài khơi nói riêng là nguồn năng lượng sạch và hiện bắt đầu được khai thác hiệu quả tại nhiều nước trên thế giới. Tính tới cuối năm 2020, tổng công suất điện gió ngoài khơi đạt khoảng 35.000MW, cao hơn 14 lần so với 10 năm trước đây. Lĩnh vực điện gió có tương lai phát triển rất hứa hẹn.
Cam kết của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam tại COP 26 vừa qua cho thấy cơ hội phát triển điện gió ngoài khơi là rất lớn và tiềm năng. Với cam kết đạt mức phát thải ròng zero vào năm 2050, Việt Nam sẽ xây dựng lộ trình chi tiết đối với từng ngành, từng lĩnh vực để thực hiện cam kết của mình, trong đó có lĩnh vực năng lượng sạch và năng lượng tái tạo.
Ông Đặng Hoàng An cho biết: Hiện nay, Bộ Công Thương đang hoàn thiện Dự thảo Quy hoạch điện VIII, trong đó dự kiến đề xuất quy mô các dự án điện gió ngoài khơi đạt khoảng 5.000 MW vào năm 2030 và tăng dần tới quy mô trên 40.000 MW vào năm 2045. Nếu điều kiện kinh tế và kỹ thuật cho phép thì có thể phát triển nhiều hơn nữa. Theo đánh giá, điện gió ngoài khơi có thể (và cần phải) đóng vai trò quan trọng trong tổng cung năng lượng của Việt Nam trong thời gian tới. Phát triển điện gió ngoài khơi tại Việt Nam còn giúp lan tỏa, góp phần tạo ra công ăn việc làm và từng bước hình thành ngành công nghiệp phụ trợ hỗ trợ cho lĩnh vực phát triển điện gió tại Việt Nam.
“Có thể nói đây vừa là cơ hội nhưng cũng vừa là thách thức rất lớn đối với lĩnh vực điện gió ngoài khơi tại Việt Nam”, ông An nói.
Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, phát triển điện gió ngoài khơi tại Việt Nam là lĩnh vực còn mới mẻ. Vì vậy, còn nhiều vấn đề cần được đặt ra và giải quyết bao gồm việc xây dựng các cơ chế, chính sách, xây dựng cơ sở hạ tầng lưới điện, nâng cao năng lực thi công, xây lắp và phát triển chuỗi cung ứng nội địa.
“Mục tiêu trên hết vẫn là đáp ứng đủ điện cho nền kinh tế và người dân Việt Nam với chi phí hợp lý”, ông Đặng Hoàng An lưu ý.
Ông Ben Backwell, Chủ tịch Hội đồng Năng lượng gió Toàn cầu (GWEC) đánh giá những cam kết mạnh mẽ được quốc tế đưa ra tại Hội nghị COP26 gần đây đã tạo lực đẩy mạnh mẽ hướng nguồn tài chính quốc tế từ năng lượng hóa thạch sang các nguồn năng lượng tái tạo mới.
Việc huy động nguồn tài chính này trong giai đoạn khởi tạo ngành điện gió ngoài khơi tại Việt Nam cần có sự chuẩn bị kĩ càng về mặt khung chính sách, bao gồm cơ chế hỗ trợ, thủ tục cấp phép, cũng như hợp đồng mua bán điện phù hợp với quy chuẩn quốc tế. Những yếu tố trên đặc biệt quan trọng với điện gió ngoài khơi do đặc thù ngành đòi hỏi quá trình phát triển dự án dài và phức tạp hơn so với các nguồn năng lượng tái tạo khác. Tuy nhiên, với cơ chế hỗ trợ phù hợp, điện gió ngoài khơi có thể nhanh chóng phát triển và cạnh tranh về giá với các nguồn điện khác.
“Kinh nghiệm thế giới cho thấy với việc hỗ trợ 4.000-5.000MW đầu tiên thông qua cơ chế giá cố định sẽ đem lại những hiệu quả rõ rệt về giảm chi phí trong dài hạn, lên đến 40-60%”, ông Ben Backwell đề xuất, “Việc đưa ra quy mô công suất lắp đặt cao, cũng như lộ trình triển khai rõ ràng và minh bạch, sẽ giúp thu hút các nhà đầu tư cũng như nguồn tài chính tại Việt Nam”.
Ông Mark Hutchinson, Chủ tịch Nhóm công tác khu vực Đông Nam Á (GWEC) cho rằng sau giai đoạn khởi tạo ngành và triển khai 4-5000MW đầu tiên, điện gió ngoài khơi sẽ đạt được mức giảm chi phí đáng kể. Nếu được hỗ trợ mạnh mẽ trong giai đoạn này, điện gió ngoài khơi sẽ phát triển vượt bậc và nhanh chóng cạnh tranh được với các nguồn năng lượng khác.
Lương Bằng
Ra Biển Đông đón nguồn điện vô tận: Sóng gió khó lường
Nhiều nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đánh giá nguồn lợi khổng lồ khi triển khai các dự án điện gió ngoài khơi Việt Nam. Nhưng lĩnh vực mới mẻ này luôn có những “sóng gió khó lường”.