Từ một nông dân, chị Trịnh Thị Hồng (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng) đã khởi nghiệp bằng mô hình tái chế rác thải với ước mơ ấp ủ biến rác thành tiền.

Ấp ủ ước mơ biến rác thành tiền

Chị Hồng mồ côi cha từ trong bụng mẹ, và một tháng sau khi sinh chị, mẹ chị cũng qua đời. Là con út trong gia đình có 5 chị em, tất cả anh chị em phải tự bươn chải nuôi nhau trong vòng tay yêu thương của bà con lối xóm và sự giúp đỡ của những nhà hảo tâm.

Khó khăn vất vả nhưng chị Hồng vẫn rất chăm học. Tuy nhiên, chưa kịp hoàn thành chương trình học lớp 5, ngôi trường dành cho trẻ mồ côi mà chị đang theo học bị đóng cửa.

Nghỉ học, chị phải làm nhiều nghề kiếm sống, từ công nhân ở xưởng may, cho tới nông dân trên đồng ruộng... nhưng chị luôn nung nấu ước mơ khởi nghiệp, làm giàu để có ngày đền ơn, giúp đỡ những người đã cưu mang mình.

{keywords}

Chị Trịnh Thị Hồng tại Cộng hòa Nepal năm 2014 (ảnh do nhân vật cung cấp).

Nghị lực là thế, nhưng số phận lại như trêu ngươi người con gái đầy nhiệt huyết. Khi ước mơ khởi nghiệp còn dang dở thì chị biết tin mình mắc bệnh ung thư. Khó khăn chồng chất, chị vẫn gắng gượng tham gia lao động với một niềm tin sẽ làm được điều gì đó cho đời.

Năm 2012, chị Hồng vinh dự được chọn là đại biểu sang Philippines dự Hội thảo phát triển cộng đồng nghèo châu Á. Tại hội thảo, chị ấn tượng với phương pháp ủ rác thải thực vật để tạo ra những sản phẩm sinh học thân thiện với môi trường. Trở về nước, chị quyết tâm thực hiện phương pháp ủ rác thải này, vì thấy đây là giải pháp phù hợp với điều kiện địa phương.

Thử nghiệm, thất bại, rồi lại thử nghiệm và lại thất bại. Cứ như vậy hàng trăm lần, nhưng chị Hồng không hề bỏ cuộc. Rút kinh nghiệm từ những thất bại ấy, bằng lòng kiên trì, sau 5 năm mày mò nghiên cứu, chị đã thành công với quy trình ủ rác thải thực vật, biến những thứ phế thải thành sản phẩm nước rửa chén, lau nhà sinh học. Dự án của chị đặc biệt gây được tiếng vang, đã có nhiều tổ chức nước ngoài từ Mỹ, Đức, Tây Ban Nha, Thái Lan, Indonesia, Lào, Campuchia tìm đến học hỏi.

Đặc biệt, năm 2014, chị được Viện Quốc tế về môi trường và phát triển thích ứng dựa vào cộng đồng (CBA8) mời đến Nepal chia sẻ kinh nghiệm. “Tại hội thảo, phát biểu trước 450 đại biểu của 62 quốc gia và vùng lãnh thổ, đều là giáo sư, tiến sĩ, duy nhất mình “không học hàm, học vị gì” khiến tôi vừa run, vừa tự hào”, chị Hồng nhớ lại.

Cổ vũ tinh thần khởi nghiệp cho người nghèo

Tháng 1/2016, chị Hồng quyết định tham gia Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng. Qua nhiều lần chọn lọc, phỏng vấn, dự án của chị Hồng là 1 trong số 8 startup đầu tiên được lựa chọn triển khai mở rộng và hỗ trợ vốn.

Cũng từ Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng, chị Hồng đã được đào tạo kiến thức về tầm nhìn doanh nghiệp; kỹ năng lập kế hoạch; kỹ năng quản lý doanh nghiệp; quản trị doanh nghiệp; quản trị rủi ro; cách gọi vốn từ các nhà đầu tư, quỹ khởi nghiệp… Để rồi đến tháng 7/2016, chị Hồng quyết định thành lập Công ty TNHH MTV Minh Hồng.

{keywords}

Chị Hồng cùng sản phẩm nước rửa chén Minh Hồng.

Hiện nay, chị đang hoàn thiện các công đoạn như tìm kiếm mặt bằng để mở rộng quy mô sản xuất, thiết kế mẫu mã đáp ứng kiểu dáng công nghiệp cũng như xin chứng nhận đạt vệ sinh an toàn sản phẩm, xúc tiến các kênh phân phối để đưa sản phẩm ra thị trường.

Dù mới ở giai đoạn mở rộng nhưng công ty của chị đã giải quyết việc làm cho 56 hộ gia đình nghèo tại địa phương, với mức thu nhập từ 2,5 đến 5 triệu đồng/hộ; xử lý được hơn 94 tấn rác hàng tháng. Quan trọng hơn, tấm gương của chị đã cổ vũ phong trào khởi nghiệp cho những người nghèo tại địa phương.

Mục tiêu của chị Hồng là đến năm 2020 sẽ giải quyết việc làm cho 2.275 hộ nghèo tại địa phương; xử lý được 846 tấn rác thải hữu cơ/tháng tại cộng đồng. Từ một nông dân thành doanh nhân, điều chị thấy hạnh phúc nhất là tự mình ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm thô cho người dân, giúp họ có việc làm ổn định, thoát khỏi đói nghèo.

Sản phẩm nước rửa chén và nước lau sàn của chị là sản phẩm hàng Việt với tính năng an toàn, đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.

(Theo Infonet)