Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, do ảnh hưởng của không khí lạnh, ngày và đêm 26/12, ở khu vực bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa), vùng biển từ Bình Định đến Cà Mau, vùng biển phía tây của khu vực nam Biển Đông (bao gồm vùng biển phía tây quần đảo Trường Sa) có gió đông bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9. Biển động mạnh, sóng biển cao từ 4-6m. Vùng biển phía tây của khu vực giữa Biển Đông có gió đông bắc mạnh cấp 6, ngày có lúc cấp 7, giật cấp 8-9. Biển động mạnh, sóng biển cao từ 3-5m. 

Ngoài ra, trong ngày và đêm 26/12, khu vực nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa) có mưa rào và dông rải rác. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh.

Dự báo, ngày và đêm 27/12, ở khu vực bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió đông bắc mạnh cấp 6, ngày có lúc cấp 7, giật cấp 8-9, sóng biển cao 3,0-5,0m, biển động mạnh.

Vùng biển từ Khánh Hòa đến Cà Mau, vùng biển phía tây của khu vực nam Biển Đông (bao gồm vùng biển phía tây quần đảo Trường Sa) ngày có gió đông bắc mạnh cấp 6, giật cấp 8, sóng biển cao 2-5m, biển động; từ đêm nay gió giảm dần.

Cảnh báo, toàn bộ tàu thuyền và các hoạt động khác tại các vùng biển trên đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn.

Trước tình hình gió mạnh, sóng lớn và mưa giông trên biển, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai đã có văn bản đề nghị các cơ quan chức năng thông báo cho những phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết diễn biến để chủ động phòng tránh, bảo đảm an toàn và có kế hoạch sản xuất phù hợp.

Duy trì thông tin liên lạc, sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống.

Đồng thời khuyến cáo ngư dân và các thuyền viên cần thường xuyên theo dõi tin dự báo thời tiết trên những phương tiện thông tin, hệ thống tín hiệu báo bão, đồng thời chú ý quan sát bầu trời và mặt biển để nhận biết thời tiết...

Để góp phần giúp bà con ngư dân đảm bảo an toàn tính mạng cũng như phương tiện sản xuất, Tổng Cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) đã hướng dẫn bà con ngư dân cách ứng phó với bão và thời tiết xấu trên biển, khi tàu thuyền không kịp về bến neo đậu.

Khi điều khiển tàu tránh, trú bão: Trong cabin lái, ngoài thuyền trưởng, ít nhất luôn luôn phải có từ 1 – 2 người có khả năng lái tàu cùng trực, trong hầm máy phải có ít nhất 2 người trực liên tục. Trong mọi trường hợp, không được lái hoặc để cho tàu trôi xuôi theo hướng gió vì bão sẽ cuốn tàu vào gần tâm bão hơn. 

Trong trường hơp không may tàu mất khả năng điều động (do máy tàu bị hỏng hoặc do trục gãy, rơi chân vịt), tại vị trí độ sâu nhỏ hơn hoặc bằng 1/7 chiều dài dây neo thì phải thả neo ngay; trường hợp độ sâu lớn, cố định lái ở vị trí 0 độ, thả neo dù để tàu trôi theo nước. Bên cạnh đó, phải liên lạc khẩn cấp với các tàu khác đặc biệt là tàu cùng tổ, đội đang ở trong khu vực và với đài trực canh ven bờ để được ứng cứu khẩn cấp.

W-anh-chup-man-hinh-2024-01-11-luc-170802-1.png
Tàu thuyền hoạt động trong mùa mưa bão, từ tháng 5 đến hết tháng 12 phải đặc biệt quan tâm, nghe và cập nhật bản tin dự báo thời tiết hàng ngày để có thông tin kịp thời về bão, thời tiết xấu.

Nếu tàu gặp nạn, chủ tàu, thuyền trưởng cần liên lạc với Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Việt Nam để yêu cầu cứu hộ cứu nạn khi có sự cố mất an toàn trên biển.

Bên cạnh đó, trung tâm còn thực hiện việc trực canh cấp cứu cho tàu cá thu phát trên tần số 7903KHz hoặc phát bản tin thời tiết trên tần số 7906 KHz.

Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Việt Nam cũng lưu ý, tàu thuyền hoạt động trong mùa mưa bão, từ tháng 5 đến hết tháng 12 phải đặc biệt quan tâm, nghe và cập nhật bản tin dự báo thời tiết hàng ngày để có thông tin kịp thời về bão, thời tiết xấu và chủ động phòng tránh, đưa tàu về nơi neo đậu, trú ẩn an toàn gần nhất.

Khi gặp sự cố cần trợ giúp, phải gọi tới các trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải hoặc các đài thông tin duyên hải, thông báo: tên tàu, vị trí tọa độ, thời gian bị nạn, tình hình tai nạn, số người trên tàu, tình trạng sóng gió... và giữ liên lạc thường xuyên.

Với các tàu thuyền thường xuyên đánh bắt cá xa bờ, ngư dân cần chuẩn bị cơ số thuốc tối thiểu chuẩn bị cho 10 người đi biển bao gồm: Kháng sinh điều trị nhiễm trùng Cephalexin 0,5g: 60 viên; Hạ sốt, giảm đau Panadol: 20 viên; Cảm sốt Decolgen: 20 viên; Đau dạ dày Phosphalugel: 20 gói; Omeprazol 20mg: 60 viên; Ngộ độc thức ăn Natri bicacbonat: 20 viên; Berberin: 2 lọ; Chống mất nước do nôn mửa, tiêu chảy Orezol: 10 gói; Salonpas: 2 hộp; Giảm đau cơ bắp: Dầu nóng: 2 lọ; Chống dị ứng Promethazin 25mg: 30 viên. 

 Song song đó cần mang theo một số trang thiết bị cần thiết sơ, cấp cứu gồm: Bông hút nước: 0,5kg; Băng thun cỡ lớn: 2 cuộn; Băng cuộn vải cỡ lớn: 10 cuộn; Băng gạc cỡ lớn: 20 miếng; Băng dính: 20 cuộn; Cồn sát trùng iot: 2 lọ; Nẹp cố định gãy xương đùi: 1 bộ; Nẹp cố định gãy xương cánh tay: 1 bộ. Chất liệu túi thuốc phải là túi da hoặc hộp nhựa cứng và phải trang bị đầy đủ, đúng hướng dẫn. 

Ngô Huyền và nhóm PV, BTV